
* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu DPM và OIL, VCBS khuyến nghị mua BSR, TPS khuyến nghị mua cổ phiếu GAS
Kết quả kinh doanh quý I/2025 phù hợp dự phóng của BSC, hoàn thành 30% dự phóng doanh thu và 28% lợi nhuận cả năm 2025. Chúng tôi dự kiến giữ nguyên dự phóng trước đó trong thời gian tới, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DPM.
Triển vọng kinh doanh: 6 tháng đầu năm: Giá dầu duy trì ở mức thấp tiếp tục gây áp lực lên biên lợi nhuận và sản lượng tiêu thụ. Kỳ vọng hồi phục nếu giá dầu cải thiện trong nửa cuối năm. Thêm vào đó, động lực tăng trưởng trung - dài hạn đến từ: Gia tăng tỷ trọng bán lẻ thông qua mở rộng hệ thống cửa hàng xăng dầu và triển khai kinh doanh Jet-A1 (dự kiến từ quý II/2026). Do đó, BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu OIL.
VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu BSR với giá mục tiêu 20.069 đồng/cp (+ 22% so với giá đóng cửa ngày 06.05.2025). Giá mục tiêu theo phương pháp DCF được điều chỉnh giảm 19% do có sự điều chỉnh giảm giá đến từ crack spread sản phẩm lọc dầu với giả định giá dầu giảm.
Tại GAS, TPS đưa ra giá mục tiêu cổ phiếu này là 69.963 đồng/CP. GAS là cổ phiếu có thể xem xét đầu tư trong trung và dài hạn vì: (1) Tiềm năng tăng trưởng tích cực, đặc biệt từ năm 2026; (2) Sức khỏe tài chính lành mạnh và khả năng sẽ hưởng lợi trong làn sóng nâng hạng thị trường; (3) Định giá về vùng hấp dẫn; (4) Vị thế đặc biệt duy nhất trong mảng khí LNG.
Dù báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 mới công bố cho thấy lợi nhuận sau thuế của DPM đạt xấp xỉ 211 tỷ đồng, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng đã hoàn thành 66% mục tiêu dự kiến cả năm là 320 tỷ đồng. Về diễn biến cổ phiếu, cùng xu hướng khởi sắc của thị trường chung, mã DPM đã có tuần đầu tiên của tháng 5 khá tích cực. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, giá cổ phiếu DPM tăng 1.250 đồng (+3,82%) từ mức 32.700 đồng/CP lên 33.950 đồng/CP.
Bất chấp kết quả kinh doanh kém lạc quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2025 chỉ đạt 26 tỷ đồng, giảm tới 89% so với cùng kỳ năm trước và chỉ hoàn thành 4,2% mục tiêu cả năm, cổ phiếu OIL đã có tuần đầu tháng 5 khả quan. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 1 phiên giảm, giá cổ phiếu OIL tăng 600 đồng (+6,38%) từ mức 9.400 đồng/CP lên 10.000 đồng/CP.
Điểm sáng cổ phiếu dầu khí là BSR khi tiếp tục ghi nhận tuần giao dịch tăng mạnh về giá và thanh khoản sôi động, với công bố lợi nhuận sau thuế quý I/2025 đạt 395 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng vẫn là kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu chịu tác động kép từ bất ổn địa chính trị và điều chỉnh sản lượng của các nước OPEC+. Tính chung tuần qua, với 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó phiên 7/5 tăng kịch trần, giá cổ phiếu BSR tăng 1.950 đồng (+12,15%) từ mức 16.050 đồng/CP lên 18.000 đồng/CP.
Cùng trong xu hướng giao dịch khởi sắc chung của nhóm dầu khí, cổ phiếu GAS đã đón tuần đầu tháng 5 khá tích cực. Cụ thể, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày cuối tuần 9/5, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GAS tăng 2.800 đồng (+4,8%) từ mức 58.300 đồng/CP lên 61.100 đồng/CP.
* TPS và BSC khuyến nghị mua cổ phiếu MBB, BSC khuyến nghị mua TCB và VPB, còn SSI khuyến nghị khả quan với HDB
Theo TPS, MBB đang trong trạng thái tích lũy với biên độ hẹp ngay dưới vùng kháng cự quan trọng (đỉnh tháng 3/2025). Đây có thể được xem là pha tích lũy động lượng trước khi bước vào giai đoạn bứt phá nếu thanh khoản tiếp tục cải thiện và thị trường chung giữ ổn định. Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần với tỷ trọng nhỏ tại vùng giá 22.900–23.500 và 22.000 – 22.500 đồng/CP, đồng thời áp dụng chiến lược quản trị rủi ro chặt chẽ với mức cắt lỗ khi giá giảm xuống dưới ngưỡng 21.600 đồng /CP, giá mục tiêu là 27.000 đồng/CP.
Với triển vọng duy trì ROAE ở nhóm đầu ngành (trên 20%) cũng như những lợi ích tiềm năng từ việc tái cơ cấu MBV, BSC đưa ra khuyến nghị mua cho MBB với giá mục tiêu gần nhất là 28.200 đồng/CP.
BSC vẫn duy trì mua cho TCB với giá mục tiêu gần nhất là 32.700 đồng/CP. Như cập nhật trước đó, catalyst đối với TCB trong năm nay đến từ khả năng IPO của TCBS. Bất chấp sự điều chỉnh mạnh của VN-Index sau khi có thông tin về mức thuế đối ứng, TCB cũng đang cho thấy hiệu suất (tăng 4,5%) vượt trội so với thị trường (giảm 3,4%) hay ngành ngân hàng tại thời điểm báo cáo. TCB đang có P/B = 1.3x, tương đương với các đối thủ nhưng thấp hơn trung bình lịch sử từ khi niêm yết.
Bên cạnh đó, VPB đang có mức P/B TTM chỉ 0.9x, đã được chiết khấu đủ mạnh và còn thấp hơn mức đáy tại cuối 2022 sau sự kiện SCB – VTP, do đó BSC cho rằng những yếu tố khó khăn đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu, từ đó duy trì khuyến nghị mua với giá mục tiêu gần nhất là 24.000 đồng/CP.
Đối với năm 2025, SSI duy trì ước tính lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDB – sàn HOSE) đạt 20 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với năm trước), được thúc đẩy bởi thu nhập lãi thuần (NII) ổn định (tăng 16%), thu nhập ròng từ phí dịch vụ phục hồi (+14% svck) và chi phí tín dụng giảm. Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan với cổ phiếu HDB với giá mục tiêu 1 năm là 25.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tiềm năng tăng giá 18%.
Trong khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng có tuần đầu tháng 5 giao dịch phân hóa trong biên độ hẹp. Trong đó, cổ phiếu MBB đã đón nhận 1 phiên tăng, 1 phiên giảm và 3 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu MBB gần như đi ngang khi chỉ giảm nhẹ 50 đồng (-0,21%), xuống mức 23.500 đồng/CP.
Bên cạnh đó, dù báo cáo kết quả quý I/2025 khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 5.355 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ, nhưng diễn biến cổ phiếu HDB cũng có tuần điều chỉnh nhẹ. Cụ thể, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu HDB giảm nhẹ 250 đồng (-1,17%) từ mức 21.450 đồng/CP xuống 21.200 đồng/CP.
Tuy nhiên, trong dòng bank vẫn có một vài điểm sáng, điển hình là TCB. Tính chung tuần qua, với 5 phiên tăng liên tiếp, giá cổ phiếu TCB đã tăng tổng cộng 1.400 đồng (+5,32%) từ mức 26.300 đồng/CP lên 27.700 đồng/CP.
Tại VPB, Ngân hàng vừa có thông báo ngày 16/5 tới sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% và cổ phiếu này cũng đã có tuần tăng nhẹ. Cụ thể, với 2 phiên tăng và 3 phiên đứng giá tham chiếu, giá cổ phiếu VPB tăng 450 đồng (+2,72%) từ mức 16.550 đồng/CP lên 17.000 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu BMP
So với giai đoạn trước năm 2021, thì định giá PE của BMP đang được trả cao hơn do tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. (P/E trung bình trước 2021 = 6-7x, P/E 2021 – 2025 = 9-10x). BSC đưa ra quan điểm theo dõi đối với cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 2025 là 151.200 đồng/CP, tương đương với Upside +9.6% so với giá đóng cửa ngày 07/05/2025 với P/E mục tiêu = 10x.
Thông tin đáng chú ý tại BMP là ngày 20/5 tới đây, Công ty sẽ chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 62,5%, thời gian thanh toán dự kiến ngày 5/6. Về diễn biến giá cổ phiếu, dù chủ yếu các phiên giao dịch chỉ biến động giằng co nhẹ, nhưng cổ phiếu BMP đã bất ngờ đi ngược xu hướng thị trường chung trong phiên cuối tuần ngày 9/5 khi hồi phục và đóng cửa ở mức giá cao nhất phiên. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, giá cổ phiếu BMP tăng 2.300 đồng (+1,59%) từ mức 144.600 đồng/CP lên 146.900 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HDG
Giá cổ phiếu của HDG đã giảm 19% YTD cùng với thị trường trong khi hoạt động kinh doanh của HDG vẫn ổn định và công ty gần như đã công bố các rủi ro xấu nhất. Chúng tôi chuyển khuyến nghị từ nắm giữ sang mua cổ phiếu HDG với giá mục tiêu năm 2025 là 31.400 đồng/CP, upside 32% so với giá ngày 06/05/2025. Dự phóng lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số 2025 đạt 844 tỷ đồng (tăng 140% so với năm trước), PE fw 2025 đạt 9.5x, chiết khấu 20% so với trung bình 5 năm (11.8x).
Dù kết quả kinh doanh quý I/2025 ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 206,9 tỷ đồng, giảm 21,7% so với cùng kỳ và hoàn thành chưa tới 20% kế hoạch cả năm, nhưng diễn biến cổ phiếu HDG vẫn có tuần khởi sắc. Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày cuối tuần 9/5, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu HDG tăng 750 đồng (+3,2%) từ mức 23.400 đồng/CP lên 24.150 đồng/CP.
* BVSC khuyến nghị tích cực, SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MWG
BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu của CTCP Thế giới di động (MWG – sàn HOSE), giá mục tiêu 75.100 đồng/CP, tăng nhẹ so với cập nhật trước chủ yếu do tăng dự báo lợi nhuận năm nay. Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh khả quan trong các quý tiếp theo và việc mua lại cổ phiếu quỹ (dự kiến trong tháng 5) sẽ là động lực hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận, nhưng nâng khuyến nghị lên khả quan cho cổ phiếu của CTCP Thế giới di động (MWG – sàn HOSE) do giá cổ phiếu đã giảm nhiều gần đây. Kết quả kinh doanh quý I/2025: Tăng trưởng doanh thu và EBITDA lần lượt đạt 14% và 12% svck. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 3% do thu nhập tài chính sụt giảm. Việc chuyển sàn sang HOSE dự kiến sẽ được thực hiện trong quý III/2025 – quý I/2026.
Trái với nhận định của các công ty chứng khoán, sau những phiên khởi sắc liên tiếp cuối tháng 4, cổ phiếu MWG đã chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ trong tuần qua. Cụ thể, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm đều trong biên độ hẹp và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu MWG giảm nhẹ 400 đồng (-0,66%) từ mức 60.800 đồng/CP xuống 60.400 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PC1
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu năm 2025 là 26.700 đồng/CP, upside 28% so với giá ngày 29/04/2025. Mức định giá mới đã giảm 9.5% so với báo cáo trước do lo ngại về ảnh hưởng của mảng BĐS KCN và khai khoáng niken, tuy nhiên, giá cổ phiếu cũng đã giảm 9% từ đầu năm (giảm 25% so với đỉnh gần nhất) và các mảng xây lắp, năng lượng - chiếm 70% định giá PC1, vẫn hoạt động ổn định.
Những thông tin khả quan như kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2025 đạt hơn 145 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ và kế hoạch dự kiến duy trì mức chia cổ tức 12%, đã giúp cổ phiếu PC1 tiếp tục có tuần giao dịch khởi sắc. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, giá cổ phiếu PC1 tăng 1.400 đồng (+6,71%) từ mức 20.850 đồng/CP lên 22.250 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HPG
Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 2% so với báo cáo trước. Chúng tôi kì vọng, việc áp thuế chống bán phá giá và sản lượng từ DQ2 sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của HPG trong giai đoạn 2025-2026. Sự điều chỉnh gần đây của thị trường khiến giá HPG về vùng hấp dẫn, do đó chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với HPG với giá mục tiêu 33,000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tăng giá tiềm năng 33% theo phương pháp FCFF và P/B (WACC: 11.6%). Rủi ro giảm giá gồm (1) giá thép Trung Quốc tiếp tục suy giảm và (2) thị trường bất động sản trong nước hồi phục chậm hơn kỳ vọng.
Không chỉ dòng bank, nhóm cổ phiếu thép tuần qua cũng biến động nhẹ, với mã đầu ngành HPG không nằm ngoài xu hướng này. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm đều trong biên độ hẹp, giá cổ phiếu HPG tăng nhẹ 150 đồng (+0,6%) từ mức 25.500 đồng/CP lên 25.650 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGC
BSC dự phóng doanh thu đạt 10.939 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số đạt 3.343 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ). BSC hiện giữ nguyên dự phóng trong thời gian tới. Chúng tôi duy trì quan điểm như báo cáo cập nhật gần nhất rằng: nhu cầu hoá chất phục hồi, chủ yếu nhờ vào sản lượng trong bối cảnh giá bán phục hồi chậm hơn; đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGC.
Ngoại trừ phiên khởi sắc ngày đầu tuần 5/5 sau thông tin kết quả lợi nhuận sau thuế quý I/2025 đạt gần 836,8 tỷ đồng, tăng trưởng gần 19% và hoàn thành xấp xỉ 28% kế hoạch năm; các phiên giao dịch còn lại, cổ phiếu DGC chỉ biến động tăng giảm nhẹ. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, giá cổ phiếu DGC tăng nhẹ 800 đồng (+0,88%) từ mức 91.000 đồng/CP lên 91.800 đồng/CP.