Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 3792/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch UBND TP.HCM để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.
Theo Phó thủ tướng, Quyết định số 1617/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước của Thủ tướng Chính phủ đã quy định "Hội đồng có trách nhiệm hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định, khẳng định rõ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đủ điều kiện để Chính phủ thông qua, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư ".
Để kịp thời hoàn tất thủ tục theo quy định, trên cơ sở Hồ sơ đã được UBND TP.HCM tiếp thu, giải trình, Phó thủ tướng yêu cầu Hội đồng thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẳng định rõ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đủ điều kiện để Chính phủ thông qua, báo cáo Chính phủ trước ngày 5/52025.
Đồng thời, Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc tại văn bản số 1904/VPCP-KTTH ngày 10/3/2024, khẩn trương thông báo cho các bộ, cơ quan, địa phương dự kiến tổng mức vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để có cơ sở xem xét khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho Dự án.
Trước đó, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã có Báo cáo số 5460/BC-HĐTĐNN ngày 24/4/2025 về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.
Theo đánh giá, kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM theo phương thức PPP sau khi tiếp thu, giải trình, hoàn thiện theo ý kiến của các thành viên Hội đồng đã có đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật PPP.
Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị UBND TP.HCM chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu cung cấp và các nội dung giải trình theo quy định của pháp luật; đồng thời, hoàn thiện những nội dung còn tồn tại.
Trong đó, Hội đồng lưu ý về cơ sở lựa chọn phương án hướng tuyến của Dự án đoạn qua tỉnh Long An; phương án bố trí các nút giao, trạm dừng nghỉ; việc phân chia dự án thành phần đối với các dự án thành phần 2-1 (qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), dự án thành phần 2-2 (qua tỉnh Đồng Nai) bảo đảm khả năng khai thác, vận hành độc lập; nguồn vốn, khả năng bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 (nhất là đối với đoạn qua tỉnh Long An) và các cơ chế, chính sách đặc biệt đề xuất cho Dự án.
Sau khi biểu quyết bằng văn bản, có 14/14 thành viên Hội đồng (đạt 100%) đồng ý thông qua Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trong đó có 6 thành viên thông qua và có ý kiến bổ sung.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1 được đầu tư theo phương thức PPP, có điểm đầu tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha (khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và ĐT992, cách đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 230 m), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; điểm cuối nối với đường trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Dự án có chiều dài 159,312 km gồm 4 làn xe đường cao tốc hoàn chỉnh chiều rộng nền đường từ 25,5 m – 27 m, kèm theo đường song hành và đường gom. Quy mô giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe, chiều rộng nền đường 74,5m, với tổng diện tích khoảng 1.415,49 ha.
Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án khoảng 120.412,55 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 41.090,39 tỷ đồng.
Vốn nhà nước trong Dự án là 69.780,33 tỷ đồng (chiếm khoảng 57,90% sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án), trong đó có 29.576,61 tỷ đồng ngân sách Trung ương (24,56%) và 40.203,72 tỷ đồng ngân sách địa phương (33,34%).
Tiến độ thực hiện Dự án là từ năm 2025 đến hết năm 2029, cụ thể: chuẩn bị dự án từ năm 2025; lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2026; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ năm 2026, hoàn thành năm 2027; thi công xây dựng là từ năm 2026 đến năm 2029.