Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh tiêu cực chung của thị trường, hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị trong tuần qua đều không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh với mức giảm khá lớn.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BVSC đánh giá cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với SMC, tích cực đối với HT1 trong trung hạn

SMC dự kiến tăng trưởng sản lượng tốt trong năm 2022 nhờ (1) nền thấp trong năm 2021 khi quý III/2021 sản lượng tiêu thụ thấp do Covid-19; (2) các nhà máy gia công thép mới đi vào hoạt động; (3) hồi phục kinh tế sau đại dịch, nhu cầu tiêu thụ thép của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước dự kiến tăng trưởng tốt. Với mức P/E forward cho năm 2022 đang ở mức 5,5 lần, SMC là cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Theo dự báo của BVSC, sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2022. Tình hình xuất khẩu cũng khả quan hơn 2021, tổng lượng xuất khẩu quý I/2022 đạt 10,8 triệu tấn (tăng 1,9% so với năm trước) và 458 triệu USD (tăng 16,9%). Với chỉ số EV/EBITDA của HT1 là 5,5 thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành là 11,5. Chúng tôi đánh giá tích cực với HT1 cho cơ hội đầu tư trung hạn.

Trong bối cảnh thị trường chung giảm sâu, bộ đôi SMC và HT1 được BVSC đưa ra khuyến nghị tuần qua cũng không tránh khỏi xu hướng điều chỉnh, ngoại trừ nhịp hồi vào ngày cuối tuần 22/4.

Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày 22/4 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SMC giảm 4.700 đồng (-12,29%) từ mức giá 38.250 đồng/CP xuống 33.550 đồng/CP.

Tương tự, HT1 cũng chỉ có duy nhất 1 phiên tăng vào cuối tuần ngày 22/4 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HT1 giảm 3.900 đồng (-16,35%) từ mức giá 23.850 đồng/CP xuống 19.950 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PNJ

Chúng tôi tăng giá mục tiêu 1 năm lên 129.000 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 10%) từ 117.300 đồng/cổ phiếu, khi sử dụng EPS 2022 và 2023 và áp dụng P/E mục tiêu là 20x.

Chúng tôi lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PNJ. Tại mức giá 117.100 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của PNJ giao dịch ở mức P/E 2022 và 2023 lần lượt là 20,9x và 18,2x. Định giá hiện tại của PNJ tương đương với các công ty cùng ngành trong khu vực.

Mặc dù nhóm cổ phiếu bán lẻ nói chung và PNJ nói riêng có những phiên giao dịch khá tích cực, nhưng các mã này cũng không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ giảm 2.100 đồng (-1,79%) từ mức giá 117.100 đồng/CP xuống 115.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu 28.000 đồng/CP

Phân tích chỉ tiêu lợi nhuận: ROE đạt 12,51% cao hơn so với ngành là 10,43%; ROA đạt 8,21%, cao hơn so với ngành là 5,88%; Biên lợi nhuận ròng đạt 7,41%, thấp hơn so với trung bình ngành 14,84%; Biên lợi nhuận gộp 9,17%, thấp hơn so với trung bình ngành là 19,05%.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu là 28.000 đồng/CP.

Trái với nhận định của BSC, sau phiên tăng khá mạnh ngày đầu tuần, cổ phiếu NT2 đã liên tiếp quay đầu điều chỉnh do chịu áp lực xả bán trên thị trường. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NT2 giảm 1.250 đồng (-5,26%) từ mức giá 23.750 đồng/CP xuống 22.500 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DBD với giá mục tiêu 68.000 đồng/CP

Phân tích chỉ tiêu lợi nhuận: ROE đạt 17,32% cao hơn so với ngành là 12,09%; ROA đạt 12,2%, cao hơn so với ngành là 6,04%; Biên lợi nhuận ròng đạt 12,07%, cao hơn so với trung bình ngành 6,57%; Biên lợi nhuận gộp 40,86%, cao hơn so với trung bình ngành là 22,86%.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DBD với giá mục tiêu là 68.000 đồng/CP.

Mặc dù không được như kỳ vọng của BSC nhưng cổ phiếu DBD tuần qua đã đi ngược xu hướng thị trường thành công khi hồi phục nhẹ sau tuần điều chỉnh trước đó. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần 22/4, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DBD tăng 1.700 đồng (+2,63%) từ mức giá 57.000 đồng/CP lên 58.500 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu GVR với giá mục tiêu 41.500 đồng/CP

Chúng tôi xác định giá mục tiêu của cổ phiếu GVR vào khoảng 41.500 đồng/CP dựa trên phương pháp định giá từng phần. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 31 lần (theo EPS 2022F khoảng 1.330 đồng). Đồng thời đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GVR.

Nếu trong tuần trước, các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp là điểm tích cực đi ngược xu hướng tiêu cực của nhóm ngành bất động sản, thì trong tuần gần cuối tháng 4, các mã này cũng không tránh khỏi áp lực xả bán mạnh, điển hình là cổ phiếu GVR. Với việc đón nhận 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, trong đó phiên 20/4 giảm sàn, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GVR giảm 6.500 đồng (-18%) từ mức giá 36.000 đồng/CP xuống 29.500 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT

Kế hoạch kinh doanh của công ty vẫn đang sát với dự phóng nên chúng tôi vẫn duy trì định giá của FPT. Sử dụng phương pháp SoTP như báo cáo lần trước, chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý của cổ phiếu là 166.900 đồng. Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị mua cho cổ phiếu FPT.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2022 khả quan với lãi ròng đạt 1.239 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cổ phiếu FPT cũng không tránh khỏi “cơn bão” của thị trường. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 2 phiên giảm và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 3.900 đồng (-3,39%) từ mức giá 115.000 đồng/CP xuống 111.100 đồng/CP.

* KIS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 51.930 đồng/CP

Chúng tôi kết hợp 2 phương pháp định giá là DCF và PE để đưa ra giá mục tiêu là 51.930 đồng/cổ phiếu, tương ứng PE 7.0x trong 2022F, lợi nhuận 12% và ROE 31,8%, đồng thời khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu HPG.

Mặc dù cũng không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường, nhưng những thông tin tích cực như thép xây dựng Hòa Phát vượt 500.000 tấn trong tháng 3, cao nhất từ trước đến nay là động lực chính giúp HPG có những nhịp hồi và chỉ điều chỉnh nhẹ trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG giảm 400 đồng (-0,9%) từ mức giá 44.200 đồng/CP xuống 43.800 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu DRC tại ngưỡng 42

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI cho thấy xu hướng khả quan. Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20, MA50 và MA100. Đường MA20 đang ở trên MA50 và MA100.

Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 37.5, chốt lãi tại ngưỡng 42.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 35.0.

Sau phiên giao dịch bùng nổ ngày đầu tuần 18/4 khi tăng mạnh cả về giá và thanh khoản, cổ phiếu DRC đã liên tiếp giảm mạnh, đáng kể phiên 20/4 giảm sàn. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRC giảm 4.700 đồng (-13,31%) từ mức giá 35.300 đồng/CP xuống 30.600 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu DRI với giá mục tiêu 19.800 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DRI của CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk với giá mục tiêu 19.800 đồng/CP, cao hơn mức 17.100 đồng/CP ngày 14/04/2022 trên cơ sở hoạt động kinh doanh của DRI đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh khi vườn cây cao su đang có năng suất tốt nhất và giá xuất khẩu cao su sẽ tiếp tục bật tăng trong năm 2022.

Không chỉ cổ phiếu cao su chế biến, dòng cao su tự nhiên cũng giảm mạnh, trong đó cổ phiếu DRI cũng tăng mạnh phiên đầu tuần 18/4 và giảm sâu trong các phiên sau đó. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRI giảm 3.300 đồng (-18,23%) từ mức giá 18.100 đồng/CP xuống 14.800 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu là 50.000 đồng/CP

Chúng tôi đánh giá VPB là một trong những ngân hàng TMCP tư nhân có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022. Mảng tín dụng tiêu dùng kỳ vọng hồi phục mạnh trở lại cùng việc đẩy mạnh ngân hàng số, đa dạng hóa hệ sinh thái và các kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới sẽ là những catalyst hấp dẫn để đầu tư ngân hàng này.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu là 50.000 đồng/CP, tiềm năng tăng giá 28,9%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung và VPB nói riêng đã có phiên giao dịch khởi sắc ngày cuối tuần 22/4, là điểm tựa chính giúp thị trường có nhịp hồi phục sau chuỗi ngày dài u ám. Tuy nhiên, điều này cũng không đủ sức để giúp VPB thoát khỏi xu hướng điều chỉnh trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VPB giảm 1.700 đồng (-4,42%) từ mức giá 38.500 đồng/CP xuống 36.800 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục