Dòng vốn mới do các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) dẫn đầu là một chất xúc tác quan trọng trong thị trường M&A, bên cạnh đó là sự gia tăng đầu tư vào các quỹ đầu tư tư nhân (PE). SPAC và PE là bên mua tích cực trong các thương vụ M&A.
Theo dữ liệu của Refinitiv, giá trị các thương vụ M&A từ đầu năm 2021 đến nay vượt mức 4.300 tỷ USD so với con số cả năm 2020 là 3.600 tỷ USD.
Trước đó, hoạt động M&A toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt giá trị khoảng 2.600 tỷ USD, tăng vọt so với giá trị trung bình 926 tỷ USD cùng kỳ trong giai đoạn 2015 - 2019. Các công ty công nghệ, truyền thông và viễn thông chiếm một phần ba tổng số thương vụ “bom tấn” trong nửa đầu năm 2021.
Tập trung vào việc hiệu chỉnh lại chiến lược và đẩy nhanh áp dụng công nghệ thích ứng với môi trường kinh doanh biến động bởi dịch Covid-19 là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp theo đuổi. Khi những bất ổn dần được giải quyết, lãnh đạo các doanh nghiệp tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, nhất là khi chỉ số kinh tế vĩ mô, bao gồm tỷ lệ tăng trưởng GDP dương và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao, càng thúc đẩy hoạt động M&A.
Theo cuộc khảo sát CEO toàn cầu thường niên lần thứ 24 của PwC năm 2021, 76% CEO kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong 12 tháng tới.
Đặc biệt, không bị nản lòng trước những lo ngại về kinh tế vĩ mô do yếu tố lạm phát và địa chính trị như chính sách thuế quan, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, họ có tầm nhìn rõ ràng hơn về các cơ hội tạo giá trị trong các danh mục đầu tư hiện tại và tập trung hơn vào các chiến lược M&A nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng, tăng quy mô.
Một khảo sát của KPMG vào tháng 9/2021 cho thấy, 86% CEO kỳ vọng, M&A, liên doanh, liên kết chiến lược sẽ là động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp trong 3 năm tới.
Hoạt động M&A còn được thúc đẩy bởi lãi suất dự kiến vẫn ở mức thấp trong thời gian còn lại của năm 2021, cung cấp khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Đáng chú ý, việc huy động vốn cổ phần diễn ra thuận lợi, cung cấp nguồn vốn để các doanh nghiệp thực hiện chiến lược M&A.
Ông Stephen Bates, một lãnh đạo KPMG dự báo, tổng giao dịch M&A năm 2021 có thể đạt gần 6.000 tỷ USD (vượt xa con số cao nhất mọi thời đại là 4.800 tỷ USD được thiết lập năm 2015).
Sự sôi động của thị trường M&A có thể kéo dài sang năm 2022 và bên mua phải cạnh tranh nhau nhiều hơn để đạt được mục tiêu.
Số lượng các công ty có nhu cầu M&A nhưng chưa tìm được mục tiêu được nhận định là rất lớn, kèm theo đó là nguồn vốn dồi dào dành cho hoạt động này. Theo đó, sự sôi động của thị trường M&A có thể kéo dài sang năm 2022 và bên mua phải cạnh tranh nhau nhiều hơn để đạt được mục tiêu. Tính cạnh tranh của thị trường M&A phản ánh việc lãnh đạo các doanh nghiệp sẵn sàng trả nhiều hơn để có được sự hợp lực về doanh thu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.
Sự gián đoạn sản xuất, cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 khiến giám đốc điều hành tại nhiều công ty phải xem xét danh mục đầu tư để đánh giá lại các chiến lược, dẫn đến cả việc mua lại và thoái vốn chiến lược khi tập trung nguồn lực vào những bộ phận có tiềm năng tăng trưởng cao nhất và có được lợi thế cạnh tranh đặc biệt.
Điều này dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp sử dụng M&A để có được những khả năng mà họ chưa có, thường là công nghệ, nhằm nâng cao năng lực hiện tại và củng cố lợi thế đó.
Tập trung vào các lợi thế cạnh tranh có tác dụng tốt đối với các công ty có khả năng kết hợp công nghệ vào sản phẩm và dịch vụ trong thời kỳ đại dịch. Lãnh đạo tại các công ty thiếu những khả năng này đã nhận ra tầm quan trọng của việc mua lại, dẫn đến gia tăng nỗ lực tìm kiếm mục tiêu phù hợp.
Ví dụ về các giao dịch dựa trên năng lực như vậy bao gồm việc Panasonic ký thỏa thuận trị giá 7,1 tỷ USD vào tháng 4/2021 để mua lại Blue Yonder, Inc., nhà phát triển phần mềm quản lý chuỗi cung ứng doanh nghiệp, nhằm tăng cường danh mục đầu tư và tăng tốc nguồn cung được chia sẻ của các công ty trong chuỗi.
Một số thương vụ sáp nhập gần đây được công bố bởi các công ty tìm kiếm lợi thế về quy mô. Những giao dịch như vậy thường nhằm đến gia tăng giá trị từ sự kết hợp và việc hoán đổi cổ phiếu có thể giúp giải quyết vấn đề về định giá tương đối cao.
Ngoài SPAC, các quỹ PE cũng là những nhà đầu tư tích cực và tỷ lệ các giao dịch có sự tham gia của PE đã tăng từ 27% vào đầu năm 2019 lên 38% trong nửa đầu năm 2021.