Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Hầu hết các cổ phiếu đã ghi nhận mức giảm trên dưới 10%, ngoại trừ một vài "điểm sáng" giảm nhẹ khoảng 2%. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DBC

Dự phóng doanh thu và lợi nhuận 2025 của Dabaco đạt lần lượt 14.598 tỷ đồng (tăng 7,6% so với năm trước) và 1.143 tỷ đồng (tăng 49%). Dựa trên những nhận định nêu trên, chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu DBC với mức giá mục tiêu cho 2025 là 35.100 đồng/cổ phiếu, tương đương tiềm năng tăng giá là 19%. Biến động giá heo trong thời gian tới sẽ là yếu tố cần theo dõi chính.

Dù kế hoạch kinh doanh năm 2025 ấn tượng với mục tiêu lợi nhuận sau thuế nghìn tỷ và Công ty ước lãi sau thuế hơn 500 tỷ đồng trong quý I/2025, gấp 7 lần cùng kỳ, nhưng cổ phiếu DBC đã có tuần lao dốc cùng thị trường. Tính chung tuần qua, với 5 phiên giảm liên tiếp, trong đó 2 phiên cuối tuần giảm sàn, tổng cộng giá cổ phiếu DBC giảm 4.450 đồng (-14,93%) từ mức 29.800 đồng/CP xuống 25.350 đồng/CP.

* Các công ty chứng khoán khuyến nghị mua VPB, VIB, OCB và VCB

VCI vẫn tiếp tục duy trì khuyến nghị mua và giá mục tiêu của VPB ở mức 25.000 đồng/cổ phiếu, vì dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2025-2029 của chúng tôi gần như không thay đổi.

BSC đánh giá, VIB đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, và bắt đầu hướng tới pha tăng trưởng mới, mặc dù ROE có thể không vượt trội như giai đoạn trước đó, nhưng sẽ bền vững hơn. Về định giá, VIB đang giao dịch tại P/B = 1.4x, thấp hơn khoảng 20% so với mức trung bình quá khứ. BSC đang đưa ra khuyến nghị mua với VIB, với giá mục tiêu 1 năm là 23.000 đồng/CP, tương ứng với upside 16%.

Theo TPS, nhà đầu tư có thể mua thăm dò cổ phiếu với vùng giá từ 11.200 – 11.500 đồng/CP với mục tiêu 12.500 đồng/CP. Ngưỡng cắt lỗ đặt quanh 10.900 đồng/CP. Giai đoạn hiện tại rất phù hợp để đầu tư vì mức lợi nhuận/ rủi ro thấp.

Đối với VCB, AGR cho rằng, Ngân hàng dự kiến sử dụng toàn bộ lợi nhuận giữ lại của năm 2023 để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Sau khi trích lập các quỹ theo quy định, lợi nhuận còn lại của năm 2023 là hơn 22.770 tỷ đồng. Phương án này sẽ được trình lên Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến và dự kiến thực hiện trong năm 2025, AGR kỳ vọng VCB sẽ sớm được chấp thuận, qua đó tạo hiệu ứng tích cực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn, đồng thời đưa ra giá mục tiêu dành cho cổ phiếu VCB là 72.000 đồng/CP.

Nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có tuần giao dịch bùng nổ cùng thị trường dù diễn biến giá cổ phiếu cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” giảm mạnh, đặc biệt là “cơn lốc” ngày 3/4 khiến hầu hết các mã đều nằm sàn. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị đều có tuần giảm khá mạnh.

Cụ thể, với cổ phiếu VPB, tuần qua đã đón nhận 3 phiên giảm, trong đó phiên 3/4 giảm sàn, 1 phiên tăng nhẹ và 1 phiên đứng giá tham chiếu. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu VPB giảm 1.800 đồng (-9,35%) từ mức 19.250 đồng/CP xuống 17.450 đồng/CP.

Tương tự, “anh cả” VCB cũng đón nhận phiên nằm sàn ngày 3/4 cùng 2 phiên giảm khác và 2 phiên tăng nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu VCB giảm 4.800 đồng (-7,41%) từ mức 64.800 đồng/CP xuống 60.000 đồng/CP.

Trong khi đó, với kế hoạch lợi nhuận trên 11 nghìn tỷ đồng, dự kiến chia cổ tức cả bằng tiền mặt và cổ phiếu, nhưng VIB cũng không thoát khỏi tuần điều chỉnh. Cụ thể, với 2 phiên giảm, trong đó phiên 3/4 giảm sàn và 3 phiên tăng nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu VIB giảm 1.100 đồng (-5,56%) từ mức 19.800 đồng/CP xuống 18.700 đồng/CP.

Cổ phiếu OCB cũng ghi nhận 2 phiên giảm, với phiên 3/4 giảm sàn; 1 phiên đứng giá tham chiếu và 2 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu OCB giảm 850 đồng (-7,66%) từ mức 11.100 đồng/CP xuống 10.250 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VCG

BVSC sử dụng kết hợp phương pháp định giá từng phần và phương pháp so sánh P/B để xác định giá trị hợp lý cho cổ phiếu của VCG. Kết quả, mức định giá của VCG hiện tại là khoảng 26.000 đồng/cp. Với kết quả định giá và các nhận định trên, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu là 26.000 đồng/CP, cao hơn giá đóng cửa ngày 28/03/2025 là 22,6%.

Mặc dù không nằm ngoài tình trạng chung của thị trường về phiên giảm kịch sàn ngày 3/4 cùng tuần điều chỉnh, nhưng VCG là một trong số ít cổ phiếu đã có pha “quay xe” sớm và ấn tượng ở phiên cuối tuần ngày 4/4. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu VCG giảm nhẹ 400 đồng (-1,89%) từ mức 21.200 đồng/CP xuống 20.800 đồng/CP.

* BSI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NLG

BSC duy trì khuyến nghị mua đối với NLG và giảm 13,5% giá mục tiêu còn 44.400 đồng/CP (upside +31% so với giá đóng cửa ngày 28/03/2025). Các điều chỉnh chủ yếu ở (1) giảm định giá Akari do phần lớn các sản phẩm đã bàn giao và được phản ánh vào tiền & nợ ròng, (2) điều chỉnh tăng giá bán tại Mizuki từ mức 40 triệu VND/m2 lên mức 53 triệu/m2 theo giá thị trường và (3) áp dụng mức chiết khấu 10% do rủi ro pha loãng và các dự án triển khai chậm hơn kỳ vọng.

Sau những phiên biến động lình xình quanh mốc tham chiếu trong nửa đầu tuần, cổ phiếu NLG đã lao dốc cùng thị trường chung và ghi nhận 2 phiên cuối tuần nằm sàn. Tính chung tuần qua, với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu NLG giảm 4.050 đồng (-11,93%) từ mức 33.950 đồng/CP xuống 29.900 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HPG

Định giá hợp lý để tích lũy trong dài hạn: Ước tính giá trị sổ sách của 1 cổ phiếu tại ngày 31/12/2025 là 20.400 đồng và P/B fwd tại cuối năm 2025 là 1,32 lần, thấp hơn so với mức P/B trung bình 10 năm gần nhất là 1,92x. Với triển vọng dài hạn của doanh nghiệp từ dự án Dung Quất 2, mức định giá này được coi là phù hợp để nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn. Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu dành cho cổ phiếu HPG là 30.000 đồng/CP.

Không nằm ngoài cú sốc thuế quan của thị trường chung, cổ phiếu HPG đã có tuần giao dịch ảm đạm, đặc biệt là phiên giảm sàn ngày 3/4. Tính chung tuần qua, với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu HPG giảm 2.550 đồng (-9,4%) từ mức 27.150 đồng/CP xuống 24.600 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu KDH

Triển vọng trung và dài hạn nhờ quỹ đất lớn, sở hữu quỹ đất trên 600ha tại khu vực phía Đông TP. HCM. Tính tới thời điểm 31/12/2024, hàng tồn kho đạt 22.180 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm tại các dự án KDC Tân Tạo, Emeria, Clarita, Solina, Green Village,.... Đây đều là các dự án có tiềm năng tăng giá, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn cho KDH. Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu KDH là 36.000 đồng/CP.

Cũng như hầu hết các cổ phiếu trên sàn, mã KDH cũng đón nhận tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4 ảm đạm khi đón nhận 3 phiên giảm mạnh, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 1 phiên nhích nhẹ. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu KDH giảm 4.550 đồng (-13,98%) từ mức 32.550 đồng/CP xuống 28.000 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VCI

Với những yếu tố hỗ trợ trên, VCI có triển vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và hưởng lợi từ điều kiện thị trường thuận lợi trong năm 2025. Chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu dành cho cổ phiếu VCI là 43.000 đồng/CP.

Mặc dù cũng giảm kịch sàn phiên 3/4, nhưng VCI là điểm sáng hiếm hoi của nhóm cổ phiếu chứng khoán hồi phục thành công trong phiên cuối tuần ngày 4/4 với mức tăng gần 2% và chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ trong tuần đầy sóng gió của thị trường chung. Tính chung tuần qua, với 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu VCI giảm 1.100 đồng (-2,89%) từ mức 38.100 đồng/CP xuống 37.000 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PC1 và REE

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị tích cực dành cho PC1 và REE với giá mục tiêu lần lượt là 27.000 đồng/CP và 80.000 đồng/CP.

Trái với nhận định của AGR, cặp đôi cổ phiếu điện là PC1 và REE cũng như hầu hết các cổ phiếu trên thị trường, đã có tuần giao dịch kém tích cực. Trong đó, với 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 2 phiên tăng nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu PC1 giảm 1.800 đồng (-7,83%) từ mức 23.000 đồng/CP xuống 21.200 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu REE đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu REE giảm 5.100 đồng (-7,2%) từ mức 70.900 đồng/CP xuống 65.800 đồng/CP.

* VCI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu AST

Chúng tôi dự kiến AST sẽ lần lượt mở 26/30/15 điểm bán mới trong các năm 2025/2026/2027 (so với 7/7/15 điểm bán trong dự báo trước đó), tương ứng với mức tăng trưởng lần lượt là 21%/20%/8%. Dự báo năm 2025 của chúng tôi bao gồm 20 điểm bán mới tại T3 TSN và 6 điểm bán trong các mặt bằng hiện có. Đối với năm 2026, chúng tôi kỳ vọng AST sẽ có thể đấu thầu thêm các mặt bằng bán hàng tại T2 NB, từ đó thúc đẩy đà tăng trưởng trong tương lai.

Dù là một trong số ít thoát nằm sàn phiên 3/4, nhưng cổ phiếu ASR cũng không tránh khỏi tuần mất điểm. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 2 phiên nhích nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu AST giảm 3.300 đồng (-6,02%) từ mức 54.800 đồng/CP xuống 51.500 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục