Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Thị trường tiếp tục giảm điểm trong tuần đầu tiên của tháng 12, trong đó đang chú ý, các cổ phiếu ngân hàng và dầu khí cũng hầu hết đều mất giá. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Anh Shutterstock Anh Shutterstock

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu VHM với giá mục tiêu 109.000 đồng/CP

Chúng tôi nâng khuyến nghị của CTCP Vinhomes từ khả quan lên mua trong khi nâng giá mục tiêu thêm 7% lêm 109.000 đồng/CP, chủ yếu do bổ sung dự án Hóc Môn vừa thâu tóm (200ha).

Tuần qua, nhóm cổ phiếu nhà Vingroup giao dịch khá lình xình. Các mã chủ yếu biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu qua từng phiên giao dịch. Trong đó, VHM đã đón nhận 1 phiên giảm nhẹ ngày 3/12, 3 phiên đứng giá và 1 phiên nhích nhẹ ngày 5/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHM tăng nhẹ 100 đồng (+0,11%) từ mức giá 91.900 đồng/CP lên 92.000 đồng/CP.

* MBS đánh giá khả quan dành cho TNG

Chúng tôi đánh giá khả quan với hoạt động kinh doanh của TNG trên cơ sở (i) hiệu quả trong hoạt động tái cơ cấu tệp khách hàng, tập trung vào KH lớn và uy tín, (ii) hệ thống quản trị nhân lực và hoạt động kinh doanh tốt, và (iii) chủ trương mở rộng năng lực sản xuất (khoảng 290 chuyền may đến 2020), đảm bảo đáp ứng sự gia tăng đơn hàng.

Trái với nhận định của MBS, sau tuần giao dịch khởi sắc cuối tháng 11 nhờ những thông tin hỗ trợ tích cực như kết quả kinh doanh 10 tháng khả quan và Chủ tịch HĐQT đăng ký mua lại lượng lớn cổ phiếu, TNG đã chịu áp lực bán và quay đầu giảm trong những phiên đầu tháng 12. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày 4/12 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TNG giảm 700 đồng (-4,58%) từ mức giá 15.300 đồng/CP xuống 14.600 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua CII với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 30,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 13,9%.

Vừa qua, CII công bố đã ký hợp đồng hợp tác với CTCP City Garden là thành vifn của CTCP Phát triển tài trợ Địa ốc RC (Refico) nhằm đầu tư dự án Riverpart (giai đoạn 1 )tại Thủ Thiêm, TP.HCM. Việc hợp tác với REFICO sẽ tăng tốc thời gian đầu tư dự án Riverpark và có khả năng ghi nhận lợi nhuận từ tiến triển cho CII. Tuy nhiên, không như sự kỳ vọng của VCSC, tuần qua, cổ phiếu CII tiếp tục để mất điểm.

Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng ngày 6/12, 2 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CII giảm 1.000 đồng (-4,17%) từ mức giá 24.000 đồng/CP xuống 23.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua PVT, khuyến nghị khả quan dành cho BSR

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho PVT với giá mục tiêu 21.700 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phòng 32,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,8%) và khả quan dành cho BSR với giá mục tiêu 11.100 đồng/CP (tổng mức sinh lời 21,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,7%).

Trái với khuyến nghị của VCSC, cả 2 mã dầu khí PVT và BSR nói riêng và phần lớn các mã dầu khí nói chung như GAS, PLX cũng đều giảm điểm trong tuần qua.

Trong đó, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT giảm 500 đồng (-2,87%) từ mức giá 17.400 đồng/CP xuống 16.900 đồng/CP.

Còn BSR đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày 4/12, 2 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BSR giảm 200 đồng (-2,13%) từ mức giá 9.400 đồng/CP xuống 9.200 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu D2D có thể mất giá cho đến khi chạm ngưỡng 65

Chỉ báo MACD duy trì histogram âm đồng thuận với đà giảm của D2D. Bên cạnh đó, các đường EMA đã xuất hiện Death Cross, xác nhận sự khởi đầu của một viễn cảnh kém tươi sáng trong thời gian tới đối với diễn biến giá cổ phiếu. Đồng thời, chỉ báo động lượng RSI chưa đi vào vùng quá bán cho thấy dư địa giảm vẫn còn.

Dự kiến D2D có thể mất giá cho đến khi chạm ngưỡng hỗ trợ 65 trong vài tuần tiếp theo. Nếu mốc này bị xuyên thủng thì cổ phiếu sẽ xác nhận mô hình hai đỉnh hướng xuống và sẽ kiểm tra tiếp các khu vực hỗ trợ bên dưới.

Không nằm ngoài dự báo của BSC, sau khi lập đỉnh lịch sử tại mức giá 88.800 đồng/Cp (giá đóng cửa phiên 18/11/2019), cổ phiếu D2D đã chịu áp lực bán và tuần đầu tiên của tháng 12 cũng để mất điểm. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng nhẹ và 3 phiên giảm sâu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu D2D giảm 7.100 đồng (-8,7%) từ mức giá 81.600 đồng/CP xuống 74.500 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu AMV đang tiến dần về vùng giá lịch sử

Các chỉ báo xu hướng đều đồng thuận với đà tăng của cổ phiếu. Chỉ báo động lượng RSI cũng đã ở trong vùng quá mua. Nhìn một cách tổng quát, AMV đang tiến dần về vùng giá lịch sử và có thể xuất hiện sự điều chỉnh khi cổ phiếu tiếp cận khu vực 25-26.

Không được như kỳ vọng của BSC, sau chuỗi ngày dài khởi sắc từ cuối tháng 11, cổ phiếu AMV đã chịu áp lực chốt lời với những phiên điều chỉnh và đã để mất điểm trong tuần qua, Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu AMV giảm 200 đồng (-0,84%) từ mức giá 23.700 đồng/CP xuống 23.500 đồng/CP.

* ACBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu FRT

Chúng tôi dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của FRT trong 2019 lần lượt là 17.127 tỷ đồng (tăng 12% so với năm ngoái) và 298 tỷ đồng (giảm 14,3%). Dự phóng tăng trưởng cho 2020 tương ứng là 11,2% và giảm 6%. Kết hợp phương pháp DCF và P/E, giá mục tiêu của chúng tôi cho cổ phiếu là 29.898 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị nắm giữ FRT.

Sau chuỗi ngày giảm mạnh trong nửa cuối tháng 11 do kết quả kinh doanh 10 tháng công bố không mấy khả quan, cổ phiếu FRT đã có những nhịp hồi phục trong tuần đầu tháng 12. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung, giá cổ phiếu FRT tăng 500 đồng (+1,86%) từ mức giá 26.900 đồng/CP lên 27.400 đồng/CP.

* PHS và VCSC cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NLG

PHS sử dụng phương pháp định giá NAV để định giá cổ phiếu NLG. Giá trị hợp lý cho NLG đạt 35.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 25% so với mức giá giao dịch chốt ngày 22/11. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG.

Tương tự, VCSC khuyến nghị mua cho NLG với giá mục tiêu 48.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 78,5 %. NLG hiện được giao dịch tại P/E năm 2020F là 6,1 lần và P/B là 1,1 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Trong tuần qua, Nam Long đã thông báo ngày 12/12 sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 4,78%. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu NLG tuần qua chỉ biến động lình xình trong biên độ hẹp. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 3/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG tăng nhẹ 100 đồng (+0,36%) từ mức giá 27.600 đồng/CP lên 27.700 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 31.600 đồng/Cp

Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 1 năm là 31.600 đồng theo phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF.

Cùng với triển vọng trong tương lai khá sáng, cổ phiếu HPG giao dịch khá tích cực cả về giá và thanh khoản. Với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá ngày 4/12 và 1 phiên giảm ngày 5/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG tăng 1.000 đồng (+4,38%) từ mức giá 22.850 đồng/CP lên 23.850 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cho HSG với giá mục tiêu 10.000 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), đồng thời tăng giá mục tiêu 9% đạt 10.000 đồng/cổ phiếu, chủ yếu nhờ việc gia hạn định giá mô hình chiết khấu dòng tiền (DCF) đến giai đoạn 2020-2024F, cùng với nỗ lực đã được khẳng định của HSG trong việc củng cố tăng trưởng lợi nhuận và năng lực tài chính. Giá cổ phiếu của HSG đã hồi phục 14% trong 3 tháng qua.

Bên cạnh HPG, cổ phiếu cùng ngành HSG cũng đã có tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 5/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HSG tăng 250 đồng (+3,21%) từ mức giá 7.780 đồng/CP lên 8.030 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cho KDH với giá mục tiêu 32.000 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) và duy trì dự báo lợi nhuận cũng như tổng giá trị hợp đồng bán hàng cho giai đoạn 2019-2021. Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 8% lên mức 32.000 đồng/CP do cập nhật mô hình định giá và điều chỉnh tăng giá bán giả định tại dự án Corona City. Giá cổ phiếu đã tăng khoảng 20% trong 4 tháng qua.

Mặc dù tuần qua, cổ phiếu KDH giao dịch khởi sắc trong hầu hết các phiên nhưng với biên độ tăng khá hẹp khiến mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra vẫn còn quá xa vời. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 2/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KDH tăng 650 đồng (+2,46%) từ mức giá 26.400 đồng/CP lên 27.050 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cho TPB, BSC khuyến nghị theo dõi

VCSC tăng giá mục tiêu 2,0% lên 27.600 đồng/cổ phiếu, đồng thời nâng khuyến nghị cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) từ khả quan lên mua, nhờ tác động của việc gia hạn định giá đến cuối năm 2020 bù đắp cho mức giảm trung bình 2,6% của dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong giai đoạn 2019F-2020F.

Trong khi đó, BSC giữ quan điểm theo dõi cổ phiếu TCB với giá mục tiêu 26.000 VND, upside 18% so với giá hiện tại với tỷ suất chiết khấu 20% (P/B 2020 = 1.5x) với quan điểm (1) Khả năng sinh lời cao, (2) tiên phong dẫn đầu trong nhiều mảng tiềm năng, (3) Định giá đã về mức hấp dẫn.

Tuần qua cũng là tuần giao dịch không mấy thành công của dòng bank khi hầu hết đều để mất điểm, trong đó TPB cũng không ngoại trừ. Với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày 4/12 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TPB giảm 200 đồng (-0,91%) từ mức giá 21.900 đồng/CP xuống 21.700 đồng/CP.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục