Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Bên cạnh thị trường quay đầu mất điểm, phần lớn các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị mua tuần qua đã không "đi đúng hướng" do chịu áp lực bán chốt lời, đáng kể có DBC giảm tới 17,5%. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với IMP với giá mục tiêu 68.100 đồng/CP

Chúng tôi cho rằng khó khăn ngắn hạn sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động cốt lõi và giá trị của CTCP Dược phẩm IMEXPHARM (IMP) trong tương lai. Vì vậy, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với kỳ vọng dài hạn, mức giá mục tiêu theo phương pháp DCF là 68.100 đồng/CP, +21,2% so với giá đóng cửa ngày 11/6/2020.

Trái ngược hoàn toàn với sự phân tích và nhận định của BVSC, cổ phiếu IMP đã có một tuần giao dịch khá thất bại khi liên tiếp để mất giá trong cả 5 phiên giao dịch. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu IMP giảm 4.500 đồng (-7,51%) từ mức giá 59.900 đồng/CP xuống 55.400 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua đối với VPB với giá mục tiêu 29.000 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 29.000 đồng/CP, upside 28.9% với quan điểm (1) kiểm soát chất lượng tài sản tốt trong tình hình dịch bệnh hiện tại, (2) kỳ vọng từ bán vốn công ty con.

Nếu trong những tuần trước, dòng bank đóng vai trò khá tích cực hỗ trợ đà tăng thị trường, thì trong tuần này, phần lớn các mã trong nhóm này đã có dấu hiệu bị bán ra và quay đầu giảm điểm, trong đó VPB cũng kghoong ngoại trừ. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VPB giảm 1.400 đồng (-5,71%) từ mức giá 24.500 đồng/CP xuống 23.100 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi đối với DAH quanh ngưỡng 16.5

Các chỉ báo xu hướng hầu hết đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của DAH. Chỉ báo động lượng RSI đã ở trong vùng quá mua nên cổ phiếu có thể có sự điều chỉnh trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của DAH nằm tại mốc 12. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh ngưỡng 16.5, cắt lỗ nếu vùng giá 11 bị xuyên thủng.

Thông tin các nhân sự chủ chốt của Công ty như Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc liên tục đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu DAH, tiếp tục là động lực cho đà tăng mạnh của cổ phiếu này. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó có 2 phiên tăng trần và 1 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DAH tăng 2.400 đồng (+19,51%) từ mức giá 12.300 đồng/CP lên 14.700 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho MSN và GAS với giá mục tiêu 69.400 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan và giá mục tiêu 69.400 đồng cho MSN, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 10,3%.

Đồng thời, khuyến nghị khả quan dành cho GAS với giá mục tiêu 76.600 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 3,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,1%). Theo giá đóng cửa hôm nay, GAS hiện đang giao dịch với P/E 2020 là 22,6 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Không chỉ nhóm cổ phiếu vua bị chốt lời, phần lớn các cổ phiếu bluechip cũng đã gia tăng sức ép lên thị trường trong tuần qua sau đợt tăng khá nóng trước đó. Trong đó, cổ phiếu MSN đã đón nhận 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tổng cộng, giá cổ phiếu MSN giảm 4.500 đồng (-7,14%) từ mức giá 63.000 đồng/CP xuống 58.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GAS giảm 2.400 đồng (-3,12%) từ mức giá 77.000 đồng/CP xuống 74.600 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 24.900 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 24.900 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 33,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 8,0%.

Mặc dù việc tiết lộ dự án bất động sản tại 152 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM đã hoàn thành hơn 60% và vẫn đặt mục tiêu bàn giao trong năm 2020, với cả tòa tháp căn hộ và tòa tháp văn phòng đều đã bán hết 100%, nhưng cũng không tiếp thêm sức bật cao cho diễn biến cổ phiếu CII.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CII tăng nhẹ 400 đồng (+2,09%) từ mức giá 19.100 đồng/CP lên 19.500 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 24.900 đồng/CP, thị giá hiện tại của CII còn thấp hơn 21,69%.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho KDH với giá mục tiêu 31.100 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho KDH với giá mục tiêu 31.100 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 34,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,1%.

Mặc dù đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2020 với các chỉ tiêu đều tăng trưởng, kế hoạch chia cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt 5% và 5% bằng cổ phiếu, cùng kế hoạch phát hành 8 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 13.000 đồng/CP, nhưng diễn biến cổ phiếu KDH tuần qua không mấy tích cực. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KDH giảm nhẹ 150 đồng (-0,64%) từ mức giá 23.350 đồng/CP xuống 23.200 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho NLG với giá mục tiêu 37.500 đồng/CP

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho NLG với giá mục tiêu 37.500 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 58,2% (bao gồm lợi suất cổ tức 3,8%).

Dù vẫn giữ được đà tiến bước nhưng diễn biến cổ phiếu NLG đã không đạt được kỳ vọng sau những phân tích và dự báo triển vọng các dự án khá khả quan. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên giảm và 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG tăng nhẹ 750 đồng (+3,09%) từ mức giá 24.250 đồng/CP lên 25.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho SCS với giá mục tiêu 160.000 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho SCS với giá mục tiêu 160.000 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 30,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,2%.

Trái với khuyến nghị của VCSC, cổ phiếu SCS đã có tuần giao dịch khá tiêu cực khi chỉ đón nhận duy nhất 1 phiên tăng và có tới 4 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SCS giảm 10.500 đồng (-8,08%) từ mức giá 130.000 đồng/CP xuống 119.500 đồng/CP.

* Theo BSC, có thể mở vị thế đối với CVT quanh ngưỡng giá 19

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư đã mở vị thế CVT quanh ngưỡng giá 19 và có thể cân nhắc chốt lãi tại vùng kháng cự 24 trong các phiên giao dịch tới. Cắt lỗ nếu cổ phiếu mất nưỡng hỗ trợ ngắn hạn 18.

Trái với khuyến nghị của BSC, sau khi CVT tăng mạnh những phiên đầu tuần và thử thách vùng giá 19.x, cổ phiếu này đã quay đầu do áp lực bán chốt lời gia tăng. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CVT giảm 250 đồng (-1,4%) từ mức giá 17.850 đồng/CP xuống 17.600 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho GMD với giá mục tiêu 25.100 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho GMD với giá mục tiêu 25.100 đồng (tổng mức sinh lời dự phóng 26,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,1%).

Mặc dù được khuyến nghị mua vào nhưng với những thông tin không mấy tích cực như kế hoạch kinh doanh năm 2020 được đưa ra với mục tiêu tăng trưởng âm, cùng dự kiến mức chia cổ tức thấp hơn dự báo, cổ phiếu GMD đã để mất điểm trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD giảm 1.050 đồng (-5,04%) từ mức giá 20.850 đồng/CP xuống 19.800 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho STK với giá mục tiêu 22.500 đồng/CP

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho STK với giá mục tiêu 22.500 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 34%, bao gồm lợi suất cổ tức 8,4%.

Tuần qua, Sợi Thế Kỷ đã công bố tài liệu ĐHCĐ 2020 và thông qua các mục tiêu kinh doanh với doanh thu giảm 19,3% so với năm ngoái, lợi nhuận sau thuế giảm tới 40,2%. Bên cạnh bức tranh dự kiến kết quả kinh doanh không mấy khả quan, cổ phiếu STK còn bị ảnh hưởng bởi đà bán mạnh trên thị trường trong 2 phiên cuối tuần.

Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STK giảm 900 đồng (-5,03%) từ mức giá 17.900 đồng/CP xuống 17.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua mã cổ phiếu DBC với giá mục tiêu 71.275 đồng/CP 

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua mã cổ phiếu DBC với giá mục tiêu 71.275 đồng/CP cho năm 2020 dựa theo phương pháp PE với PE mục tiêu là 4.5x (mức trung bình PE 6 năm trong giai đoạn giá heo ổn định khoảng 40.000-50.000 đồng/kg). Hiện tại, DBC đang giao dịch với mức PE TTM là 7.93x thấp hơn mức PE trung vị ngành 3F là 19.45x.

Trái với khuyến nghị của BSC, sau khoảng 2 tháng tăng với đồ thị thẳng đứng, tuần qua, cổ phiếu DBC đã bị xả bán ồ ạt. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, trong đó có tới 3 phiên giảm sàn tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DBC giảm 9.450 đồng (-17,5%) từ mức giá 54.000 đồng/CP xuống 44.550 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của SBT tại xung quanh ngưỡng 17.5

Các chỉ báo xu hướng hầu hết đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của SBT. Chỉ báo động lượng RSI đã ở trong vùng quá mua nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy cổ phiếu sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn.

Ngưỡng kháng cự gần nhất của SBT nằm tại mốc 16.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh ngưỡng 17.5, cắt lỗ nếu vùng giá 14 bị xuyên thủng.

Dường như đà bán tháo trên thị trường đã khiến cổ phiếu SBT đổi hướng, không được như mục tiêu mà BSC đề ra khi chưa chạm mức 16.5 đã quay đầu điều chỉnh. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng trong đó có 1 phiên tăng trần, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SBT tăng 450 đồng (+2,99%) từ mức giá 15.050 đồng/CP lên 15.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho PC1 với giá mục tiêu 24.000 đồng/CP

PC1 hiện tại có thể xem là công ty sản xuất điện đang được định giá rẻ và sở hữu thêm mảng xây lắp điện có vị thế đầu ngành cũng như sở hữu mảng phát triển bất động sản hiệu quả, vì vậy chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu PC1 với mức giá mục tiêu là 24.000 đồng/CP (tiềm năng tăng giá 31,8% so với mức giá đóng cửa ngày 04/6/2020 là 18.200 đồng/CP).

Diễn biến cổ phiếu PC1 tuần qua khá giằng co với những phiên tăng giảm đan xen. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PC1 giảm 500 đồng (-2,76%) từ mức giá 18.100 đồng/CP xuống 17.600 đồng/CP.

* ACBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu FRT

Chúng tôi hạ giá mục tiêu cho cổ phiếu trước khả năng tăng trưởng yếu trong năm nay cộng với những ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu FRT.

Sau tuần giao dịch khởi sắc đầu tháng 6, nhà đầu tư đã thất bại khi tiếp tục nắm giữ cổ phiếu FRT trong tuần vừa qua. Cụ thể, việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, trong đó phiên 11/6 giảm sàn, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FRT giảm 1.750 đồng (-6,38%) từ mức giá 27.450 đồng/CP xuống 25.700 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ