Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu cảng biển đã tạo ấn tượng khi các thành viên đã xác lập mức tăng vượt trội trong số các mã được đưa ra khuyến nghị mua bán trong tuần, đáng kể DVP tăng tới hơn 16%. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu VIB

Với quan điểm kinh tế vĩ mô Việt Nam có thể duy trì ổn định ít nhất đến cuối năm 2019 và những luận điểm nêu trên, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VIB, giá mục tiêu từ 22.000 – 23.000 VND/cp. Tuy nhiên nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng nhóm cổ phiếu ngân hàng ở mức vừa phải tại thời điểm hiện tại nhằm hạn chế rủi ro từ những biến động mạnh của nền kinh tế.

Trong khi nhiều mã ngân hàng diễn biến giằng co và điều chỉnh thì EIB đã có tuần giao dịch tích cực và giúp cổ phiếu này xác lập mức giá đỉnh trong hơn 1 năm qua. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 6/8, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VIB tăng 1.200 đồng/Cp (+6,38%) từ mức 18.800 đồng/Cp lên 20.000 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu BID

Chúng tôi dự phóng giá cổ phiếu BID sẽ đạt 33 nghìn đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019 và 43 nghìn đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2020 với kỳ vọng việc bơm vốn từ Ngân hàng KEB Hana sẽ bắt đầu từ 2020, cải thiện hiệu quả kinh doanh của BIDV. Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu BID.

Cũng giống EIB, BIDV cũng là một trong những cái tên được xếp vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm 2019, tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu BID tuần qua không mấy tích cực. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BID giảm 1.100 đồng/Cp (-3,07%) từ mức 35.800 đồng/Cp xuống 34.700 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu ACB

Với ước tính giá cổ phiếu ACB sẽ đạt 32,300 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019 và 39,500 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2020, chúng tôi duy trì khuyến nghị TĂNG TỶ TRỌNG

Tương tự, BID, một thành viên khác trong gia đình nhà bank là ACB tiếp tục đón nhận thêm một tuần giao dịch thiếu tích cực. Mặc dù tín hiệu hồi phục đã xuất hiện với phiên tăng duy nhất ngày 8/8 nhưng không đủ giúp ACB lấy lại thăng bằng trước 4 phiên giảm còn lại. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB giảm nhẹ 400 đồng/Cp (-1,79%) từ mức 22.300 đồng/Cp xuống 21.900 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho PTB

Chúng tôi giữ khuyến nghị khả quan dành cho CTCP Phú Tài (PTB) đồng thời giữ nguyên giá mục tiêu với việc điều chỉnh tăng giả định biên lợi nhuận gộp mảng đá trong bối cảnh cơ cấu sản phẩm cải thiện và công ty cải tiến sản xuất. Chúng tôi đồng thời điều chỉnh giảm giả định biên lợi nhuận gộp mảng phân phối ô-tô.

Mặc dù PTB chủ yếu giao dịch giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ nhưng phiên khởi sắc ngày cuối tuần (9/8) cũng đã đem lại niềm vui cho nhà đầu tư. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PTB tăng 1.800 đồng/Cp (+2,65%) từ mức 67.900 đồng/Cp lên 69.700 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 28.700 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiểu DGW với giá mục tiêu năm 2019 là 28.700 đồng/ cổ phần, cho thấy tiềm năng tăng giá là 32% và mức P/E hợp lý năm 2019 là 8,0 lần.

Không được như kỳ vọng của BVSC, mặc dù về cuối tuần DGW đã giao dịch khởi sắc trở lại nhưng chỉ đủ để giúp cổ phiếu này thăng bằng hơn. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGW giảm nhẹ 50 đồng/Cp (-0,002%) từ mức 22.650 đồng/Cp xuống 22.600 đồng/Cp.

* KBSV khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu NTL

Đối với cổ phiếu NTL, chúng tôi đưa ra khuyến nghị tích cực trong ngắn hạn dựa trên kết quả bán hàng tích cực tại hai dự án chung cư lô 4,5 Trần Hưng Đạo và Bắc quốc lộ 32. Cần tiếp tục theo dõi thêm tình hình triển khai các dự án mới tại TP Hạ Long để đánh giá triển vọng của NTL trong trung và dài hạn.

Một trong những nhân tố giúp khuyến nghị của KBSV có phần chuẩn xác hơn đó là kết quả kinh doanh của NTL trong quý II/2019 khá khả quan với con số lợi nhuận đạt 84 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá ngày 6/8 và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NTL tăng 1.000 đồng/Cp (+3,86%) từ mức 25.900 đồng/Cp lên 26.900 đồng/Cp.

* VCSC và KIS cùng khuyến nghị mua dành cho HPG

VCSC giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và điều chỉnh giảm giá mục tiêu 3% xuống 33.000 đồng/CP đồng thời nhìn chung giữ nguyên dự báo tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2018-2023 tại mức 11%.

Bên cạnh đó, KIS vẫn kỳ vọng tích cực đối với HPG vào năm 2020, do Dung Quất đi vào hoạt động sẽ phục hồi lợi nhuận của công ty. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với HPG.

Khuyến nghị của VCSC và KIS khá đúng. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG tăng 650 đồng/Cp (+2,9%) từ mức 22.450 đồng/Cp lên 23.100 đồng/Cp.

* KBSV khuyến nghị tích cực đối với DVP

Đối với DVP, chúng tôi đánh giá tích cực trong trung hạn dựa trên 2 yếu tố: (1) Mức lợi suất cổ tức cao, đạt 10% – 12% / năm; (2) Hoạt động doanh nghiệp vẫn được duy trì, mặc dù gặp phải cạnh tranh gay gắt nhưng với tệp khách hàng khá ổn định, đặc biệt là khách hàng lớn là HITC đóng góp khoảng 40% doanh thu.

Mặc dù sau khi ghi dấu ấn thị trường trong phiên 8/8, nhiều mã trong nhóm cổ phiếu cảng biển đuối sức, thậm chí đảo chiều như GMD, nhưng cổ phiếu DVP vẫn là một trong những điểm sáng và cũng là mã tăng tốt nhất ngành tính chung trong cả tuần.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng mạnh và 1 phiên giảm duy nhất ngày 6/8, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DVP tăng 6.500 đồng/Cp (+16,46%) từ mức 39.500 đồng/Cp lên 46.000 đồng/Cp.

* KBSV khuyến nghị trung lập đối với VSC

Đối với VSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam, chúng tôi đánh giá trung lập trong trung – dài hạn.

Tương tự DVP, cổ phiếu cùng ngành cảng biển là VSC đã có 2 phiên cuối tuần khá bùng nổ. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VSC tăng 1.900 đồng/Cp (+6,81%) từ mức 27.900 đồng/Cp lên 29.800 đồng/Cp.

* ACBS khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ

Chúng tôi ước tính doanh thu thuần của PNJ trong 2019 là 16.631 tỷ đồng (+14,1% n/n) và lợi nhuận sau thuế 1.133 tỷ đồng (+18% n/n). Kết hợp phương pháp định giá DCF và P/E, giá mục tiêu của chúng tôi cho cổ phiếu là 86.804 đ/cp, tương đương tổng tỷ suất sinh lợi 15,6%.

Không nằm ngoài nhận định của ACBS, cổ phiếu PNJ đã có những phiên giao dịch khởi sắc ngày đầu tuần, tuy nhiên áp lực bán chốt lời gian tăng khiến cổ phiếu này quay đầu điều chỉnh trong 2 phiên cuối tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ tăng 3.800 đồng/Cp (+4,73%) từ mức 80.400 đồng/Cp lên 84.200 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà ACBS đưa ra là 86.804 đồng/CP, thị giá hiện tại của PNJ còn thấp hơn 3%.

* ACBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VRE

Do giá cổ phiếu đã tăng hơn 5% từ báo cáo cập nhật tháng 5/2019 nên chúng tôi thay đổi khuyến nghị từ MUA sang GIỮ với giá mục tiêu gần như không thay đổi là 39.570 đ/cp, sử dụng kết hợp các phương pháp CKDT, P/B và EV/EBITDA

Nhóm cổ phiếu bluechip suy giảm là một trong những nhân tố chính tạo sức ép khiến thị trường có thêm một tuần giảm điểm. Trong đó, bộ 3 nhà Vingroup cũng góp công đẩy thị trường đi xuống khi lần lượt các mã VHM, VIC và VRE đều mất giá. Riêng VRE đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên tăng ngày 8/8 và 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần 9/8, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE giảm 750 đồng/Cp (-2,07%) từ mức 36.250 đồng/Cp xuống 35.500 đồng/Cp.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục