Điện gió ngoài khơi: Vẫn đang bàn chuyện làm ở đâu

0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu tới năm 2030 có 6.000 MW điện gió ngoài khơi, nhưng tới nay mới đang ở giai đoạn triển khai lấy ý kiến, đề xuất danh mục dự án điện gió ngoài khơi.

Định hướng 7 tổ hợp điện gió ngoài khơi

Tuần cuối cùng của tháng 12/2024, Bộ Công thương đã gửi văn bản tới 28 tỉnh, thành phố có biển cùng nhiều bộ, ngành đề nghị tham gia ý kiến với đề xuất về 7 tổ hợp dự án điện gió ngoài khơi như báo cáo của Viện Năng lượng, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cập nhật danh mục dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố có biển sẽ có ý kiến về sự phù hợp với Quy hoạch tỉnh, khả năng sắp xếp, bố trí không gian trạm biến áp và đường dây đấu nối trên bờ, phục vụ đấu nối các dự án điện gió ngoài khơi.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng được yêu cầu có ý kiến về khả năng định hướng giải tỏa công suất, đề xuất danh mục ưu tiên đầu tư trên cơ sở cân đối cung - cầu của hệ thống. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng phải có ý kiến về sự chồng lấn với các dự án dầu khí trên biển…

Theo tính toán của Viện Năng lượng, có 7 tổ hợp điện gió ngoài khơi được định hướng tại các vùng biển. Trong số này, khu vực Bắc bộ sẽ có 3 tổ hợp là Bắc bộ 1 (1.500 MW), Bắc bộ 2 (500 MW) và Bắc bộ 3 (500 MW), với các địa điểm gom công suất - đấu nối được đề xuất lần lượt là ở Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Ninh.

Khu vực miền Trung sẽ có tổ hợp điện gió ngoài khơi Nam Trung bộ 1 (1.500 MW) và Nam Trung bộ 2 (500 MW), với điểm gom công suất - đấu nối tại Thuận Nam (Ninh Thuận) và Sơn Mỹ (Bình Thuận).

Khu vực Nam bộ có điện gió ngoài khơi Nam bộ 1 (500 MW) và Nam bộ 2 (500 MW), với điểm gom công suất - đấu nối dự kiến là Bắc Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) và khu vực Trà Vinh hoặc Bến Tre.

Tuy nhiên, đơn vị tính toán cũng lưu ý, vị trí, quy mô chuẩn xác của các dự án điện gió ngoài khơi và phương án giải tỏa công suất sẽ được tính toán kỹ lưỡng cho giai đoạn sau, nhất là khi tiến hành khảo sát biển theo quy hoạch.

Điểm đáng chú ý trong các tính toán này là đầu tư cho truyền tải khá lớn. Đơn cử, nếu phát triển điện gió ngoài khơi ở quy mô công suất lớn trên 1.500 MW và đấu nối về Hải Phòng, thì lưới truyền tải sẽ phải nâng cấp đáng kể, với chi phí đầu tư lưới đấu nối tăng 1,7 lần (do phải nâng công suất các trạm biến áp 500 kV đấu nối, chống quá tải).

Trường hợp đấu nối điện gió ngoài khơi về khu vực Quảng Ninh ở mức trên 500 MW, thì phải xây dựng đường truyền tải cấp 500 kV dài 230 km về trạm 500 kV Thái Nguyên và khiến chi phí đầu tư lưới điện đấu nối tăng 13 lần, từ 17,8 triệu USD lên 224,5 triệu USD.

Nếu đấu nối điện gió ngoài khơi về Thái Bình trên 500 MW, thì chi phí đầu tư tăng gấp 2,2 lần (do phát sinh trạm biến áp 500 kV đấu nối, thay vì chỉ đấu nối ở cấp 220 kV).

Tại cuộc họp với các địa phương triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg về đảm bảo cấp điện diễn ra vào tuần trước, Bộ Công thương cho biết, Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu vận hành 6.000 MW điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2026 - 2030 và Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị khảo sát, cũng như xác định danh mục dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhà đầu tư kỳ vọng có chính sách đột phá

Trong cuộc họp triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, với các dự án điện gió ngoài khơi, Bộ Công thương sẽ ban hành những cơ chế đột phá, bao gồm sản lượng điện hợp đồng tối thiếu, quy trình lựa chọn nhà đầu tư rút gọn, kể cả quy trình với tập đoàn lớn, trong đó có những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Mục tiêu là đạt được công suất 6.000 MW như quy hoạch đến năm 2030. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ những dự án được chấp thuận và chỉ có nhà đầu tư hoàn thiện trước ngày 1/1/2031 mới được hưởng các cơ chế ưu đãi đặc biệt.

Trao đổi với Báo Đầu tư, một số nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia làm nguồn điện sạch thời gian qua cho hay, mục tiêu đến năm 2030 làm được điện gió ngoài khơi là đầy thách thức, vì cơ chế hiện nay vẫn chưa có gì rõ ràng và chưa biết bao giờ mới chốt được để triển khai.

Đó là chưa kể, việc đàm phán Hợp đồng Mua bán điện (PPA) cũng không thể nhanh. Thực tế, đơn vị làm dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đàm phán PPA cũng mất khoảng 16 tháng. Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu được chấp thuận chủ trương tư từ tháng 1/2020, tới nay đã qua 4 năm, nhưng vẫn chưa đàm phán được PPA, do nhiều cơ chế mà nhà đầu tư đề xuất không nhận được sự đồng ý từ cơ quan hữu trách.

Bởi vậy, các nhà đầu tư rất kỳ vọng sẽ có những chính sách đột phá để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi và tới năm 2030 sẽ có những thành quả nhất định.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục