Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã hồi phục sau 2 tuần mất điểm trước đó, nhưng cùng diễn biến giằng co của chỉ số chung quanh vùng giá 1.100 điểm, các cổ phiếu đưa ra khuyến nghị đều biến động trong biên độ hẹp.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HDG

Chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cho HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô, với mức giá mục tiêu mới 33.000 đồng/CP (tiềm năng tăng giá 19,1%) từ 43.800 đồng/CP trước đó.

Mới đây, trong bản tin nhà đầu tư, Hà Đô đã cho biết, kế hoạch mở bán các sản phẩm còn lại của Hado Charm Villas (giai đoạn 3) chưa thể triển khai, do Ban lãnh đạo đánh giá thị trường bất động sản còn khó khăn. Do đó, quý III chưa ghi nhận thêm doanh thu từ lĩnh vực này, khiến kết quả kinh doanh trong kỳ sụt giảm đáng kể so với quý III/2022, đã phần nào ảnh hưởng đến diễn biến cổ phiếu HDG. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng nhẹ duy nhất vào giữa tuần ngày 29/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDG giảm 750 đồng (-2,67%) từ mức 28.100 đồng/CP xuống 27.350 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HSG

Giá bán tôn mạ của HSG sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2024 trong bối cảnh Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép trở lại; BSC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ phục hồi chậm kể từ quý IV/2023 và HSG sẽ là doanh nghiệp tôn mạ phục hồi đầu tiên nhờ sở hữu hệ thống đại lý lớn, có thị phần đứng đầu cả nước; và định giá phù hợp để mua trong dài hạn P/B FWD 2024 = 1.1x .

Bên cạnh diễn biến chung của những mã lớn ngành thép là phục hồi từ khó khăn, HSG còn có kết quả kinh doanh tích cực với biên lợi nhuận gộp quý IV năm tài chính 2023 ở mức cao nhất trong 5 quý gần nhất, đạt 13,2% so với mức âm 2,6% của cùng kỳ. Tuần vừa qua, cổ phiếu HSG đã lấy lại đà hồi phục khi ghi nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu HSG tăng 800 đồng (+3,82%) từ mức 20.950 đồng/CP lên 21.750 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu GMD

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept với giá mục tiêu năm 2024 là 76.400 đồng/CP (Upside 9% so với giá đóng cửa ngày 29/11/2023), dựa trên phương pháp EV/EBITDA mục tiêu 9.9x, tương đương mức giao dịch bình quân giai đoạn 2019 -2020. Việc lựa chọn giai đoạn do có nét tương đồng trong hoạt động ổn định của cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 và loại bỏ các sự kiện bất thường tác động lên ngành.

Sau đợt tăng tốc và phá đỉnh lịch sử nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 2.890 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, cổ phiếu GMD đã đảo chiều giảm bởi ảnh hưởng của thị trường chung. Tuy nhiên, tuần này cổ phiếu GMD đã đảo chiều hồi phục nhẹ. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD tăng 1.300 đồng (+1,89%) từ mức 68.900 đồng/CP lên 70.200 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu BMP

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho CTCP Nhựa Bình Minh (BMP – sàn HOSE) từ phù hợp thị trường lên khả quan và tăng giá mục tiêu thêm 9% lên 93.300 đồng/cổ phiếu.

Trái với nhận định của VCSC, thông tin chia cổ tức 65% bằng tiền mặt đã dần “nguội” và không còn hỗ trợ cho tuần giao dịch cuối tháng 11. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP giảm 1.800 đồng (-2,02%) từ mức 89.000 đồng/CP xuống 87.200 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVT

Chúng tôi sử dụng 2 phương pháp FCFF và EV/EBITDA để đưa ra giá trị hợp lý của cổ phiếu PVT là 30.100 đồng/CP (tăng 12,2% so với báo cáo trước). Đồng thời, duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVT.

Mới đây, PVT đã tiếp nhận thêm 3 tàu, nâng đội tàu lên 51 chiếc với đa dạng chủng loại từ tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời, điều này giúp nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tăng trưởng đáng kể. Điều này cũng phần nào hỗ trợ giúp cổ phiếu PVT có tuần giao dịch khá tích cực. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu vào ngày đầu tuần 27/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT tăng 1.200 đồng (+4,76%) từ mức 25.200 đồng/CP lên 26.400 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTG

Chúng tôi điều chỉnh giảm 2,0% giá mục tiêu xuống 39.500 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG – sàn HOSE).

Tuần qua, CTG đã điều chỉnh giá tham chiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ gần 12% và diễn biến cổ phiếu này cũng không được như kỳ vọng của VCSC với những phiên giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 1 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTG giảm nhẹ 0,71% xuống 26.300 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu VIB

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với VIB dựa trên tăng trưởng tín dụng trung bình trong giai đoạn 2024-2027 đạt 14,9% và NIM sẽ được duy trì quanh mức 5.0%; ROE được duy trì trên 25% trong cùng giai đoạn giúp lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng kép 15.3%/năm.

Dù cổ đông khá vui khi Ngân hàng đã lấy ý kiến thông qua dự kiến tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%, nhưng cổ phiếu VIB vẫn không thoát khỏi trạng thái lình xình của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng đều trong biên độ hẹp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VIB tăng nhẹ 150 đồng (+0,8%) từ mức 18.800 đồng/CP lên 18.950 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PC1, SSI khuyến nghị khả quan

MBS dự phóng lợi nhuận ròng 2024 sẽ tăng mạnh 206% so với năm trước, hỗ trợ bởi kết quả tích cực từ nhiều mảng kinh doanh như khai khoáng, bất động sản khu công nghiệp và xây lắp điện. Chúng tôi khuyến nghị mua với giá mục tiêu 32.000 đồng/cp.

Bên cạnh đó, SSI đưa ra giá mục tiêu 1 năm là 30.200 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức tăng tiềm năng tăng giá là 18,2% và khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PC1.

Không nằm ngoài sự kỳ vọng của MBS và SSI, cổ phiếu PC1 đã tuần tuần giao dịch khá tích cực, đặc biệt là phiên 29/11 đã chứng kiến đà tăng mạnh về giá cùng thanh khoản sôi động với hơn 3 triệu đơn vị. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PC1 tăng 1.050 đồng (+4,05%) từ mức 25.900 đồng/CP lên 26.950 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BSR

Dựa trên định giá FCFF, và P/B chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BSR. Giá mục tiêu là 21.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức upside 13.2% so với giá tại ngày 24/11/2023. Chúng tôi hạ giá mục tiêu cho cổ phiếu BSR nhằm phản ánh các bất lợi mà BSR sẽ gặp phải gồm (1) rủi ro giá dầu và crack spread biến động mạnh và (2) nhà máy bước vào kỳ bảo dưỡng lần 5 vào cuối quý I/2024.

Bên cạnh diễn biến giá dầu thô liên tục sụt giảm, cổ phiếu BSR cũng gặp “bất lợi” khi tiếp tục chứng kiến thêm một tuần rung lắc nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên đứng giá và 1 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BSR đứng nguyên ở mức giá 19.000 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVS

Chúng tôi đưa dự phóng giả định giá dầu Brent cho năm 2024 ở mức trên 85 USD/thùng. Với giá mục tiêu 43.500 đồng/cp – tương đương triển vọng tăng 19% so với giá hiện tại ngày 23/11/2023. Chúng tôi giữ khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVS.

Trái với diễn biến không mấy khả quan của BSR, cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí là PVS khởi sắc, đặc biệt là phiên tăng mạnh mẽ ngày 29/11 giúp cổ phiếu này lên sát đỉnh lịch sử, nhờ thông tin được dự báo trúng gói thầu 100 triệu USD tại mỏ Lạc Đà Vàng. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên giảm duy nhất ngày 30/11 và 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS tăng 1.800 đồng (+4,86%) từ mức 37.000 đồng/CP lên 38.600 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG

Chúng tôi giảm giá mục tiêu cho (MWG – sàn HOSE) thêm 9% nhưng nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua vì giá cổ phiếu đã giảm 26% trong 2 tháng qua. Chúng tôi tin rằng MWG vẫn đang ở vị thế tốt để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng về bách hóa hiện đại từ tầng lớp tiêu dùng ngày càng quan tâm về chất lượng.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa ngắt nhịp bán ròng khiến MWG “hở room” ngoại lên đến gần 5%, điều này phần nào khiến cổ phiếu MWG có tuần giao dịch lình xình quanh mức giá thấp nhất trong năm. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG tăng nhẹ 200 đồng (+0,52%) từ mức 38.550 đồng/CP lên 38.750 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,213.14 3.62 0.3% 38,384 tỷ
HNX 226.88 0.06 0.03% 352 tỷ
UPCOM 89.53 0.77 0.86% 206 tỷ