Diễn biến lạ nhóm bất động sản tăng nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong phiên cuối tuần trước, các nhà đầu tư có kinh nghiệm lưu ý về diễn biến khá lạ nhưng lại trùng hợp ở nhiều mã cổ phiếu bất động sản tăng nóng thời gian qua.
Diễn biến lạ nhóm bất động sản tăng nóng

Cụ thể, DIG mở cửa phiên giao dịch ở mức giá sàn 96.000 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng mạnh lên 106.000 đồng/cổ phiếu, để rồi lại trở về vùng giá sàn khi đóng cửa phiên.

Tương tự, CEO mở cửa ở quanh vùng 67.000 đồng/cổ phiếu, sau tăng lên 78.000 đồng/cổ phiếu và đóng cửa ở 71.000 đồng/cổ phiếu. LDG mở cửa ở mức giá sàn, sau tiến về tham chiếu và đóng cửa lại nằm sàn. LGL mở cửa sàn, sau tăng lên gần tham chiếu và đóng cửa ở mức giảm gần 5% so với phiên trước đó.

Đây là những mã cổ phiếu đã tăng bằng lần, thậm chí nhiều lần trong thời gian qua. Dấu hiệu này được một số nhà đầu tư lớn cho rằng là chiêu “bull trap” để phân phối ở bên kia sườn dốc.

Những ngày áp Tết, nhiều nhà đầu tư mới cảm nhận được mức độ khốc liệt của thị trường chứng khoán. Một nhà đầu tư “đu đỉnh” cổ phiếu IDJ sau khi đã lãi ở nhiều cổ phiếu khác, margin 1:1 đã cháy toàn bộ tài khoản và mất hết vốn.

Hiệu ứng tuyết lở ở những cổ phiếu nóng sẽ rất dữ dội khi giá cổ phiếu tăng nhiều lần so với giá trị thực, cộng với đòn bẩy thị trường cao. Khi hàng bán ra lớn mà không có thanh khoản, giá cổ phiếu sẽ vào trạng thái rơi quá đà, vượt qua vùng hỗ trợ của phân tích kỹ thuật hay định giá đơn thuần.

Mất thanh khoản có thể sẽ dẫn tới khoản nợ xấu gây mất vốn của hàng loạt công ty chứng khoán thường thấy trước đây sẽ lặp lại, nên hành động siết margin và ép bán về trạng thái an toàn có thể diễn ra ở các công ty chứng khoán ngày càng quyết liệt ở những mã cổ phiếu nóng. Thanh khoản sau đó sẽ giảm dần do e ngại hoạt động thanh tra sẽ ngày càng quyết đoán ở cổ phiếu bất động sản.

Dù vậy, ngoài những diễn biến lạ ở nhóm cổ phiếu bất động sản mà các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tham gia bắt đáy, trong nhóm bất động sản vẫn có những mã có thể đưa vào danh mục theo dõi. Dòng tiền định hướng năm 2022 được nhiều nhà đầu tư chia sẻ về hai ngành có triển vọng tăng trưởng là nhóm chứng khoán (đến từ việc tăng vốn) và bất động sản - xây dựng - khu công nghiệp do lạm phát và kích thích đầu tư công.

Dòng bán lẻ có thể sẽ phục hồi tương đối do nền cao. Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chu kỳ hàng hóa năm 2021 như thép, đạm, vận tải, than… sẽ khó lặp lại kỳ tích. Nhóm ngân hàng khó lặp lại do biên lợi nhuận lãi suất huy động tăng và lãi suất đầu ra giảm. Có thể cổ phiếu ngân hàng sẽ cá biệt ở câu chuyện bán vốn từng mã không như tăng vốn đồng loạt năm rồi. Dòng điện và dầu khí có thể ẩn số chờ số liệu quý IV/2021 và các quý đầu năm 2022 có thể quyết định.

Xét về phân tích kỹ thuật, thị trường phân hóa mạnh chưa tác động lớn vào biến động chỉ số, tuy nhiên việc ví von chỉ số ngắn hạn như xe hết xăng do thiếu động lực tăng ngắn hạn khi nhóm ngân hàng, thép, dầu khí hoàn toàn chưa đủ mạnh để đi dài. Vùng hỗ trợ mạnh VN-Index ở 1.474 điểm sẽ là thách thức lớn, do đây là ngưỡng hỗ trợ dài hạn trong đà tăng 2 năm gần đây. Mô hình ngắn hạn đã hình thành mô hình 3 đỉnh sẽ có biến số ngắn hạn khó lường lên chỉ số nếu phân kỳ MACD trung hạn thiết lập mức hỗ trợ 1.430 điểm và 1.367 điểm.

Ngọc Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục