Những dự án "khủng"
Cuối tuần trước, Công ty Enterprize Energy của Anh đã công bố thông tin về dự án Điện gió ngoài khơi Kê Gà (Bình Thuận) có tổng công suất 3.400 MW và tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 11,9 tỷ USD. Theo nhận định của giới chuyên môn, dự án nếu khả thi sẽ tạo một bước đột phá mới cho ngành điện cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Ian Hatton, Chủ tịch Enterprize Enegry cho hay, dự án được phân kỳ đầu tư với công suất mỗi giai đoạn là 600 MW, vốn đầu tư được thu xếp vào khoảng 9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư kết nối vào lưới điện quốc gia. Enterprize Enegry đã làm việc và nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh Bình Thuận.
“Với tính khả thi cao, nhiều ngân hàng quốc tế cam kết đảm bảo đủ vốn cho việc xây dựng dự án”, ông Ian Hatton khẳng định.
Chủ tịch Enterprize Enegry cho biết, việc đầu tư xây dựng cánh đồng gió ngoài khơi Kê Gà đã được ấp ủ và nghiên cứu trong nhiều năm, được xây dựng trên vùng biển có diện tích hơn 2.000 km2, cách xa đất liền tối thiểu 20km ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, tính từ mũi Kê Gà, nơi có tốc độ gió bình quân 9,5m/s, những tuốc bin gió đầu tiên được xây dựng có công suất 9,5 MW.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2018, Công ty JR Energy Co, Ltd (AISA) và Công ty TNHH Năng lượng tái sinh Trác Việt bày tỏ mối quan tâm tới dự án điện gió JR Tây Bình Phước có công suất thiết kế 300MW, vốn đầu tư dự kiến xấp xỉ 13.400 tỷ đồng. Hai nhà đầu tư này đang làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước để đưa ra lộ trình thực hiện dự án trong thời gian sớm nhất.
Không chỉ thu hút nhà đầu tư nước ngoài, điện gió cũng là mảng có sức hấp dẫn với các doanh nghiệp trong nước. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán tại Hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư mới đây, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây lắp điện I (PCC1) cho hay, năng lượng là một trong những lĩnh vực cốt lõi của PCC1. Từ nay tới năm 2025, PCC1sẽ tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và điện mặt trời, nhất là các dự án điện gió quy mô lớn, công suất tối thiểu từ 300 MW.
"Hiện PCC1 đang hợp tác với một số công ty tư vấn nghiên cứu, đánh giá tiềm năng để chuẩn bị khởi động đầu tư dự án trong thời gian tới", ông Tuấn nói.
Rào cản giá điện
Tuy có tiềm năng và sức hấp dẫn, nhưng việc đầu tư điện gió tại Việt Nam còn tồn tại những rào cản, đặc biệt là về giá điện, gây ảnh hưởng đến sự lựa chọn và quyết định của nhà đầu tư. Theo ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàn Cầu, hiện nay, mức giá mua điện gió cố định theo quy định là 7,8 cent/kWh là quá thấp, không hấp dẫn nhà đầu tư.
"Dự án điện gió Hướng Linh (Hướng Hóa, Quảng Trị) của chúng tôi duy trì được là nhờ vay được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng của Đức và không thuê nhà thầu thi công nên có lãi đôi chút, nhưng nếu phải đấu thầu thi công các công đoạn thì nhiều doanh nghiệp sẽ lỗ lớn khi đầu tư với mức gia này. Do đó, khi tính toán đầu tư vào các dự án điện gió, nhà đầu tư vẫn băn khoăn về hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn”, ông Huế nói.
Liên quan tới dự án Điện gió ngoài khơi Kê Gà, ông Ian Hatton cũng quan ngại về thời gian áp dụng giá mua điện theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg khi chỉ dành cho các dự án vận hành trước tháng 11/2021.
“Chính phủ đã phê duyệt về giá điện gió ngoài khơi ở mức 9,8 cent/kWh, nhưng giai đoạn I của dự án nhanh nhất cũng phải tới năm 2022 mới đi vào hoạt động. Do đó, chúng tôi cũng chưa thể chắc chắn rằng sau tháng 11/2021 giá mua cụ thể là bao nhiêu và đó là rủi ro”, ông Ian Hatton cho hay.
Theo ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), lĩnh vực điện gió của Việt Nam sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư hơn nếu có khung pháp lý ổn định. Do vậy, Việt Nam cần nỗ lực hơn để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch về giá, cũng như quy trình đấu thầu mua sắm.
Giá điện gió chưa đủ hấp dẫn
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương)
Theo chia sẻ của các nhà đầu tư, giá điện gió hiện nay chưa đủ hấp dẫn. Do đó, Bộ Công thương đang nghiên cứu để đưa ra một mức giá hài hòa hơn trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo và phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới.