Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Với việc VN-Index đang tiến gần hơn tới ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh 1.000 điểm khiến thị trường càng trở nên rung lắc và diễn biến cổ phiếu cũng biến động khó lường. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu MBB với mức giá mục tiêu là 29.400 đồng/CP

Dù rủi ro trong ngắn đến trung hạn là hiện hữu nhưng chúng tôi vẫn đánh giá tích cực đối với cổ phiếu MBB nhờ mức định giá tương đối thấp hiện tại trong khi sở hữu chất lượng tài sản tốt và tiềm năng tăng trưởng cao hơn trung bình ngành. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu MBB với mức giá mục tiêu là 29.400 đồng/CP, cao hơn 31% giá thị trường tại thời điểm định giá.

Trong khi các trụ cột thay phiên nhau làm lực đỡ hỗ trợ thị trường có những phiên giao dịch khởi sắc và VN-Index có những nhịp tăng mạnh, tiếp cận mốc 1.000 điểm, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng lại có thêm một tuần giao dịch trầm lắng.

Trong đó, MBB cũng không ngoại trừ khi đón nhận 2 phiên tăng nhẹ, 1 phiên giảm ngày cuối tuần 8/3 và 2 phiên đứng giá tham chiếu. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MBB chỉ tăng nhẹ 50 đồng/Cp (+0,23%) từ mức 21.800 đồng/Cp lên 21.850 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị mua với cổ phiếu LPB với giá mục tiêu 11.120 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu LPB với giá mục tiêu 11.120 đồng/CP, upside 22.2% với phương pháp P/B = 0.8x (trung bình ngành hiện nay = 1.5x). Chúng tôi đánh giá, LPB là một cổ phiếu rẻ, có tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện nay ngân hàng phải thực hiện việc tái cấu trúc các phòng giao dịch cùng việc giảm lượng tiền gửi khiến lợi nhuận của LPB bị ảnh hưởng.

Cũng giống người anh em cùng họ, cổ phiếu LPB chỉ biến động nhẹ. Thống kê với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm ngày 8,3 và 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu LPB tăng 200 đồng/Cp (+2,22%) từ mức 9.000 đồng/Cp lên 9.200 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị theo dõi với GMD với giá mục tiêu 29.100 đồng/CP

Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế cốt lõi của công ty mẹ 2019 sẽ đạt lần lượt 2.828 tỷ đồng (tăng 5,31% so với năm trước) và 593,6 tỷ đồng (tăng trưởng 6,3%), đồng thời khuyến nghị theo dõi với GMD với giá mục tiêu 29.100 đồng, upside 4.9%.

Tuần qua, cổ đông lớn ReCollection Pte Ltd. đã bán 4,5 triệu cổ phiếu và giảm sở hữu tại GMD xuống còn hơn 13,64 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,59%, không còn là cổ đông lớn của Gemadept. Diễn biến cổ phiếu GMD với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD giảm 400 đồng/Cp (-1,44%) từ mức 27.700 đồng/Cp xuống 27.300 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 29.100 đồng/CP, giá hiện tại của GMD còn thấp hơn 6,19%.

* BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PHR với giá mục tiêu 44.484 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PHR với giá mục tiêu 44.484 đồng/CP - tương đương so với mức giá đóng cửa ngày 05/03/2019 với phương pháp định giá cho 2 phần: phương pháp P/E với P/E mục tiêu 7x cho phần lợi nhuận cốt lõi và RNAV cho phần lợi nhuận bất thường, mức chiết khấu 10%. Hiện nay, PHR được giao dịch với P/E = 7.29x, cao hơn so với trung bình ngành khoảng 6.88x.

Phước Hòa hiện sở hữu 32,85% cổ phần NTC tương đương 5,26 triệu cổ phiếu. Theo kế hoạch, Phước Hòa sẽ thoái hết vốn trong năm 2019 và hiện đang trong quá trình chờ văn bản của Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG). Với kỳ vọng từ thoái vốn tại NTC, diễn biến cổ phiếu PHR đã tăng khá tích cực kể từ đầu năm 2019.

Tuần qua, thống kê với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 6/3, tính chung, giá cổ phiếu PHR tăng 2.000 đồng/Cp (+4,4%) từ mức 45.400 đồng/Cp lên 47.400 đồng/Cp.

* Theo VCSC, giá mục tiêu của HSG là 6.300 đồng/cổ phiếu

Tại giá đóng cửa phiên hôm nay 9.910 đồng/cổ phiếu, HSG hiện đang giao dịch tại P/E 2019 là 20,8 lần trên cơ sở dự báo chúng tôi đưa ra. Chúng tôi hiện đưa ra giá mục tiêu 6.300 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ giảm 36%.

Mặc dù có phiên chào tuần mới tăng kịch trần nhưng với những phân tích cùng dự báo thiếu tích cực của VCSC, cổ phiếu HSG đã nhanh chóng quay đầu điều chỉnh. Thống kê với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HSG giảm nhẹ 50 đồng/Cp (-0,54%) từ mức 9.300 đồng/Cp xuống 9.250 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị mua với cổ phiếu DRC với giá mục tiêu 27.180 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu DRC với giá mục tiêu 27.180 đồng/CP, upside 21.9% với 3 phương pháp P/E (20%), FCFE (40%) và FCFF (40%). Hiện nay, DRC đang được giao dịch với mức P/E = 18.51x, thấp hơn so với trung bình ngành săm lốp khu vực hiện nay (21.0x). 

Trái với kỳ vọng của BSC, diễn biến cổ phiếu DRC trong những phiên cuối tuần thiếu tích cực, đã lấy đi toàn bộ thành quả có được trong những phiên trước đó. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRC tăng nhẹ 50 đồng/Cp (+0,22%) từ mức 22.300 đồng/Cp lên 22.350 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu đưa ra là 27.180 đồng/CP, giá hiện tại của DRC còn thấp hơn 17,77%.

* BSC khuyến nghị theo dõi với cổ phiếu MSN

Năm 2019, MSN đặt kế hoạch với 2 kịch bản tăng trưởng, trong đó kịch bản thận trọng: doanh thu đạt 45.000 tỷ (tăng trưởng 18%), lợi nhuận sau thuế 5.000 tỷ (tăng trưởng 44%), tương đương EPS 2019 = 4.639 đồng/cp, P/E FW = 17.86x; kịch bản khả quan: doanh thu đạt 50.000 tỷ (tăng 31%), lợi nhuận sau thuế 5.500 tỷ (tăng 58%), tương đương EPS 2019 = 5.052 đồng/cp, P/E FW = 16.23x.

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu MSN. Giá đóng cửa ngày 5/3/2019 là 89.500 VND/cp - P/E TTM = 21.2x - P/B TTM = 3.1x (P/E median ngành châu Á = 31.54x).

Tuần đầu tiên của tháng 3 không có thêm thông tin hỗ trợ và cổ phiếu MSN tiếp tục có những phiên giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu. Thống kê với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 7/3, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN tăng nhẹ 800 đồng/Cp (+0,9%) từ mức 89.000 đồng/Cp lên 89.800 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị mua với cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 24.800 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 24.800 đồng, tăng 17,5% (đã bao gồm phần cổ tức) so với mức giá ngày 01/02/2019 là 21.100 đồng dựa trên phương pháp PE (với PE mục tiêu là 11.5x lần) .

Mặc dù được dự báo kết quả kinh doanh năm 2019 tăng trưởng mạnh với lợi nhuận dự kiến đạt 1.091 tỷ đồng, tăng tới gần 90% so với năm trước, nhưng diễn biến cổ phiếu PVS tuần qua không được như mong đợi. Thống kê với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS chỉ tăng nhẹ 200 đồng/Cp (+0,95%) từ mức 21.100 đồng/Cp lên 21.300 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 24.800 đồng/CP, giá hiện tại của PVS còn thấp hơn 14,11%.

* Theo KIS, giá mục tiêu của MWG là 104.600 đồng/CP

Sử dụng phương pháp định giá tổng hợp từng phần, chúng tôi định giá cổ phiếu MWG là 104.600 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019. Tổng lợi nhuận kỳ vọng là 22% (bao gồm tỷ lệ cổ tức 1.7%) trong 1 năm, do đó chúng tôi duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng với MWG.

Với kỳ vọng vào sự thành công của Bách hóa xanh cũng như sự tăng trưởng ổn định từ chuỗi Điện máy xanh, KIS đã vẽ ra tương lai khá tươi sáng cho MWG. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu MWG tuần qua vẫn tiếp diễn trạng thái giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ. Thống kê với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 900 đồng/Cp (-1,03%) từ mức 87.500 đồng/Cp xuống 86.600 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu CII

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 31.500VND/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 35,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 0%.

VCSC đã phân tích tương lại khá tươi sáng cho CII khi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019 sẽ tăng tới 10,1 lần lên 956 tỷ đồng, nhờ định giá lại 2 khu đất thuộc dự án Riverpark và thu phí từ các dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội và Rạch Miếu Giai đoạn 2, tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu CII không được như kỳ vọng.

Thống kê với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CII chỉ tăng nhẹ 300 đồng/Cp (+1,29%) từ mức 23.250 đồng/Cp lên 23.550 đồng/Cp. So với mức giá kỳ vọng là 31.500 đồng/Cp, giá hiện tại của CII còn thấp hơn 25,24%.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục