Có thể cân nhắc chốt lãi ACV khi tiệm cận ngưỡng 70
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP đang quay trở lại tại ngưỡng tích lũy tại vùng giá 61.5. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo MACD vẫn chưa cho thấy tín hiệu tăng trong khi chỉ báo RSI đang ủng hộ nhịp hồi phục ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu đang có dấu hiệu cắt xuống dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn chưa hình thành.
Như vậy, nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế cổ phiếu tại quanh ngưỡng giá 61.5 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 70.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 60.
Khuyến nghị mua CII với giá mục tiêu 24.900 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ bất thường của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) diễn ra ngày 14/10/2020 tại TP. HCM.
Đối với kế hoạch phát hành trái phiếu có giá trị lớn trong 2020 của CII, CII có kế hoạch phát hành 1,19 nghìn tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi 5 năm cho cổ đông hiện hữu (Trái phiếu A) và chào bán công khai 1,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu 5 năm đi kèm chứng quyền (Trái phiếu B). Điều kiện để phát hành Trái phiếu B là khi CII không thể phát hành thành công tối thiểu 800 tỷ đồng Trái phiếu A.
Ngày chốt danh sách quyền mua Trái phiếu A là ngày 01/10/2020. Quyền mua có thể được chuyển nhượng 1 lần trong giai đoạn 09/10 – 29/10. Giá thực hiện trong 6 tháng đầu tiên kể từ ngày phát hành trái phiếu chuyển đổi là 22.784 đồng/CP. Giá thực hiện tiếp theo mỗi 6 tháng sẽ được tăng 6% mỗi kỳ.
Tại ĐHCĐ bất thường, cổ đông đã phê duyệt (1) điều chỉnh phương thức phát hành 1,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu đi kèm chứng quyền từ phát hành riêng lẻ sang chào bán công khai và (2) ủy quyền cho HĐQT quyết định giá thực hiện của chứng quyền đi kèm, sẽ cao hơn hoặc bằng giá thực hiện theo kế hoạch trước đây.
Giá thực hiện theo kế hoạch trước đây là cao hơn 6% của 110% mức giá đóng cửa trung bình của 10 phiên giao dịch trước khi HĐQT thông qua hồ sơ phát hành trái phiếu, nhưng không quá 27.560 đồng/CP. Giá thực hiện tiếp theo mỗi 6 tháng sẽ được tăng 6% mỗi kỳ.
Điều chỉnh sang hình thức chào bán công khai là nhằm tuân thủ Nghị định 81/2020/ND-CP hướng dẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ đầu tháng 9. Tương ứng, 2 đợt phát hành riêng lẻ sẽ cần cách nhau 6 tháng.
Ngoài ra, chúng tôi tin rằng việc ủy quyền HĐQT của CII để quyết định giá thực hiện của chứng quyền đi kèm, như được đề cập ở trên, có thể giúp bảo vệ NĐT hiện hữu khi giá thực hiện của chứng quyền kèm cao hơn so với kế hoạch ban đầu.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 24.900 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời 40,3%, tương ứng lợi suất cổ tức 6,5%.
Khuyến nghị mua POW với giá mục tiêu 12.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) công bố bản tin đầu tư cho biết sản lượng điện thương phẩm đạt 1,2 tỷ kWh (giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái) trong tháng 9.
Bên cạnh các thách thức trước đây gồm (1) sản lượng điện hợp đồng được giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thấp hơn tại các nhà máy điện khí (ngoại trừ nhà máy Nhơn Trạch 1) và nhà máy nhiệt điện than và (2) giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) không thuận lợi dẫn đến việc các nhà máy không bán điện trên thị trường, sản lượng điện thương phẩm tháng 9 thấp hơn đáng kể (so với cùng kỳ và so với tháng trước) khi nhà máy NT2 dừng hoạt động để phục vụ cho công tác trung tu.
Nhìn chung, sản lượng điện thương phẩm lũy kế 9 tháng 2020 của POW đạt 15,1 tỷ kWh (giảm 8% so với cùng kỳ), đạt 72% dự báo cả năm 2020 của chúng tôi và thấp hơn nhẹ so với kỳ vọng của chúng tôi.
Công tác trung tu nhà máy NT2 diễn ra trễ hơn dự kiến, cho thấy khả năng điều chỉnh giảm dự báo sản lượng điện thương phẩm năm 2020 của chúng tôi.
Theo POW, công tác trung tu của nhà máy NT2 đã bắt đầu vào ngày 15/9/2020 và dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 22/10/2020. Như vậy, nhà máy này sẽ ngưng hoạt động trong phần lớn khoảng thời gian trong tháng 10 của chúng tôi rằng công tác trung tu sẽ hoàn thành dứt điểm trong tháng 9.
Theo NT2, công tác trung tu bị trễ là do ảnh hưởng từ COVID-19 làm các kỹ sư phục vụ công tác trung tu từ nước ngoài đến trễ hơn so với dự kiến.
Sản lượng điện thương phẩm của nhà máy Vũng Áng đạt 343 triệu kWh vào tháng 9 (đi ngang so với tháng trước), phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi và kế hoạch của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC). Theo kế hoạch của NLDC, sản lượng điện thương phẩm của nhà máy Vũng Áng sẽ phục hồi đạt 650-700 triệu kWh/tháng trong quý 4/2020.
Sản lượng điện thương phẩm của các nhà máy thủy điện của POW đạt 122 triệu kWh vào tháng 9, tương tự mức sản lượng điện thương phẩm mạnh mẽ vào tháng 8. Theo POW, sản lượng thủy điện không tăng trưởng mạnh mẽ so với tháng trước – dù lượng mưa phục hồi đáng kể – do các nhà máy thủy điện tích lũy nước để chuẩn bị cho mùa khô sắp tới trong 6 tháng đầu năm 2021.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho POW với giá mục tiêu 12.000 đồng/CP và tổng mức sinh lời dự phóng 21%, bao gồm lợi suất cổ tức 3%, dựa theo giá đóng phiên 14/10.