Diễn đàn M&A Việt Nam 2021: Thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD sau 10 tháng

(ĐTCK) Trong hơn một thập kỷ qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại diễn đàn M&A Việt Nam 2021

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát biểu tại diễn đàn M&A Việt Nam 2021: "cơ hội trong thị trường bùng nổ" sáng nay (9/12).

Cũng trong thời gian đó, thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn thương vụ được thực hiện thành công, đạt tổng giá trị hơn 50 tỷ USD.

Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD.

Theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch, năm 2019.

Năm 2022 tới đây sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung phục hồi nhanh nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 - 2030.

Thách thức, khó khăn còn rất lớn khi đại dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp hơn, với các biến chủng mới vừa xuất hiện. Kinh tế thế giới được dự báo hồi phục chưa vững chắc, không đồng đều, rủi ro và bất ổn tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, ở trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều đang bị tiêu hao. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu dịch bệnh không được kiểm soát một cách cơ bản để mở cửa hoàn toàn trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu cũng là những thách thức lớn…

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đòi hỏi phải chủ động đưa ra đường hướng chiến lược và các giải pháp quyết liệt để khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa nền kinh tế sớm bước vào quỹ đạo hồi phục vững chắc.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023”. Đây là một chương trình tổng thể, có quy mô đủ lớn, hỗ trợ cả về phía cung và cầu, thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế...

Sau khi chương trình được thông qua và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022, sẽ góp phần quan trọng để nền kinh tế có thể phục hồi nhanh và phát triển bền vững, thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Mới đây, “Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025” cũng đã được Quốc hội thông qua, với nhiều điểm đột phá về hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ việc cơ cấu lại không gian kinh tế, cơ cấu lại các ngành, cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng, cơ cấu lại các doanh nghiệp nghiệp nhà nước… Đây cũng sẽ là một động lực quan trọng để thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước cho kinh tế phục hồi và tăng tốc.

Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)... mà Việt Nam tích cực tham gia được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo nền tảng, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh... Điều này không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại, mà còn góp phần dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư thông qua các hoạt động M&A, vào Việt Nam.

Để thu hút đầu tư nước ngoài, thực hiện Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện và trình Chính phủ thông qua Chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, với mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Chiến lược này sẽ là “kim chỉ nam” để Việt Nam tăng cường thu hút và tối ưu hóa lợi ích dòng vốn đầu tư nước ngoài cho giai đoạn phát triển sắp tới.

Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực… để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Sau khi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ được thành lập vào năm 2020, các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt, cũng đã được ban hành, tạo thuận lợi để thu hút được các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược.

Hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng không ngừng được hoàn thiện. Sau khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021, mới đây, Chính phủ cũng đã xây dựng và chuẩn bị trình Quốc hội xem xét dự án một luật sửa nhiều luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động M&A.

Ở góc độ doanh nghiệp, sau 2 năm đối mặt không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh, cộng đồng kinh doanh đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ các nguồn vốn rẻ, chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành. Nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương tin rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ bùng nổ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao Báo Đầu tư đã chọn chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ” cho Diễn đàn M&A năm nay. Với các phiên thảo luận chuyên sâu, Thứ trưởng hy vọng rằng, các diễn giả tham dự Diễn đàn sẽ cùng phân tích, cung cấp cái nhìn toàn thể về thị trường, đánh giá xu hướng, cơ hội các ngành nghề, lĩnh vực, hiện thực hóa cơ hội M&A thông qua các thương vụ cụ thể. Đồng thời, Diễn đàn cũng là cơ hội giúp kết nối giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục