Sau nhiều chờ đợi, Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu của nhà đầu tư Singapore đã chính thức được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 4 tỷ USD. Đây là dự án tỷ USD “mở hàng” cho năm 2020, sau một năm 2019 không có dự án tỷ USD nào được cấp chứng nhận đầu tư.
Với dự án đầu tư “khủng” này, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong 20 ngày đầu tiên của năm 2020, Việt Nam đã thu hút được 5,33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả vốn tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số này, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới đạt 4,46 tỷ USD, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Còn vốn điều chỉnh đạt gần 334 triệu USD, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 534,8 triệu USD, bằng 70,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, trong khi vốn đầu tư đăng ký mới tăng rất mạnh, thì vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đang giảm so với cùng kỳ. Tuy vậy, đây mới là tháng đầu năm, nên chưa thể nói về “xu thế”, mà phải chờ đợi những tháng tiếp theo.
Dù thế, sự xuất hiện của dự án tỷ USD Điện khí Bạc Liêu đã góp phần quan trọng tạo khí thế mới cho thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2020.
“Đầu xuôi thì đuôi lọt”. Ngay tháng đầu năm, tình hình đã khả quan, nên có thể hứa hẹn Việt Nam sẽ tiếp tục có một năm thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Thêm nữa, với sự xuất hiện của dự án lớn, quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án mới tăng từ 3,6 triệu USD trong tháng 1 năm 2019 lên 17,3 triệu USD trong tháng 1 năm 2020.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất phân phối điện dẫn đầu với tổng số vốn đạt 4,04 tỷ USD, chiếm 75,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 856,3 triệu USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần.
Tiếp theo, lần lượt là các lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 119 triệu USD và 118,2 triệu USD.
Nếu theo đối tác, thì trong tháng 1/2020, đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,16 tỷ USD, chiếm 78,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 264,5 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 212 triệu USD, chiếm 4% tổng vốn đầu tư, trong đó tập trung nhiều vào hình thức đầu tư mới (chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư của Hồng Kong trong tháng 1 năm 2020). Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản…
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, trong tháng 1/2020, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,69 tỷ USD, bằng 84,3% so với cùng kỳ và chiếm 66,8% kim ngạch xuất khẩu. Còn nếu không kể dầu thô, con số là 12,89 tỷ USD, bằng 84,3% so với cùng kỳ và chiếm 65,8% kim ngạch xuất khẩu.
Cũng trong tháng 1/2020, khu vực đầu tư nước ngoài nhập khẩu gần 10,4 tỷ USD, bằng 84,3% so cùng kỳ và chiếm 52,6% kim ngạch nhập khẩu.
Tuy kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài trong tháng 1 giảm so với cùng kỳ, song tính chung, khu vực này vẫn xuất siêu 2,29 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 2,1 tỷ USD không kể dầu thô.