Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty chứng khoán đã có tuần nhận định thất bại khi hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị đều mất giá, điều đáng nói hơn là thị trường đã tăng điểm trong 5 phiên liên tiếp.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* VCSC khuyến nghị mua CII với giá mục tiêu 24.900 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 24.900 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời 40,3%, tương ứng lợi suất cổ tức 6,5%.

Gần đến ngày chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức đợt 1/2019 bằng tiền với tỷ lệ 10%, diễn biến cổ phiếu CII lại càng không mấy tích cực khi liên tục bị bán ra. Bên cạnh đó, một thông tin khác liên quan đến CII trong tuần vừa qua là HĐQT Công ty đã thông qua phương án phát hành 1.600 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền ra công chúng.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày cuối tuần 16/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CII giảm 650 đồng (-3,42%) từ mức giá 19.000 đồng/CP xuống 18.350 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu SBT với giá mục tiêu là 18.600 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu SBT với giá mục tiêu là 18.600 đồng, upside 13.8% so với giá ngày 13/10/2020, nguyên nhân: (1) Tiếp tục tái cấu trục doanh nghiệp, (2) Ngắn hạn hưởng lợi từ xuất khẩu tăng ở Trung Quốc và châu Âu, (3) Chi phí nguyên vật liệu thấp từ Thái Lan nhờ ATIGA.

Cũng tương tự cổ phiếu CII ở trên, chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức niên độ 2018-2019, nhưng diễn biến cổ phiếu SBT biến động khá giằng co. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày 15/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SBT giảm 550 đồng (-3,32%) từ mức giá 16.550 đồng/CP xuống 16.000 đồng/CP.

* Theo BSC, có thể mở vị thế cổ phiếu TCB tại quanh ngưỡng giá 22.8

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế cổ phiếu tại quanh ngưỡng giá 22.8 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 26.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 21.5.

Sau tuần mất điểm trước đó, TCB đã có những nhịp hồi khá tích cực, đặc biệt là phiên 14/10 tăng sát trần. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý hơn nữa đó là thanh khoản cổ phiếu TCB tăng đột biến với các phiên đều khớp vài chục triệu đơn vị, trong đó phiên tăng vọt ngày 14/10 có khối lượng khớp lệnh tới hơn 48 triệu đơn vị.

Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày 15/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCB tăng 1.300 đồng (+6,09%) từ mức giá 21.350 đồng/CP lên 22.650 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu STK nằm tại mức 17.5

Các chỉ báo xu hướng hiện đang nghiêng về chiều hướng tích cực. Đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên đây có thể là tín hiệu khởi đầu cho một giai đoạn tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của STK nằm tại xung quanh giá 15.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 17.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 15 bị xuyên thủng.

Cổ phiếu STK tuần qua tiếp tục duy trì đà tăng điểm dù không có sự bứt phá, cùng diễn biến giao dịch có phần sôi động hơn. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STK tăng 750 đồng (+4,84%) từ mức giá 15.500 đồng/CP lên 16.250 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan cho PHR với giá mục tiêu 64.700 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khả quan cho PHR với giá mục tiêu 64.700 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 22,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,1%.

Tuần qua, Cao su Phước Hòa cho biết lợi nhuận công ty mẹ quý III đạt 140 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ. Thông tin kết quả kinh doanh không mấy khả quan này tiếp tục khiến cổ phiếu PHR có tuần giao dịch không mấy tích cực như nhận định của VCSC. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PHR giảm 2.500 đồng (-4,33%) từ mức giá 57.800 đồng/CP xuống 55.300 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FMC

Với kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường EU đạt tối thiểu 10%/năm nhờ EVFTA và Olympic tại Nhật sẽ giúp tăng tiêu thị tôm tại Nhật năm 2021, chúng tôi xác định giá trị cổ phiếu FMC ở mức 40,350 đồng/cổ phần bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền, tương ứng P/E giao dịch ở mức 7.5x. Đồng thời, khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FMC.

Trái với khuyến nghị của MBS, kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi lợi nhuận sau thuế quý III đạt 70,3 tỷ đồng, giảm 7,9% cùng kỳ và lũy kế 9 tháng đạt 162 tỷ đồng, giảm 3,5% cùng kỳ, đã khiến cổ phiếu FMC diễn biến không như kỳ vọng. Thống kê với việc đón nhận duy nhất 1 phiên tăng ngày 13/10 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FMC giảm 2.550 đồng (-7,6%) từ mức giá 33.550 đồng/CP xuống 31.000 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MPC

Với vị thế là doanh nghiệp đứng đầu về chế biến và xuất khẩu tôm, cùng với sự phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ của ngành tôm xuất khẩu nhờ các hiệp định thương mại, cơ hội đầu tư vào cổ phiếu MPC là hấp dẫn trong trung và dài hạn.

Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2020 nhưng diễn biến cổ phiếu MPC cũng không khác so với người anh em cùng ngành FMC. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày 13/10 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MPC giảm nhẹ 500 đồng (-1,63%) từ mức giá 30.700 đồng/CP xuống 30.200 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GDT

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GDT với giá mục tiêu 46.380 đồng trên cơ sở (i) GDT là một trong những doanh nghiệp sản xuất đồ dùng nhà bếp hàng đầu trong nước với tỷ suất sinh lời cao và ổn định, (ii) sức khỏe tài chính tốt đi kèm với mức cổ tức tiền mặt cao và đều, (iii) tiềm năng gia tăng thị phần tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, và (iv) cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ và EU trong bối cảnh Hiệp định EVFTA, VPA/FLEGT có hiệu lực và hưởng lợi từ CTTM Mỹ - Trung.

Sau tuần tăng khá mạnh trước đó, cổ phiếu GDT đã hạ nhiệt, thậm chí đảo chiều giảm do áp lực bán gia tăng. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên giảm nhẹ ngày cuối tuần 16/10 và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GDT tăng nhẹ 650 đồng (+1,66%) từ mức giá 39.250 đồng/CP lên 39.900 đồng/CP.

* Theo BSC, có thể mở vị thế cổ phiếu BWE tại quanh vùng giá 25-26; VCSC khuyến nghị mua

BSC cho rằng, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể mở vị thế cổ phiếu tại quanh vùng giá 25.0-26.0 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 29.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 25.0.

Trong khi đó, VCSC khuyến nghị mua dành cho BWE với giá mục tiêu 31.100 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 26,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,7%.

Sau tuần mất điểm trước đó, cổ phiếu BWE đã có những nhịp hồi nhẹ trong những ngày vừa qua, tuy nhiên so với mục tiêu mà BSC và VCSC đưa ra còn cách khá xa. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm ngày 25,/9 và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày 13/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BWE tăng nhẹ 400 đồng (+1,57%) từ mức giá 25.500 đồng/CP lên 25.900 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GEX

Định giá cổ phiếu ở mức 29.000 đồng/cổ phần, đồng thời, chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu GEX tại mức giá hiện tại với khả năng tăng giá 23% trong 12 tháng tới.

Trái với khuyến nghị của MBS, diễn biến cổ phiếu GEX tiếp tục đón thêm một tuần mất điểm. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng nhẹ và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GEX giảm 950 đồng (-4,17%) từ mức giá 22.800 đồng/CP xuống 21.850 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu TCM với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu TCM khoảng 26.800 đồng/cổ phiếu (+11% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này.

Trái với một số mã khác, dù có kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận quý III/2020 ghi nhận 1,13 triệu USD, tăng 74%; 9 tháng đạt 8,18 triệu USD, tăng 9% cùng kỳ và vượt kế hoạch cả năm, nhưng diễn biến cổ phiếu TCM không mấy tích cực với những phiên tăng giảm đan xen.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCM giảm nhẹ 100 đồng (-0,42%) từ mức giá 23.900 đồng/CP xuống 23.800 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu SAB nằm tại mức 212.5

Đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên đây có thể là tín hiệu khởi đầu cho một giai đoạn tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của SAB nằm tại xung quanh giá 190. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 212.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 185 bị xuyên thủng.

Tuần qua, SAB đã khiến thanh khoản thị trường tăng đột biến, nhưng về diễn biến giá cổ phiếu thì không được thuận lợi khi áp lực bán ra diễn ra khá mạnh. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng ngày 14/10, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày 15/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SAB giảm 4.500 đồng (-2,33%) từ mức giá 193.000 đồng/CP xuống 188.500 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục