Lường trước khó khăn
Dược phẩm được đánh giá là ngành có nhiều thuận lợi khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tuy nhiên, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 (mã DP3) lại cho biết gặp nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá nguyên vật liệu đầu vào và cước phí vận chuyển tăng cao. Công ty cũng chịu áp lực cạnh tranh lớn và chưa thể tăng giá bán dù chi phí đầu vào tăng.
Năm nay, Dược phẩm Trung ương 3 đặt mục tiêu doanh thu đạt 420 tỷ đồng, tăng 10% so với mức thực hiện trong năm ngoái, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 75 tỷ đồng, giảm 36% so với năm ngoái.
Trong số doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi còn có Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (mã PVS) với doanh thu hợp nhất 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 488 tỷ đồng. So với kết quả kinh doanh năm ngoái, các chỉ tiêu lần lượt giảm 32% và 28%.
PVS cho biết, kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở các dự báo về tình hình thị trường.
Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá, mặc dù giá dầu tăng là chỉ báo tốt cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thượng nguồn như PVS, PVD nhưng nhóm doanh nghiệp này cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn. Lý do là giá dầu cần duy trì trên mức 60 - 65 USD/thùng đủ lâu để kích hoạt lại các dự án thăm dò và khai thác dầu khí. Kết quả kinh doanh của nhóm này mờ nhạt trong năm 2021 và trong cả hai tháng đầu năm 2022, theo ước tính sơ bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã OGC) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 937 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 80%, nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt 18 tỷ đồng, giảm đến 82% so với năm ngoái. Chi phí đầu tư lớn là lý do Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thấp trong năm nay.
Tại đại hội cổ đông dự kiến tổ chức vào 29/4 tới, OGC sẽ có tờ trình về việc đổi tên công ty thành Tập đoàn OGC Group. Trước thềm đại hội, nhiều cổ đông lớn đã đánh tiếng thoái vốn.
Mới đây, cổ đông Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức (mã TMC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2022, với doanh thu tăng 12%, đạt 1.759 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế sụt giảm 14%, xuống còn 12 tỷ đồng.
Lãnh đạo TMC nhận định, hoạt động chính của TMC là kinh doanh xăng dầu, nên hiệu quả kinh doanh chịu ảnh hưởng của biến động mạnh của giá dầu trên thị trường thế giới.
Thận trọng hơn
Theo TMC, hai quý đầu năm nay, “chiết khấu hoa hồng của Công ty còn ở mức thấp” và Công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng dẫn về chiết khấu hoa hồng của PVOil. Ngoài mảng xăng dầu, việc triển khai các dự án đầu tư cũng được TMC thực hiện thận trọng trên cơ sở cân đối nguồn lực và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Trong khi đó, bên cạnh việc tiết giảm chi phí, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 phát triển hệ thống bán hàng, tập trung xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn và lợi nhuận cao.
Để thực hiện chỉ tiêu kinh doanh năm nay, PVS sẽ tối ưu hóa các nguồn lực, xây dựng các giải pháp dịch vụ theo chuỗi giá trị dựa trên lợi thế quy mô của Công ty, đồng thời quản lý chặt chẽ công tác đầu tư theo kế hoạch, thực hiện chuyển đổi số và chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng triển khai cung cấp dịch vụ tháo dỡ giàn khai thác, đường ống và dịch vụ xây lắp dự án điện gió.
Còn tại Tập đoàn Ocean Group, hiện các lĩnh vực kinh doanh chính vẫn là bất động sản, thực phẩm, dịch vụ du lịch. Năm qua, dù báo lãi ròng gần 145 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2020, nhưng kết quả này chủ yếu là nhờ lợi nhuận bất thường (thoái vốn một phần tại công ty con, hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư, nợ khó đòi và khoản đền bù vi phạm hợp đồng).
Còn thực tế, mảng hoạt động lõi của Công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Công ty cổ phần Khách sạn và dịch vụ OCH thua lỗ khi các khách sạn phải đóng cửa. Vì vậy, việc đặt kế hoạch thấp hơn năm ngoái không khó hiểu.
Năm nay, OGC lên kế hoạch giảm lỗ cho mảng kinh doanh khách sạn, tập trung tìm kiếm thị trường mới cho hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng thay thế các thị trường khác đã bão hoà, hỗ trợ khách hàng, giảm chi phí, hỗ trợ khách hàng nhằm tối đa hoá doanh thu.
Với mảng bất động sản nhà ở, OGC tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án 25 Trần Khánh Dư (Hà Nội) và dự án Lega Fashion House (TP.HCM). Dự án 25 Trần Khánh Dư hiện đang bị dừng triển khai do các yếu tố khách quan liên quan tới quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô và chủ trương của Nhà nước về việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế. OGC cho biết tiếp tục phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để xử lý các vướng mắc và sẽ triển khai ngay khi nhận được văn bản chấp thuận của cơ quan hữu quan.
Còn với dự án Lega Fashion House, Công ty cho biết, UBND TP.HCM đã có văn bản đồng ý chủ trương về các chỉ tiêu quy hoạch 1/2.000, mật độ xây dựng từ 40 - 50%, chiều cao dự án 25 tầng, hệ số sử dụng đất hơn 11 lần. Hiện OGC đang làm việc với các cơ quan liên quan để thực hiện các thủ tục pháp lý.
Trong năm 2022, OGC cho biết tổng mức đầu OGC dự kiến dành chi hơn 1.000 tỷ đồng cho mỗi dự án mà công ty mẹ đang triển khai.
Tính đến hết 31/12/2021, nợ phải trả của OGC là 1.971 tỷ đồng. Theo OGC, các khoản nợ phải trả có tính lịch sử từ năm 2014 của công ty mẹ là áp lực lớn với Tập đoàn. Công ty lên kế hoạch thoái vốn một số dự án không khả thi để bổ sung nguồn vốn thanh toán các khoản nợ.
Với dự án Công viên Hồ Điều Hoà, trước đó, vào ngày 19/2/2021, OGC đã có nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua chủ trương chấm dứt hợp tác đầu tư và rút vốn của công ty mẹ khỏi dự án để tái cơ cấu khoản nợ với đối tác tại dự án này.
Với dự án Licogi 19, do phần vốn còn lại của Công ty rất thấp Công ty tiếp tục thực hiện chủ trương thoái vốn, chấm dứt đầu tư để tái cơ cấu các khoản nợ.
Tại dự án Gia Định Plaza, Công ty tiếp tục làm việc với đối tác để thực hiện dự án hoặc xử lý theo phương án nhận lại phần đã góp theo thoả thuận đã ký kết với các đối tác từ năm 2015.
Với các dự án khác, OGC cho biết sẽ đánh giá lại về tính khả thi để tiếp tục hoặc thoái vốn để bổ sung nguồn vốn thanh toán các khoản nợ. Riêng với hoạt động sản xuất của Kem Tràng Tiền và Bánh Gival, OGC sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng nhà xưởng sản xuất.
Mỗi doanh nghiệp có những áp lực riêng phải đối mặt, khiến họ thận trọng hơn trong kế hoạch lợi nhuận đề ra.