Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Thị trường giảm tuần thứ 5 liên tiếp với thanh khoản cạn kiệt dần. Nhưng mức giảm của VN-Index không lớn, thậm chí HNX-Index còn tăng điểm. VN-Index giảm 7,79 điểm (-0,8%), xuống 909,72 điểm; HNX-Index tăng 1,81 điểm (+1,8%), lên 102,51 điểm. Các cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị trong tuần này không khác nhiều tuần trước, khi hầu hết giao dịch lình xình, tăng/giảm từ 1 đến hơn 2%. Nhưng điểm sáng lớn là CII, DGW.

BSC: Giá của CVT đã về vùng thấp của đầu năm 2017 với độ tin cậy cao

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Điều chỉnh ngắn hạn.

- Chỉ báo xu hướng MACD: Giảm dưới mức 0 và phân kỳ đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: Trong vùng quá mua

- Khối lượng giao dịch: tăng 100% so với thanh khoản bình quân 20 phiên

Nhận định: CVT gần như rơi tự ro khi thị trường chung giảm điểm mạnh và đã có một phiên đỡ cung vào hôm nay với khối lượng và giá tăng mạnh.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần đợi cổ phiếu này kiểm tra nền giá một lần nữa với những phiên khối lượng thấp dưới 200.000 cổ phiếu khớp lệnh và biên độ giao dịch trong ngày giảm xuống dưới 2,5%.

Hiện tại giá của CVT đã giảm về vùng thấp của đầu năm 2017 với độ tin cậy cao.

Trong tuần này, cổ phiếu CVT tăng tốt ngay phiên đầu tuần (5,1%), sau đó 2 phiên liên tiếp giảm, với 1 phiên giảm sàn (-1,8%; -6,8%), và hồi phục trở lại 2 phiên cuối (1,3%; 2,6%).

Thanh khoản khớp lệnh trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên. Phiên giảm sàn 11/7 có gần 600.000 đơn vị

Chốt tuần, CVT không đổi ở mức 23.500 đồng/cổ phiếu.

PHS khuyến nghị giữ đối với cổ phiếu PNJ

Tính riêng 5 tháng đầu năm, doanh thu PNJ ước tính đạt khoảng 6.489 tỷ đồng (+34,1%YoY) và đạt 46,1% kế hoạch cả năm, trong đó doanh thu từ bán lẻ đạt 4,763 tỷ đồng (+36%YoY), chiếm tỷ trọng 73% trong tổng doanh thu.

Lợi nhuận gộp 5 tháng đầu năm đạt hơn 1.149 tỷ đồng (biên lợi nhuận gộp 18%), góp phần đưa lợi nhuận trước thuế của công ty lên hơn 580 tỷ đồng.

Nhìn chung hoạt động kinh doanh của PNJ vẫn tương đối tích cực với doanh thu và LNST duy trì trạng thái năm nay cao hơn năm trước.

Đồng thời tiềm năng của ngành bán lẻ trang sức vẫn còn, trong khi PNJ vẫn chưa có đối thủ xứng tầm, cho thấy trong trung và dài hạn, PNJ vẫn còn khả năng tăng trưởng tích cực.

Bằng phương pháp DCF và P/E chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý cho PNJ trong thời điểm hiện tại sẽ vào khoảng 94.447 đồng/ cổ phiếu, tương đương với mức P/E dự phóng là 17x.

Từ đó chúng tôi đưa ra khuyến nghị GIỮ cho cổ phiếu này.

Trong tuần này, cổ phiếu PNJ có 2 phiên tăng (3,6%; 3,4%) và 3 phiên mất điểm (-4,6%; -3,5%; -0,4%).

Thanh khoản khớp lệnh trung bình từ hơn 100.000 đến đến 400.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, PNJ giảm từ 86.500 đồng xuống 85.000 đồng, tương đương -1,73%.

PHS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VSC

Định giá & khuyến nghị: Chúng tôi điều chỉnh mức giá mục tiêu của VSC từ 60.900 đồng trong báo cáo trước xuống còn 50.500 đồng, đồng thời đưa ra khuyến nghị mua đối với VSC khi cổ phiếu này đã có một đợt điều chỉnh kéo dài từ giữa năm trước cho tới nay.

Với mức giá mục tiêu trên, P/E forward của VSC là 10,6x lần – khá hợp lý với một doanh nghiệp tuy không còn tăng trưởng mạnh nhưng duy trì được sự ổn định trong hoạt động kinh doanh của mình.

Rủi ro: Cạnh tranh tới từ các đối thủ khi miếng bánh ngành cảng biển tương đối hấp dẫn. Rủi ro tập trung khi khách hàng lớn EverGreen chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu thu nhập của doanh nghiệp.

Các căng thẳng về địa chính trị trong thời gian qua có thể gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu - ảnh hưởng trực tiếp tới ngành cảng biển.

Trong tuần này, cổ phiếu VSC chỉ có 1 phiên tăng duy nhất ngày cuối tuần (3,2%), 4 phiên còn lại giảm (-1,5%; -0,2%; -2%; -1,6%).

Thanh khoản phiên thấp nhất có hơn 19.000 đơn vị, phiên cao nhất cũng chỉ có hơn 125.000 đơn vị.

Chốt tuần, VSC giảm nhẹ từ 33.000 đồng xuống 32.300 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,11%

FPTS: Trong tuần tới, TV2 được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá

TV2 - Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (HNX) Cổ phiếu TV2 đang thu hút được sự chú ý của dòng tiền tích cực trong 01 tuần giao dịch trở lại đây.

Chốt phiên giao dịch 06/7, TV2 tăng giá và tạm đóng cửa tại mốc giá 102.000 đồng.

Trên đồ thị tuần, cột khối lượng ghi nhận hơn 189 nghìn đơn vị cổ phiếu, tạm ngắt chiều giảm dần của khối lượng giao dịch kéo dài từ tuần 12/2018 cho đến nay.

Tín hiệu báo mua sớm cũng đã xuất hiện trên chỉ báo xung lượng RSI, đường giá trị có dấu hiệu phá vỡ chiều giảm xung lực tính từ phiên 19/3.

Trong tuần tới, TV2 được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá. Một “Breakout” của đường giá với kênh xu hướng giảm kéo dài từ phiên 19/3 cho đến nay sẽ là tín hiệu được chờ đợi để xác nhận sự đảo chiều của cổ phiếu này.

Trong tuần này, cổ phiếu TV2 phiên đầu tuần đứng tham chiếu, sau đó là 4 phiên tăng/giảm đan xen (-2%; 1,9%; -0,9%; 1%).

Thanh khoản khớp lệnh có phiên chỉ 3.700 đơn vị, phiên cao nhất hơn 25.000 đơn vị.

Chốt tuần, TV2 không đổi ở mức 102.000 đồng/cổ phiếu.

BSC: Chờ đợi những tín hiệu tiếp theo của cổ phiếu DGW

- Xu hướng hiện tại: Điều chỉnh ngắn hạn.

- Chỉ báo xu hướng MACD: Giảm dưới mức 0 và phân kỳ với đường Signal.

- Chỉ báo RSI: Tiếp cận quá mua.

- Khối lượng giao dịch tăng 200% so với trung bình 20 phiên giao dịch.

Nhận định: Sau khi tạo đỉnh phiên 11/6 tại giá 29.700 đồng, DGW đã bị gãy kênh xu hướng và điều chỉnh mạnh cùng thị trường chung xuống đáy gần nhất tại giá 20.000 đồng.

Đã có lực cầu tham gia mua cổ phiếu này khiến khối lượng giao dịch và giá tăng mạnh.

Tuy nhiên cổ phiếu này cần thêm thời gian để kiểm tra nguồn cung cổ phiếu trên thị trường và siết chặt về biên độ giao dịch cũng như khối lượng. Nhà đầu tư cần chờ đợi những tín hiệu tiếp theo của cổ phiếu này.

Trong tuần này, cổ phiếu DGW có phiên đầu tuần nổi sóng sau 2 phiên liên tiếp cuối tuần trước giảm sàn, khi tăng kịch trần (7%), và tăng tiếp 5,1% phiên tiếp theo, trước khi hụt hơi trong 2 phiên sau, với 1 phiên đứng tham chiếu (-4,4%; 0%), và phục hồi trong ngày cuối tuần (1,4%).

Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 200.000 đơn vị/phiên. 2 phiên tăng mạnh thanh khoản vượt trội với hơn nửa triệu đơn vị và gần 1 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, DGW tăng từ 20.000 đồng lên 21.800 đồng, tương đương +9%.

VCSC khuyến nghị MUA dành cho DXG

UBND TP.HCM vừa có công văn đề nghị các cơ quan, sở, ngành liên quan làm rõ thông tin về việc CTCP Kim Khí TP.HCM (một doanh nghiệp quốc doanh) chuyển nhượng đất dự án LuxGarden cho CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) sau khi báo chí phản ánh việc mua bán này có dấu hiệu sai phạm chuyển nhượng đất công không thông qua đấu giá.

Trong quý I/2016, DXG đã nhận chuyển nhượng lại khu đất diện tích 1ha này với giá 102 tỷ đồng và sau đó triển khai trong Quý 2/2017.

DXG cho biết trước khi mở bán LuxGarden, dự án hoàn toàn tuân thủ các quy định pháp luật sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý như có công văn chấp thuận nhận chuyển nhượng đất, quy hoạch tổng thể cũng như giấy phép xây dựng.

Vì vậy, ban lãnh đạo cho rằng việc bàn giao tại LuxGarden sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể (hiện đã bán 100%), dự kiến sẽ tiến hành trong quý III và IV/2018, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 2018 đạt 42%.

Tuy nhiên, chúng tôi có thấy rủi ro tiềm ẩn về các thủ tục pháp lý có thể kéo dài hơn so với kế hoạch khiến việc mở bán các dự án nhà ở trọng điểm sắp tới bị lùi lại như Gem Premium và Opal City trong năm 2019 (tổng cộng 7.000 căn) sau khi nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận như trên.

Tin tức này có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư đối với cổ phiếu DXG trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, về cơ bản chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của công ty nhờ vị thế dẫn đầu thị trường dịch vụ môi giới và tình hình khả quan của thị trường BĐS hiện nay.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị MUA dành cho DXG với tổng mức sinh lời 45%. Tại mức giá đóng cửa ngày 5/7, DXG hiện đang giao dịch tại mức định giá hấp dẫn P/E 2018 là 7,9 lần và P/B 1,6 lần. (Báo cáo ngày 5/7 của VCSC)

Trong tuần này, cổ phiếu DXG giảm 3 phiên liên tiếp từ đầu tuần (-5%; -6,6%; -4,7%), và phục hồi trong 2 phiên còn lại (5%; 5,9%).

Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 3 triệu đến hơn 6 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, DXG giảm từ 23.800 đồng xuống 22.350 đồng/cổ phiếu, tương đương -6,09%.

FPTS khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu VGT

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/08/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ được chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý và thực hiện thoái vốn Nhà nước trong năm 2018.

Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá việc thoái vốn khó có khả năng được thực hiện trong năm 2018. Tính tới thời điểm hiện tại, VGT đang trong giai đoạn đánh giá giá trị doanh nghiệp lần 2 trước khi bàn giao cho SCIC để thực hiện thoái vốn.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng Vinatex không thuộc danh sách các doanh nghiệp bắt buộc thoái vốn theo Quyết định 58/2016/QĐ-Ttg và cũng chưa có thông tin cụ thể về số vốn dự kiến sẽ thoái cũng như giá bán.

Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu VGT với những yếu tố.

- Tiến trình thoái vốn nhà nước.

- Hiệu quả của các công ty con và các dự án đầu tư mới.

- Chi phí lao động tăng cao.

- Biến động giá nguyên vật liệu.

Trong tuần này, cổ phiếu VGT có phiên giảm đầu tuần (-2,3%), sau đó là 3 phiên tăng (1,2%; 1,2%; 3,4%), và đứng tham chiếu ngày cuối tuần.

Thanh khoản khớp lệnh trung bình từ hơn 170.000 đến gần 400.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VGT giảm nhẹ từ 9.100 đồng xuống 9.000 đồng/cổ phiếu.

BSC: CII đang có tín hiệu khá tích cực

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Hồi phục ngắn hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Dưới mức 0

- Chỉ báo RSI: Hồi phục lên trung tính

- Khối lượng giao dịch tăng 130% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: CII đang có tín hiệu khá tích cực khi xuất hiện phiên vượt qua MA20 với giá và khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Tuy nhiên, biến động giá của cổ phiếu này vẫn còn lớn vào những phiên trước cho thấy chưa có sự ổn định trước phiên hôm nay.

Do đó, nhiều khả năng đây chỉ là sự hồi phục kỹ thuật của CII, và cổ phiếu cần thêm thời gian để ổn định cung cầu, xác nhận vùng đáy trên ngưỡng 25.000 đồng.

Trong tuần này, cổ phiếu CII đứng tham chiếu phiên đầu tuần, và sau đó là có 4 phiên tăng/giảm đan xen (4,9%; -0,8%; 6,6%; -1,8%).

Thanh khoản khớp lệnh trung bình từ hơn 1 triệu đến 2,6 triệu đơn vị.

Chốt tuần, CII tăng từ 25.400 đồng lên 27.700 đồng/cổ phiếu, tương đương +9,05%.

VCSC khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho PVS với giá mục tiêu 16.400 đồng

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) đã công bố KQKD sơ bộ 6 tháng đầu năm 2018, với doanh thu giảm 12,8% so với cùng kỳ (YoY) đạt 6,7 nghìn tỷ đồng và LNTT giảm 39,9% YoY đạt 340 tỷ đồng.

Doanh thu và LNTT 6 tháng 2018 hoàn thành 62,6% và 47,1% dự báo lần lượt cho cả năm 2018 của chúng tôi. Kết quả này tương ứng LNTT khá thấp trong quý II/2018 chỉ đạt 43 tỷ đồng (giảm 90% so với cùng kỳ)

Mức giảm trong LN ròng 6 tháng 2018 có thể đến từ:

1) Lỗ từ mảng Khảo sát Địa chấn do tàu khảo sát 2D, 3D hầu như không có việc.

2) Giá thuê ngày thấp hơn của mảng kho nổi (FPSO/FSO), ví dụ như của FPSO Lam Sơn và FSO Biển Đông.

Dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt đã không đóng góp đáng kể trong 6 tháng 2018, nhưng sẽ có mức đóng góp đáng kể trong nửa cuối năm 2018. Do đó, các kết quả này phần lớn phù hợp với dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho PVS với giá mục tiêu 16.400 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời 6,9% bao gồm lợi suất cổ tức 4,4%).

PVS hiện đang giao dịch với P/E và P/B dự phóng 2018 lần lượt là 13,0 lần và 0,6 lần. (Báo cáo ngày 9/7).

Trong tuần này, cổ phiếu PVS có 2 phiên tăng ngày đầu tuần và cuối tuần (0,6%; 1,3%), 3 phiên còn lại giảm (-0,6%; -2,5%; -0,6%).

Thanh khoản khớp lệnh từ 1,5 triệu đến 2,3 triệu đơn vị. Riêng phiên đầu tuần đột biến khi có 5,1 triệu cổ phiếu được sang tay.

Chốt tuần, PVS giảm từ 15.900 đồng xuống 15.600 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,88%.

BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VHC trong thời gian tới

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Hồi phục ngắn hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Dưới mức 0

- Chỉ báo RSI: Trung tính

- Khối lượng giao dịch tăng 150% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: VHC đã hồi phục hình chữ V sau khi gãy giảm mạnh cùng thị trường chung vào cuối tháng 4.

Hiện tại, giá cổ phiếu VHC đang vận động ở trong vùng 56.000-57.000 đồng, dưới ngưỡng kháng cự mạnh là đường xu hướng từ đỉnh xuống và 3 đỉnh cũ từ đầu năm 2017 đến nay.

Nếu VHC tiếp tục giữ được kênh giá 56.000-57.000 đồng này, nhiều khả năng cổ phiếu này sẽ có sự bứt phá sớm sau khi thị trường kết thúc chu kỳ giảm trung hạn. BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu này trong thời gian tới.

Trong tuần này, cổ phiếu VHC giảm 2 phiên liên tiếp từ đầu tuần (-0,2%; -2,3%), và phục hồi trong cả 3 phiên còn lại (2,3%; 3,2%; 0,9%).

Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 100.000 đơn vị, phiên cao nhất có hơn 280.000 đơn vị.

Chốt tuần, VHC tăng từ 57.100 đồng lên 59.300 đồng/cổ phiếu, tương đương +3,85%

VCSC: SJD chia cổ tức bằng tiền đều đặn với tỷ lệ cổ tức cao

SJD sở hữu những nhà máy thủy điện có máy móc thiết bị tốt, suất đầu tư thấp và công ty cũng trả cổ tức tiền mặt đều đặn với tỷ lệ cổ tức cao.

Với mức giá đóng cửa ngày 09/7/2018 là 25.300 đồng/cổ phiếu, hệ số P/E trượt của SJD là 9,7 lần cao hơn so với mức P/E trung bình của các công ty thủy điện là 8,4 lần.

Chúng tôi cũng lưu ý thêm về việc sản lượng điện thương phẩm có thể sụt giảm trong năm 2018 và 2019 do hiện tượng La Nina đã kết thúc và hiện tượng El Nino có thể sẽ quay trở lại vào đầu năm tới.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư dài hạn cần lưu ý về việc Nhà máy thủy điện Cần Đơn sẽ được bàn giao cho nhà nước kể từ 2029.

Trong tuần này, cổ phiếu SJD có 3 phiên tăng (0,8%; 2%; 0,4%), cùng 1 phiên giảm (-0,4%), và 1 phiên đứng tham chiếu cuối tuần.

Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 23.000 đến hơn 74.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, SJD tăng từ 25.100 đồng lên 25.800 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,78%.

VCSC khuyến nghị giá mục tiêu 35.600 đồng cho PC1

Theo thông tin từ CTCP Xây lắp điện 1 (PC1), doanh thu 6 tháng 2018 dự kiến sẽ tăng 66,5% YoY đạt 2,3 nghìn tỷ đồng do công ty ước tính ghi nhận doanh thu từ BĐS 600 tỷ đồng, so với không có đóng góp từ mảng này trong 6 tháng 2017, trong khi doanh thu mảng Xây lắp điện sẽ đi ngang.

Do đó, PC1 kỳ vọng LNST 6 tháng 2018 sẽ tăng 81,3% đạt 223 tỷ đồng, tương ứng với 50,9% dự báo 2018 của chúng tôi.

Trong quý 2/2018, PC1 công bố hai hợp đồng EPC mới cho hai nhà máy điện mặt trời trị giá 25 triệu USD trong khi công ty ghi nhận lượng backlog (hợp đồng đã ký và chưa thực hiện) đạt 110 triệu USD vào cuối quý I/2018.

Con số này cho thấy backlog trong 6 tháng có thể tăng 36% YoY.

Danh mục dự án dồi dào củng cố cho dự phóng doanh thu 2018 của chúng tôi, với sự phục hồi 35% trong các mảng xây lắp điện từ mức cơ sở thấp 2017.

Ngoài ra, PC1 cũng công bố sẽ chia cổ tức cổ phiếu với tỷ lệ 100:15 của năm 2017, sẽ thực hiện trong quý 3/2018, nhưng chưa có thời gian thực hiện cụ thể.

Theo giá đóng cửa ngày 10/7, PC1 hiện đang giao dịch với P/E 9,1 lần dự phóng năm 2018, trong khi chúng tôi hiện đang khuyến nghị mgiá mục tiêu 35.600 đồng cho PC1, tương ứng với tổng mức sinh lời 8,2%.

Trong tuần này, cổ phiếu PC1 có 2 phiên tăng (1,2%; 1,3%) và xen giữa là 2 phiên giảm -0,6%; -4%), và đứng tham chiếu phiên cuối tuần.

Thanh khoản khớp lệnh có phiên chỉ có 3.000 đơn vị, phiên cao nhất hơn 87.000 đơn vị.

Chốt tuần, PC1 giảm từ 32.700 đồng xuống 32.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,14%.

VCSC: giá mục tiêu cho PLX là 68.100 đồng/cổ phiếu

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) vừa cho biết trong giai đoạn 2018-2023 sẽ có kế hoạch đầu tư 34.100 tỷ đồng vào 7 dự án lớn (xem bảng dưới đây).

Đáng chú ý, chúng tôi không thấy có dự án nào liên quan đến dịch vụ tiện ích phi xăng dầu tại cây xăng trong danh mục này, trong khi công ty dự kiến sẽ đầu tư vào một nhà máy lọc dầu của đối tác chiến lực JXTG tại Nhật Bản.

Công ty cũng đã trình Bộ Công Thương kế hoạch huy động vốn theo đó cổ phần nhà nước sẽ bị pha loãng. Quy trình thoái vốn sẽ được chia làm 2 giai đoạn:

(1) Huy động vốn thêm 44,7%, vốn điều lệ mới là 16.772 tỷ đồng. Cổ phần của nhà nước theo đó sẽ giảm từ 75% xuống 58,5%.

(2) Chính phủ sẽ bán tiếp 7,5% cổ phần, qua đó giảm cổ phần xuống 51%. Giá phát hành sẽ căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm phát hành theo tiêu chí mức giá bán sẽ không thấp hơn giá định giá của tổ chức có chức năng cung cấp xác định giá trị doanh nghiệp và giá đóng cửa phiên giao dịch liền kề trên HOSE.

Trong khi chúng tôi nhận thấy các dự án LNG trên chỉ cần trong dài hạn (sau 2022), chúng tôi cần thêm thông tin về kế hoạch đầu tư vào nhà máy lọc dầu của Nhật Bản để có nhận định phù hợp.

Do đó, chúng tôi hiện giữ thái độ trung lập cho đến khi có thêm những diễn biến mới về kế hoạch này.

Hiện chúng tôi đưa ra giá mục tiêu 68.100 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời 29,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,5%). PLX hiện đang giao dịch tại mức P/E 2018 là 16,5 lần và P/B là 3 lần.

Trong tuần này, cổ phiếu PLX có 2 phiên tăng ngày đầu tuần và cuối tuần (1,1%; 0,9%), và 2 phiên giảm (-1,8%; -0,9%), cùng 1 phiên đứng tham chiếu.

Thanh khoản khớp lệnh từ 140.000 đến hơn 400.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, PLX giảm nhẹ từ 54.400 đồng xuống 54.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -0,73%.

 VCSC: Sự xuất hiện của Bamboo Airways sẽ là yếu tố ảnh hưởng kém tích cực cho HVN và VJC

Sau thương vụ mua 20 máy bay Boeing và 24 máy bay Airbus gần đây, Hãng hàng không Bamboo Airways (BA) đã nhận được giấy phép thành lập hãng hàng không từ Bộ Giao thông Vận tải.

Chúng tôi lưu ý rằng BA hiện chưa nhận được phê duyệt vận hành bay thực tế, khi chưa nhận được Giấy phép kinh doanh vận chuyển Hàng không (AOC).

Để nhận được AOC, BA cần phải có kế hoạch kinh doanh khả thi, đội bay và các nhân viên liên quan, cũng như suất bay, vốn hiện đang khá ít ỏi tại các sân bay do hạn chế công suất.

Quan điểm ban đầu của chúng tôi về tác động từ sự xuất hiện của BA đối với ngành hàng không Việt Nam là:

Các resort của FLC nằm gần các sân bay Thọ Xuân (THD), Phù Cát (UIH) và Đồng Hới (VHD), đều là các sân bay nội địa. Khi các sân bay này chưa thể tiếp nhận các chuyến bay quốc tế, FLC sẽ cần vận hành các chuyến bay gián tiếp để kết nối hành khách quốc tế với các resort này.

Trong khi BA cho biết đã có chiến lược kết nối khách du lịch đến các resort của công ty, chúng tôi cho rằng BA sẽ cạnh tranh trực tiếp với HVN và VJC ở các tuyến bay khác.

Chúng tôi kỳ vọng chi phí ban đầu của BA sẽ cao hơn do VJC và HVN do:

- Ở thời điểm ban đầu, BA sẽ không có quy mô đủ lớn để cạnh tranh về giá trong bối cảnh BA sẽ khai thác 10-20 máy bay trong giai đoạn 2018-2020, và 40 máy bay đến năm 2025. Trái ngược, VJC hiện đang có đội bay gồm 54 máy bay và sẽ có 140 máy bay vào năm 2025.

Trong khi HVN hiện đang có 94 máy bay trong đội bay và 117 máy bay vào năm 2020. Dù vậy, chúng tôi kỳ vọng BA sẽ cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và sự tích hợp với các resort của FLC.

- Trung bình, chi phí thuê hoạt động cho 10 máy bay A321 của BA sẽ có khả năng cao hơn chi phí thuê hoạt động trung bình cho các máy bay của VJC, khi VJC đã có mối quan hệ với bên cho thuê, đã hoạt động trong thời gian dài và hưởng lợi từ lãi SALB (Hoạt động bán và thuê lại).

- Chi phí nhân công của BA cũng có thể sẽ cao hơn cho chi phí xây dựng ban đầu cao cho đội ngũ đạt tiêu chuẩn.

Nhìn chung, chúng tôi cho rằng sự xuất hiện của BA sẽ là yếu tố ảnh hưởng kém tích cực cho HVN và VJC khi BA sẽ tạo ra áp lực về giá và làm giảm biên lợi nhuận các công ty trong ngành.

Dù là một hãng hàng không FSC, BA có thể thực hiện các chương trình khuyến mãi và giảm giá vé trên các tuyến bay tương tự của HVN và VJC.

Trong tuần này, cổ phiếu VJC có 2 phiên tăng (2,3%; 0,5%), và 3 phiên giảm (-1,8%; -2,1%; -0,2%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 350.000 đến 700.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VJC giảm từ 132.900 đồng xuống 131.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,42%.

Cổ phiếu HVN tuần này có 2 phiên tăng đầu tuần và cuối tuần (2,4%; 2,7%), 2 phiên giảm (-1,3%; -0,3%), cùng 1 phiên đứng tham chiếu. Thanh khoản khớp lệnh từ 71.000 đến gần 200.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, HVN tăng từ 30.000 đồng lên 30.600 đồng/cổ phiếu, tương đương +2%.

BSC: Quan sát thêm VCB chờ dấu hiệu xác nhận đáy

Điểm nhấn kỹ thuật:

 - Xu hướng hiện tại: Giảm trung hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Dưới mức 0

- Chỉ báo RSI: Trung tính

- Khối lượng giao dịch giảm 42% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: VCB sau khi hồi phục hình chữ V từ cuối thấng 5 đã giảm mạnh cùng với thị trường chung dù đây là cổ phiếu mạnh.

Trong giai đoạn tháng 6, phần lớn các cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhưng VCB vẫn giữ được nền gí 55.000-60.000 đồng và chỉ mới giảm từ đầu tháng 7.

VCB tạo gap tại phiên 11/7 và không lấp được gap vào phiên hôm nay, thanh khoản không cải thiện cho thấy lực cầu yếu. BSC khuyến nghị nhà đầu tư quan sát thêm VCB chờ dấu hiệu xác nhận đáy

Trong tuần này, cổ phiếu VCB có 3 phiên giảm liên tiếp từ đầu tuần (-1,8%; -1,7%; -3,6%), sau đó phục hồi trong 2 phiên còn lại (2,3%; 4,6%).

Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 1,5 triệu đơn vị/phiên, riêng phiên ngày 11/7 có hơn 3,3 triệu đơn vị.

Chốt tuần, VCB giảm nhẹ từ 55.000 đồng xuống 54.800 đồng/cổ phiếu, tương đương -0,36%.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục