Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Trong khi dòng bank giao dịch không mấy tích cực thì các cổ phiếu trong nhóm dầu khí lại có tuần khởi sắc nhờ thông tin hỗ trợ tích cực. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* Theo BSC, cổ phiếu ACB sẽ hồi phục trở về vùng giá 26-27, BID sẽ tiến về vùng đỉnh cũ trên 45

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đã cho thấy tín hiệu tăng giá tích cực. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku và hình thành xu hướng tăng giá trung hạn. Như vậy, ACB sẽ hồi phục trở về vùng giá 26-27 trong các phiên giao dịch tới.

Bên cạnh đó, BSC cho rằng, các chỉ báo xu hướng cũng ủng hộ trạng thái tích cực của cổ phiếu BID. Tuy chỉ báo RSI đang trong vùng quá mua nhưng trong thời gian gần đây, mỗi khi chỉ báo chạm ngưỡng này, BID đều chỉ tích lũy ngắn hạn rồi tăng trở lại. Nhìn một cách tổng quát, cổ phiếu này đang dần tiến về vùng đỉnh cũ tại khu vực trên 45 và nhiều khả năng BID sẽ chinh phục lại ngưỡng giá này trong vài tuần tới.

Mặc dù quay đầu điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên đầu tuần, nhưng ACB đã đảo chiều hồi phục trong những phiên còn lại. Tuy nhiên, so với mục tiêu mà BSC đưa ra, thị giá cổ phiếu ACB còn cách khá xa. Cụ thể, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB tăng nhẹ 600 đồng/Cp (+2,65%) từ mức 22.600 đồng/Cp lên 23.200 đồng/Cp.

Trái lại, trong khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều giao dịch khởi sắc, là điểm tựa chính hỗ trợ giúp thị trường đảo chiều thành công trong phiên 19/9, thì cổ phiếu BID lại đi ngược xu hướng chung và tiếp tục điều chỉnh sâu hơn trong phiên 20/9, đã lấy đi gần hết thành quả có được trong những phiên đầu tuần.

Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BID tăng nhẹ 150 đồng/Cp (+0,38%) từ mức 39.850 đồng/Cp lên 40.000 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 45.000 đồng/CP, giá hiện tại của BID còn thấp hơn 11,11%.

* BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VCB

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VCB với quan điểm (1) Khả năng sinh lời cao cùng chất lượng tài sản tốt, (2) quy mô lớn + nhiều catalyst được kỳ vọng trong tương lai, (3) định giá cao.

Diễn biến cổ phiếu VCB khá giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB giảm 900 đồng/Cp (-1,1%) từ mức 81.900 đồng/Cp xuống 81.000 đồng/Cp.

* Theo BSC, cổ phiếu GAS có thể bứt phá và vượt mức 105

Trong những ngày giao dịch tới, nếu GAS có thể bứt phá và đóng cửa trên mốc 105, cổ phiếu sẽ xác lập xu hướng tăng mới và mục tiêu gần nhất là tại khu vực xung quanh 115.

Thông tin giá dầu thô tăng vọt bởi ảnh hưởng của ngành công nghiệp dầu mỏ Ả rập Xê út bị trấn công, buộc quốc gia này cắt giảm sản lượng dầu xuống một nửa, đã tác động tích cực giúp nhóm cổ phiếu dầu khí có những phiên giao dịch đầu tuần bùng nổ, trong đó, GAS cũng không loại trừ.

Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng đầu tuần và 3 phiên giảm cuối tuần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GAS tăng 1.800 đồng/Cp (+1,78%) từ mức 101.000 đồng/Cp lên 102.800 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho BSR với giá mục tiêu 10.300 đồng/cổ phiếu

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho BSR với giá mục tiêu 10.300 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 5,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,5% theo giá hôm nay là 10.100VND/cổ phiếu.

Tương tự, thông tin tích cực trên cũng giúp BSR có những phiên giao dịch đầu tuần khá khởi sắc với việc xác lập mức đỉnh trong hơn 1 tháng qua tại 10.100 đồng/CP khi đóng cửa phiên 18/9, tuy nhiên sau đó cổ phiếu này đã đảo chiều giảm do áp lực bán chốt lời gia tăng.

Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm nhẹ, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 17/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BSR tăng 700 đồng/Cp (+7,87%) từ mức 8.900 đồng/Cp lên 9.600 đồng/Cp. Đồng thời, thanh khoản của BSR cũng sôi động với khối lượng khớp lệnh trung bình tuần qua đạt 3,15 triệu đơn vị/phiên.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho PVS với giá mục tiêu 25.400 đồng/CP

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho PVS với giá mục tiêu 25.400 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 26,1% bao gồm lợi suất cổ tức 3,4%). Theo giá đóng cửa hôm nay, PVS hiện đang giao dịch với P/E báo cáo năm 2019 đạt 11,4 lần và EV/EBITDA 4,2 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Cũng là một trong những thành viên nhà họ P, tuần qua, PVS giao dịch khá khởi sắc bên cạnh thông tin tích cực về việc Công ty dự kiến chi gần 335 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt tỷ lệ 7% cùng thanh khoản tăng vọt. Tuy nhiên, sau 2 phiên tăng mạnh, PVS đã gặp áp lực chốt lời và quay đầu giảm điểm, khiến cổ phiếu này hạ độ cao. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS tăng 700 đồng/Cp (+3,59%) từ mức 19.500 đồng/Cp lên 20.200 đồng/Cp.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho PC1 với giá mục tiêu 23.300 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PC1 của CTCP Xây lắp điện 1 với giá mục tiêu 23.300 đồng dựa trên phương pháp so sánh P/E.

Trái với khuyến nghị của MBS, sau tuần giao dịch khởi sắc từ ngày 9-13/9, cổ phiếu PC1 đã liên tiếp điều chỉnh do áp lực bán gia tăng. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên tăng ngày đầu tuần 16/9 và 1 phiên đứng giá ngày 19/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PC1 giảm nhẹ 300 đồng/Cp (-1,42%) từ mức 21.100 đồng/Cp xuống 20.800 đồng/Cp.

* Theo BSC, cổ phiếu VEA sẽ hồi phục trở về vùng giá 60-62

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đã cho thấy tín hiệu tăng giá tích cực. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku và hình thành xu hướng tăng giá trung hạn. Như vậy, VEA sẽ hồi phục trở về vùng giá 60-62 trong các phiên giao dịch tới

Mặc dù vẫn còn cách khá xa mục tiêu mà BSC đặt ra, nhưng diễn biến cổ phiếu VEA tuần qua khá khởi sắc khi đón nhận tới 4 phiên tăng liên tiếp và chỉ đứng giá duy nhất phiên cuối tuần ngày 20/9. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VEA tăng 2.400 đồng/Cp (+4,57%) từ mức 52.500 đồng/Cp lên 54.900 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho MSN với giá mục tiêu 95.900 đồng/CP

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho MSN với giá mục tiêu 95.900 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ tăng 21% so với giá đóng cửa phiên hôm nay.

Bên cạnh thông tin một công ty con của Masan là CTCP Tài nguyên Masan (MSR) đã ký thỏa thuận mua lại nền tảng tungsten của H.C Starck Group GmbH (HCS), mới đây, MSN cũng thông báo kế hoạch phát hành trực tiếp 15 triệu trái phiếu ra công chúng với mệnh giá 100.000 đồng/CP. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, trả lãi sau, định kỳ 6 tháng/lần. Ngày phát hành dự kiến là ngày 26/9/2019. Nếu chào bán thành công, Masan sẽ thu được 1.500 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu MSN tuần qua khá khởi sắc với  việc đón nhận 3 phiên tăng, 11 phiên giảm nhẹ ngày 19/9 và 1 phiên đứng giá ngày 20/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN tăng 3.700 đồng/Cp (+4,84%) từ mức 76.500 đồng/Cp lên 80.200 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 95.900 đồng/CP, giá hiện tại của MSN còn thấp hơn 16,37%.

* MBS khuyến nghị khả quan đối với VRE với giá mục tiêu 38.200 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VRE với giá mục tiêu 12 tháng khoảng 38.200 đồng/cp trên cơ sở (i) Vincom Retail là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, phát triển và vận hành bất động sản bán lẻ, (ii) Thị trường bán lẻ Việt Nam duy trì triển vọng khả quan, (iii) VRE hưởng lợi từ hệ sinh thái VinGroup, và (iv) Việc phát triến shophouse, tháp văn phòng và căn hộ để bán tại một số TTTM Vincom Center bổ sung nguồn thu và dòng tiền cho VRE.

Gia đình nhà Vin đã có một tuần giao dịch không mấy tích cực. Trong đó, cổ phiếu VRE biến động giằng co với 3 phiên tăng nhẹ và 2 phiên điều chỉnh xen kẽ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE không có biến động và giữ nguyên tại mức 33.950 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DRC

Chúng tôi đánh giá cổ phiếu DRC phù hợp với mục tiêu đầu tư trung dài hạn do từ năm 2021 trở đi, triển vọng của doanh nghiệp sẽ có triển vọng rõ nét hơn với (1) lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ cải thiện khi giảm chi phí khấu hao nhà máy Radial giai đoạn 1 khoảng 130 tỷ/năm, doanh nghiệp có thể chi trả cổ tức cao hơn và (2) thị trường tiêu thụ xuất khẩu sẽ trở nên ổn định.

Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm nhẹ ngày 17/9, 2 phiên tăng và 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRC tăng 1.200 đồng/Cp (+5,24%) từ mức 22.900 đồng/Cp lên 24.100 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho POW và NT2

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho cả POW (giá mục tiêu 17.700 VND/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 42,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,4%) và NT2 (giá mục tiêu 29.200VND/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 25,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 8,8%).

Trái với khuyến nghị của VCSC, cặp đôi cổ phiếu ngành điện đã có tuần giao dịch không mấy tích cực.

Trong đó, NT2 đã đón nhận tới 4 phiên giảm và duy nhất phiên 18/9 đứng giá tham chiếu. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NT2 giảm 1.400 đồng/Cp (-5,6%) từ mức 25.000 đồng/Cp xuống 23.600 đồng/Cp.

Còn POW biến động giằng co với 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 19/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW giảm nhẹ 100 đồng/Cp (-0,79%) từ mức 12.650 đồng/Cp xuống 12.550 đồng/Cp.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục