Điện gió ngoài khơi: Chờ đột phá từ doanh nghiệp nhà nước tiên phong
Khi đánh giá về đối tượng triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, Bộ Công thương đã cho rằng, việc lựa chọn các nhà đầu tư quốc tế để thực hiện dự án thí điểm có thể còn nhiều khó khăn, phức tạp chưa lường hết được.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, quan điểm của Bộ Công thương là cũng chưa nên giao thí điểm vì chưa đánh giá được hết các vấn đề về an ninh quốc phòng, vướng mắc về luật pháp.
Phương án được Bộ Công thương nghiêng về là giao các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư. Cụ thể là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hay các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp Nhà nước có thể tự tin đảm nhiệm vai trò đầu tàu triển khai các dự án điện gió ngoài khơi thì việc sửa Luật Điện lực hiện tại cần phải rõ ràng hơn.
Nhất trí cao và hoàn toàn ủng hộ chủ trương xây dựng các quy định, cơ chế để thúc đẩy các dự án điện nói chung, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư các dự án điện lớn cũng đưa ra những giải pháp cụ thể.
Theo phân tích của Petrovietnam, Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi hiện nay chưa giải quyết được các vấn đề như Thủ tướng Chính phủ giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thể hợp tác với đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên hay giao công ty con của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện dự án điện gió ngoài khơi và thực hiện khảo sát.
Hiện dự án điện gió ngoài khơi là hoàn toàn mới tại Việt Nam và thường có quy mô về suất đầu tư lớn, phức tạp trong quá trình triển khai, xây dựng, lắp đặt. Tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc phòng, chủ quyền đất nước. Vì vậy, điện gió ngoài khơi cũng được Luật Đầu tư xếp vào diện “đầu tư có điều kiện trong thu hút vốn nước ngoài”.
Với thực trạng năng lực và kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, việc độc lập phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam trong giai đoạn đầu chắc chắn gặp nhiều thách thức.
Do vậy, để đảm bảo an ninh, quốc phòng, đồng thời khởi tạo được các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam đảm bảo hiệu quả đầu tư cần có quy định để Thủ tướng Chính phủ giao các doanh nghiệp trong nước hợp tác với đối tác quốc tế có năng lực, kinh nghiệm.
Từ góc độ ngành dầu khí có nhiều điểm tương đồng với điện gió ngoài khơi, trên cơ sở năng lực và kinh nghiệm sẵn có, Petrovietnam và đơn vị thành viên hiện đã chủ động tham gia vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Nhưng để phát huy thế mạnh về năng lực và kinh nghiệm, sử dụng hiệu quả nguồn lực, bên cạnh doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng cần có quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ giao cho công ty con của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện việc khảo sát và phát triển dự án điện gió ngoài khơi.
Theo hướng này, các chuyên gia đề nghị sửa Điểm a Khoản 2 Điều 26 về Khảo sát dự án điện gió ngoài khơi theo hướng “Thủ tướng Chính phủ giao doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100 % vốn điều lệ tổ chức việc lập, đề xuất phương án, kế hoạch để huy động đơn vị thành viên thực hiện khảo sát”.
Còn Điểm a Khoản 1 Điều 27 về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi cũng được đề nghị bổ sung việc “Chính phủ quy định chi tiết nội dung này” trong câu “doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định trong đó bao gồm đề xuất đối tác hợp tác, giao công ty con tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư, hoặc lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Cạnh đó, là câu chuyện xác định rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi bao gồm dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi.
Đó là bởi Dự thảo Luật Điện lực tại Khoản 4 Điều 12 chưa quy định rõ về cấp nào có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xuất khẩu điện từ nguồn điện gió ngoài khơi, dẫn đến khoảng trống pháp lý vì không rõ thẩm quyền thuộc cấp nào.
PTSC thực hiện công tác lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận. |
Cơ hội gia tăng sản xuất trong nước
Khi triển khai đầu tư các dự án thuỷ điện lớn giai đoạn 2003-2014, cơ khí thuỷ công trong nước đã được Nhà nước tạo điều kiện trong tham gia chế tạo, từ đó trưởng thành đáng kể về năng lực.
Tuy nhiên, sự ủng hộ để sản xuất trong nước tham gia nhiều hơn tại các dự án điện gió ngoài khơi hiện nay lại chưa rõ ràng. Cụ thể, Dự thảo Luật Điện lực chưa có quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ cho dự án điện gió ngoài khơi (Khoản 4 Điều 25 Quy định chung), cả Luật thuế và Luật Đầu tư cũng chưa quy định cụ thể cho loại hình điện gió ngoài khơi.
“Cần làm rõ các cơ chế ưu đãi cũng như cụ thể hóa quy định về việc ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước tham gia ngành điện gió ngoài khơi bắt đầu từ khâu khảo sát cho đến khi tháo dỡ dự án, nhất là trong các dự án đầu tiên”, là quan điểm được ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam góp ý cho Luật Điện lực đang sửa đổi.
Cũng để dự án điện gió ngoài khơi đóng góp nhiều hơn cho hệ thống điện cũng như hành trình tới Net Zero, vấn đề giá bán điện và sản lượng điện hợp đồng tối thiểu cũng được đặt ra do dự thảo Luật hiện nay chưa có, khiến quá trình đàm phán Hợp đồng mua bán điện tốn nhiều thời gian mà không dễ đi đến kết quả.
Điều này cũng là bởi EVN - đơn vị mua buôn điện duy nhất hiện nay cũng phải tính toán hiệu quả kinh doanh nên không thể mua cao, bán thấp.
Theo đề xuất này, Khoản 4 Điều 25 cần thiết phải ghi rõ “Giá bán điện và sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia trên nguyên tắc huy động tối đa sản lượng điện gió ngoài khơi trên cơ sở bảo đảm an toàn hệ thống điện nhằm đáp ứng hiệu quả đầu tư của dự án, đồng thời phản ánh đầy đủ các chi phí đầu tư và sản xuất cho các dự án điện gió ngoài khơi…”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải quy định rõ trong Luật Điện lực sửa đổi việc miễn giảm tiền sử dụng khu vực biển; tiền sử dụng đất/thuê đất hay cho hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại mức cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế; ưu đãi thuế nhập khẩu khẩu với vật tư, hàng hoá thiết bị của dự án điện gió ngoài khơi cũng như tỷ lệ nội địa hoá với các hoạt động khảo sát, xây dựng, phát triển, vận hành, khai thác, tháo dỡ dự án điện gió ngoài khơi.
Cũng bởi Luật Điện lực sửa đổi đang được soạn thảo dưới dạng luật khung nên các chuyên gia cho rằng, cần bổ sung việc giao Chính phủ quy định chi tiết quyền lợi của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã tham gia việc được giao khảo sát.
Ngoài ra Dự thảo Luật Điện lực mới chỉ quy định quyền lợi của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã tham gia việc được giao khảo sát tại Điểm a Khoản 3 Điều 26 mà chưa quy định rõ ràng việc góp vốn. Vì vậy, cũng cần bổ sung quy định về việc “doanh nghiệp được giao nhiệm vụ được góp vốn đầu tư dự án tại khu vực được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện khảo sát. Chính phủ quy định chi tiết nội dung, hình thức góp vốn”.
“Dự thảo Luật Điện lực cần đặt ra các chính sách rõ ràng, tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, tạo lập được một hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực năng lượng đồng bộ, thống nhất, hiệu quả đáp ứng nhu cầu về điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội và cả cho xuất khẩu đồng thời phải hướng đến việc khai thác nguồn tài nguyên gió để Việt Nam tham gia cung cấp điện cho thị trường quốc tế, tạo nguồn thu ngoại tệ từ việc xuất khẩu điện năng”, đại diện Petrovietnam cho hay.
Cuối năm 2023, Orsted, nhà đầu tư đến từ Đan Mạch có mong muốn phát triển 6.900 MW điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng và Thái Bình cùng đối tác trong nước đã quyết định dừng dự án tại Việt Nam.
Tiếp đó vào tháng 4/2024,Tập đoàn năng lượng quốc doanh Equinor (Na Uy) xác nhận hủy kế hoạch đầu tư vào điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam được đánh giá "có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở châu Á" nhưng theo nhóm phân tích của Ngân hàng Thế giới World Bank, Việt Nam thu hút sự quan tâm của quốc tế với các kế hoạch năng lượng tái tạo nhưng chính sách chậm trễ khiến một số nhà đầu tư tiềm năng xem xét lại kế hoạch.
Ông Andrew Ho, Giám đốc quan hệ chính phủ và chính sách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) cũng nhận xét, khi quan tâm tới một thị trường, các nhà đầu tư quốc tế cần thấy khung khổ chính sách ổn định để đầu tư lâu dài cho thị trường đó. Chính phủ cần đưa ra các khung pháp lý quan trọng và minh bạch vì điện gió ngoài khơi triển khai không thể nhanh được.