Theo thông tin được ông Ian Hatton, chủ tịch Enterprise Energy giới thiệu tại hội thảo “Điện gió ngoài khơi Kê Gà – Đột phá mới cho kinh tế Việt Nam” vừa được Enterprize Energy Pte. Ltd (EE) phối hợp cùng Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) tổ chức mới đây, tổng công suất của dự án là 3.400MW và được chia ra nhiều phân kỳ đầu tư, mỗi phân kỳ đầu tư sẽ cho ra công suất khoảng 600MW.
Vốn đầu tư được thu xếp cho toàn bộ dự án 3.400MW tương ứng khoảng 9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia.
“Với những quy định phù hợp và ổn định từ Chính phủ, hợp đồng mua bán điện hợp lý, sử dụng những công nghệ tuốc bin được kiểm chứng từ nhà thầu uy tín để chế tạo và lắp đặt, các ngân hàng quốc tế sẽ đảm bảo đủ vốn cho việc xây dựng dự án”, ông Ian khẳng định.
Đại diện nhà đầu tư cho biết trên thực tế, việc đầu tư xây dựng cánh đồng gió ngoài khơi Kê Gà đã được nhà đầu tư Enterprize Energy ấp ủ và nghiên cứu nhiều năm. Những nghiên cứu vừa qua cho kết quả đầy triển vọng trên một vùng biển có diện tích hơn 2.000 km2, cách xa đất liền tối thiểu 20km ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, tính từ mũi Kê Gà.
“Cánh đồng gió ngoài khơi (offshore wind farm) dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 20km tới 50km, nơi có tốc độ gió bình quân 9,5m/s. Các tuốc bin (turbine) có thể có công suất khác nhau, những tuốc bin gió đầu tiên được xây dựng có công suất 9,5MW. Trong suốt quá trình xây dựng của từng giai đoạn, công suất các tuốc bin sẽ còn tăng lên với sự phát triển của công nghệ turbine gió. Trong tương lai, với dự án này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tân tiến nhất trên thế giới”, đại diện Enterprise Energy nhấn mạnh.
Theo nhận xét của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà là có tính khả thi cao, là dự án có công suất lớn đầu tiên được triển khai xây dựng ở Việt Nam. Trong mục tiêu của Tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh thì tầm nhìn tới năm 2030 Việt Nam cần tới 20% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT - điện gió, điện mặt trời); đây cũng là mục tiêu chiến lược Phát triển NLTT của Chính phủ đề ra từ năm 2011.
Qua hàng chục năm việc triển khai thực hiện các dự án NLTT (gồm điện gió, điện mặt trời) đạt tỷ lệ rất thấp chưa đầy 1% so với yêu cầu. Dự án điện gió Kê Gà được hoàn thành sẽ đóng góp đáng kể vào nguồn NLTT của Việt Nam.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Việt Ngãi cũng lưu ý rằng vấn đề hiện nay với dự án là cơ chế giá mua điện. Theo ông Ngãi vừa qua Chính phủ đã phê duyệt về giá điện gió ngoài khơi ở mức 9.8cents/kwh điều cần quan tâm ở đây ngoài khơi là cách bờ biển bao nhiêu km thì giá điện gió phải tính tương ứng; 10km; 20km; 50km… mỗi khoảng cách như vậy mức độ giá cho 1kwh sẽ khác nhau, do vậy nhà đầu tư cần phải trình các bộ ngành và Chính phủ Việt Nam điều chính gia điện gió theo dự án của mình cho phù hợp để đảm bảo dự án được thu hồi vốn sớm và kinh doanh có lãi.
Bên cạnh đó, có một vấn đề khác là khả năng Dự án Kê Gà có thể không kịp tiến độ áp dụng được khung giá mua điện gió mới vừa được Chính phủ phê duyệt đối với điện gió là 9.8cents/kwh, cao hơn giá mua hiện hành là 7,8 cent/KWh.
Đây cũng là vấn đề băn khoăn được đại diện Enterprise Energy lo ngại khi thời gian áp dụng mức giá tương đương 9,8 cent/kWh theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg chỉ áp dụng với các dự án vào vận hành trước tháng 11/2021. Trong khi đó, giai đoạn 1 của Dự án nhanh nhất cũng phải tận năm 2022 mới vào hoạt động.
“Trước thực tế này, có khả năng Enterprise Energy sẽ đề xuất chính phủ Việt Nam có cơ chế khuyến khích đặc biệt cho dự án khổng lồ để thúc đẩy triển khai sớm đi vào thực hiện”, đại diện nhà đầu tư cho hay.
Ngoài ra, Hiệp hội năng lượng cũng lưu ý một vấn đề cần quan tâm đó là vốn đầu tư cho phần điện gồm đường dây và trạm kể cả ĐZ 500kV, TBA 500KV, ĐZ 220kV; TBA 220KV…