BSC: GEX đã tạo đáy và hình thành vùng tích lũy ngắn hạn tại nền giá 32.000 đồng
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Tích lũy ngắn hạn.
- Chỉ báo xu hướng MACD: Tiếp cận mức 0 và nằm trên đường tín hiệu
- Chỉ báo RSI: Hồi phục về trung lập
- Khối lượng giao dịch: tăng 300% so thanh khoản bình quân 20 phiên
Nhận định: GEX sau khi giảm sâu cùng thị trường đã tạo đáy và hình thành vùng tích lũy ngắn hạn tại nền giá 32.000 đồng.
Phiên cuối tuần qua chứng kiến GEX tăng mạnh cả về giá và khối lượng vượt qua đường xu hướng giảm và MA20 tại vùng giá 33.000 đồng.
Đây là tín hiệu rất tích cực trong khi thị trường chung chưa có hỗ trợ về thông tin cũng như thanh khoản.
Tuy nhiên, GEX cần thêm thời gian tích lũy trong biên độ hẹp quanh giá 34.000 đồng để tạo đà cho xu hướng mới do có ngưỡng kháng cự vùng 35.000 đồng cũng như SMA50 ở phía trên khá mạnh cần nỗ lực cao hơn để vượt thoát.
Trong tuần này, cổ phiếu GEX chỉ có 2 phiên tăng (1%; 3,3%), cùng 3 phiên giảm (-4,5%; -4,5%; -3,2%). Thanh khoản khớp lệnh từ 140.000 đến hơn nửa triệu đơn vị phiên.
Chốt tuần, GEX giảm từ 33.600 đồng xuống 31.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -7,73%.
VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường cho VIC
CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) tiếp tục củng cố vị thế là chủ đầu tư BĐS hàng đầu Việt Nam với việc công bố tham gia vào phân khúc nhà ở giá rẻ (nhà ở xã hội) với thương hiệu “Happy Town”.
Với mức giá khởi điểm 200 triệu đồng/căn, VIC không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà mong muốn chung tay cùng xã hội giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá rẻ tại Việt Nam.
Cho dòng sản phẩm mới, VIC tập trung nhắm vào các khách hàng thu nhập thấp chủ yếu tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước, ngoại trừ Hà Nội và TP. HCM.
Giai đoạn triển khai ban đầu sẽ được thực hiện tại Bắc Ninh, Bình Dương và Đồng Nai với diện tích tối thiểu 30 m2/căn hộ.
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho VIC với tổng mức sinh lời 8,8%. Theo giá đóng cửa hôm nay, VIC hiện đang giao dịch với P/E 52,9 lần và P/B 8,6 lần cho dự phóng 2018.
Trong tuần này, cổ phiếu VIC mở đầu tuần mới bằng 2 phiên giảm, trong đó phiên thứ Ba giảm sàn (-0,3%; -7%).
Sau đó, mã này phục hồi 2 phiên liên tiếp sau đó (5,3%; 1,4%), trước khi giảm (-0,3%) trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh từ 1 triệu đến hơn 3,2 triệu đơn vị/phiên.
Chốt tuần, VIC giảm từ 107.500 đồng xuống 106.200 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,2%.
KIS khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu VGC
Dự án nhà máy sản xuất kính siêu trắng Phú Mỹ với công suất 600 tấn/ngày khi hoàn thành và đưa vào sản xuất từ quý II/2019 sẽ giúp VGC dẫn đầu trong ngành sản xuất kính siêu trắng tại Việt Nam.
- Nhà máy sứ Mỹ Xuân với công suất 750k sản phẩm/năm được đi vào hoạt động từ quý III/2018 sẽ giúp VGC nâng cao thị phần. Trong năm 2019, VGC dự kiến sẽ khởi công xây dựng nhà máy sứ Phú Hà với công suất 1 triệu sản phẩm/năm.
- Là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất miền Bắc với quỹ đất 3.133 ha cho các dự án khu công nghiệp và 193,5 ha cho các dự án nhà ở, khu đô thị, văn phòng.
- Bộ xây dựng sẽ thoái vốn về mức 36% trong năm 2018 và 0% trong năm 2019. Doanh thu và LNST trong năm 2017 của VGC đạt 9.197 tỷ đồng (+13%nn) và 722 tỷ đồng (+16%nn) tương ứng.
Trong 2018, chúng tôi ước tính doanh thu và LNST của VGC có thể đạt 9.975 tỷ đồng (+8,5%nn) và 780 tỷ đồng (+7,8%nn) tương ứng.
Chúng tôi định giá VGC ở mức 21.100 đồng/cổ phiếu cuối 2018. Tổng mức lợi nhuận kỳ vọng đạt 2% so với giá thị trường là 21.500 đồng. Khuyến nghị TRUNG LẬP.
Trong tuần này, cổ phiếu VGC tăng trong 2 phiên kể từ đầu tuần (0,5%; 1%), sau đó 2 phiên liên tiếp giảm, trong đó 1 phiên giảm sàn (-1,9%; -9,8%), và đứng tham chiếu ngày cuối tuần.
Thanh khoản khớp lệnh phiên thấp nhất hơn 2,3 triệu đơn vị, phiên cao nhất hơn 4,6 triệu đơn vị.
Chốt tuần này, VGC giảm từ 20.600 đồng xuống 18.500 đồng/cổ phiếu, tương đương -10,19%.
BVSC: STK là cổ phiếu phù hợp cho danh mục đầu tư giá trị
Với quan điểm thận trọng, chúng tôi giữ nguyên dự báo LNST cả năm 2018 là 124 tỷ đồng, +24% yoy.
EPS forward 2018 cơ bản là 2.064 đồng/cổ phiếu và EPS pha loãng nếu phát hành thành công là 1.764 đồng/cổ phiếu.
Tại mức giá ngày 29/6/2018, cổ phiếu STK đang được giao dịch với P/E forward ~7,03x.
Tình hình tài chính cải thiện đáng kể và kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ củng cố cho triển vọng tích cực của công ty trong ngắn hạn.
Về trung và dài hạn, các dự án sợi màu, sợi chập, sợi recycle để hướng đến thời trang xanh sẽ góp phần xây dựng nền tảng vững chắc và tạo ra giá trị gia tăng cho công ty.
Chúng tôi cho rằng STK là cổ phiếu phù hợp cho danh mục đầu tư giá trị với những lợi thế cạnh tranh nổi trội: Đứng thứ 2 về thị phần sợi dài polyester, nhà máy được đầu tư bài bản, sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, đã khẳng định được vị thế, thương hiệu đối với khách hàng.
Tuy nhiên thanh khoản giao dịch thấp, rủi ro biến động giá nguyên liệu nhập khẩu và áp lực pha loãng cổ phiếu là yếu tố đáng lưu ý.
Trong tuần này, cổ phiếu STK có 2 phiên tăng (1,4%; 3,1%), 2 phiên giảm (-1,4%; -0,3%), cùng 1 phiên đứng tham chiếu. Thanh khoản khớp lệnh chỉ trung bình hơn 15.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, STK tăng từ 14.550 đồng lên 14.950 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,75%.
BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với GTN
BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với GTN và đề ra mức giá mục tiêu 11.300 đồng/cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Chúng tôi muốn nhấn mạnh một số điểm nhấn đầu tư chính như sau:
- BVSC đánh giá cao chiến lược chuyển hướng tập trung vào nông nghiệp và hàng tiêu dùng có thương hiệu tại Việt Nam.
Đây là những ngành còn dư địa tăng trưởng rất lớn xét trên quy mô dân số lớn thứ 14 thế giới, dân số trẻ và thu nhập bình quân ngày càng tăng khiến cho đời sống và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trở nên đa dạng, có chiều sâu và chất lượng được quan tâm hơn bao giờ hết.
- Vinatea là doanh nghiệp chè lớn nhất Việt Nam, sở hữu diện tích đất nông nghiệp trồng chè rộng lớn.
Chúng tôi cho rằng những nỗ lực của GTN trong việc cải thiện chất lượng chè xuất khẩu của Vinatea và song song đó phát triển thị trường nội địa sẽ giúp Vinatea tăng trưởng bình quân 20% về lợi nhuận trong giai đoạn 2018 – 2023.
- Sữa Mộc Châu là tài sản giá trị nhất của GTN và là thương hiệu sữa rất quen thuộc với người tiêu dùng ở miền Bắc.
Việc đạt được gần 5% thị phần sữa uống trong khi chưa đầu tư đáng kể cho hệ thống phân phối và thương hiệu chứng tỏ được dư địa phát triển của Sữa Mộc Châu nếu được tái cơ cấu một cách bài bản – đây là điều mà GTN đang nỗ lực làm.
- Dự báo lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi tăng trưởng 48% so với tổng lợi nhuận năm 2017 và tăng ở mức bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2018 – 2023.
- Việc thanh lý các công ty con, con ty liên kết trái ngành có thể mang lại thêm 110 tỷ đồng lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ trong năm 2018. Qua đó tổng lợi nhuận năm nay có thể tăng đến 319% yoy.
- Lượng tiền mặt thu về từ thanh lý tài sản có thể được dùng để tăng thêm sở hữu tại Vilico và trả cổ tức, qua đó cải thiện giá trị của cổ phiếu GTN.
Trong tuần này, cổ phiếu GTN có 1 phiên tăng duy nhất ngày cuối tuần (4,7%), 1 phiên đứng tham chiếu ngày 4/7, 3 phiên còn lại mất điểm (-3,%; -2,6%; -1,4%).
Thanh khoản khớp lệnh trung bình từ hơn 150.000 đến 450.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, GTN giảm từ 9.100 đồng xuống 8.880 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,41%.
BSC: Nhiều khả năng SSI tiếp tục điều chỉnh xuống nền giá thấp hơn
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Điều chỉnh ngắn hạn.
- Chỉ báo xu hướng MACD: Giảm dưới mức 0
- Chỉ báo RSI: Tiếp cận quá bán
- Khối lượng giao dịch: tăng 60% so với thanh khoản bình quân 20 phiên
Nhận định: SSI sau khi hồi phục hình chữ V vào cuối tháng 5 đã tiếp tục điều chỉnh mạnh gãy khỏi các MA trung hạn gồm SMA150 và SMA200.
Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến SSI kiểm tra thành công đáy cũ 27.500 đồng, là đáy của đợt điều chỉnh trước đây với thanh khoản tăng mạnh thể hiện lực cầu vào bắt đáy tốt.
Tuy nhiên cổ phiếu này cần thêm những phiên xác nhận đáy bằng các cây nến lấp khoảng trống đã tạo ra trong những phiên gãy vào tuần trước.
Nếu không thể lấp được khoảng trống, nhiều khả năng SSI tiếp tục điều chỉnh xuống nền giá thấp hơn.
Trong tuần này, cổ phiếu SSI có 2 phiên tăng (5,6%; 6,5%), và 3 phiên giảm (-3,5%; -6,2%; -1,5%). Thanh khoản khớp lệnh phiên thấp nhất hơn 3 triệu đơn vị, phiên cao nhất hơn 7,5 triệu đơn vị.
Chốt tuần, SSI tăng nhẹ từ 28.500 đồng lên 28.600 đồng/cổ phiếu, tương đương +0,35%.
MBS khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu VCS
Chúng tôi khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu VCS của CTCP Vicosttone với giá mục tiêu 94.700 đồng, cao hơn 12% so với mức giá 84.500 ngày 02/07/2018.
Mức giá mục tiêu tương đương P/E forward 12,4 lần, khá phù hợp với P/E bình quân trong lịch sử trong 3 năm trở lại đây.
Là một trong những nhà sản xuất đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh hàng đầu thế giới với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng và sức cạnh tranh tốt, chúng tôi cho rằng VCS xứng đáng là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.
Trong tuần này, cổ phiếu VCS tăng trong 2 phiên liên tiếp từ đầu tuần (7,9%; 0,9%), sau đó 3 phiên còn lại đều giảm (-0,4%; -1,2%; -1,1%).
Thanh khoản khớp lệnh trồi sụt, khi phiên thấp nhất hơn 80.000 đơn vị, phiên cao nhất gần 360.000 đơn vị.
Chốt tuần này, VCS tăng từ 78.300 đồng lên 83.100 đồng, tương đương +6,13%.
MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu HDG
Cho năm 2018, chúng tôi dự phóng doanh thu và LNST của Hà Đô đạt tương ứng 4.300 tỷ đồng và 734 tỷ đồng. EPS sau pha loãng 2018 dự kiến 7.732 đồng.
Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô với giá mục tiêu 61.400 đồng theo phương pháp NAV.
Với vị thế là 1 trong 10 chủ đầu tư bất động sản uy tín đi kèm với sức khỏe tài chính lành mạnh, chúng tôi cho rằng HDG xứng đáng là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư trong trung và dài hạn.
Trong tuần này, cổ phiếu HDG có 2 phiên tăng ngày đầu tuần và cuối tuần (1,4%; 1,3%), 3 phiên xen giữa giảm (-2,3%; -0,6%; -1,6%). Thanh khoản khớp lệnh từ 23.000 đến 160.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, HDG giảm từ 34.500 đồng xuống 33.900 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,73%.
VCSC khuyến nghị MUA cổ phiếu NT2
Cổ đông đã chính thức thông qua việc dùng lợi nhuận giữ lại giai đoạn 2007-2015 để trả cổ tức 2.792 đồng/cổ phiếu, lợi suất cổ tức 9,6%, qua đó hỗ trợ công ty mẹ Tổng Công ty Điệc lực Dầu Khí Việt Nam (POW) hoàn tất quá trình quyết toán cổ phần hóa.
Trao đổi với công ty, chúng tôi kỳ vọng ngày chốt quyền sẽ trong tháng 07/2018.
Ngoài ra, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) cũng công bố tạm ứng cổ tức 1.500 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 5,2%) cho năm 2018 trong khi chúng tôi hiện dự báo cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2018 sẽ là 3.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 10,3%).
Ngày trả cổ tức vẫn chưa được công bố, nhưng chúng tôi cho rằng ngày đăng chốt quyền sẽ trong tháng 09- 10/2018.
P/E thường xuyên 2018 là 8,8 lần, cực kì hấp dẫn so với lợi suất cổ tức dự phóng đạt 19,9% trong 12 sắp tới.
Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị MUA với tổng mức sinh lời 50,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 10,3%.
Trong tuần này, cổ phiếu NT2 đứng tham chiếu ngày đầu tuần, 2 phiên tăng (4,8%; 0,7%), và 2 phiên giảm (-0,7%; -3%).
Thanh khoản khớp lệnh trung bình từ hơn 200.000 đến hơn 500.000 đơn vị/phiên.
Chốt tuần, NT2 tăng từ 29.100 đồng lên 29.600 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,71%.
VCSC: cơ hội tốt để các cổ đông DHG chốt lời
Trần sở hữu nước ngoài của CTCP Dược Hậu Giang (DHG) đã được nới lên 100% vào ngày hôm nay, 04/07/2018.
Taisho đã công bố chào mua công khai 9,2 triệu cổ phiếu DHG, tương ứng với 7,06% cổ phần, với mức giá chào mua dự kiến là 120.000 đồng/CP, cao hơn 20% so với giá đóng cửa ngày 4/7.
Nếu thực hiện thành công, Taisho sẽ nâng sở hữu tại DHG lên 32% từ mức 24,94% hiện tại.
Việc chào mua công khai của Taisho dự kiến sẽ được thực hiện trong vòng 30-60 ngày kể từ sau khi nhận được phê duyệt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Việc chào mua này có thể sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu của DHG, với mức giá chào mua cao.
Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để các cổ đông DHG chốt lời vì ở mức giá 120.000 đồng, DHG giao dịch với P/E 2017 là 27,1 lần năm 2017, là khá cao, khi chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) LNST chỉ 3% trong giai đoạn 2017-2022.
Chúng tôi hiện đang có giá mục tiêu 85.500 đồng/cổ phiếu cho DHG, tương ứng với tổng mức sinh lời -11,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 3%, theo mức giá đóng cửa ngày 4/7 là 99.900 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần này, DHG có 2 phiên giảm liên tiếp từ đầu tuần (-2%; -1,8%), sau đó phục hồi trong 2 phiên tiếp theo (1,7%; 5,3%), trước khi bị đẩy lùi vào phiên cuối tuần (-1,1%).
Thanh khoản khớp lệnh trung bình từ hơn 150.000 đến hơn 680.000 đơn vị.
Chốt tuần, DHG tăng từ 102.000 đồng lên 104.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,96%.
FPTS: Triển vọng TÍCH CỰC trong trung-dài hạn đối với cổ phiếu TCT
Chúng tôi đánh giá cao khả năng hoàn thành kế hoạch 2018 của TCT cùng triển vọng TÍCH CỰC trong trung-dài hạn dựa trên cơ sở:
- Kết quả thực hiện trong quý I/2018, mùa kinh doanh tốt nhất trong năm của TCT đã vượt kế hoạch năm đề ra.
- Việc đưa vào hoạt động hệ thống ống trượt mới với chính sách khấu hao nhanh dù khiến lợi nhuận sau thuế 2018 dự kiến giảm sơ với 2017, tuy nhiên sẽ tăng năng lực vận chuyển, giúp doanh thu tăng trưởng trong trung-dài hạn.
- Sự tham gia vào HĐQT của các thành viên đến từ Tập đoàn Sungroup – Đơn vị đang quản lý, vận hành những hệ thống cáp treo như Bà Nà, Fanxipan, Hòn Thơm…sẽ có những thay đổi trong quản trị, điều hành của TCT theo hướng tích cực cơn.
- Tình hình tài chính khá lành mạnh co TCT không vay nợ. Dòng tiền hoạt động dồi dào và ổn định, đảm bảo khả năng thanh toán và tài trợ các dự án mới. Cổ tức tiền mặt chia đều đặn.
(Chúng tôi cũng lưu ý các nhà đầu tư, do yếu tố thanh khoản thấp, cơ cấu cổ đông cô đặc, TCT không phải là cổ phiếu phù hợp với nhu cầu đầu tư lướt sóng, ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc thay đổi HĐQT dù được chúng tôi kỳ vọng tích cực, nhưng sẽ cần thêm thời gian để đánh giá về ảnh hưởng của sự thay đổi này).
Trong tuần này, cổ phiếu TCT có 2 phiên tăng (3,3%; 0,8%) và 3 phiên giảm (-0,2%; -4,5%; -4,8%).
Thanh khoản khớp lệnh nhỏ giọt, khi phiên cao nhất cũng chỉ có hơn 9.100 đơn vị, phiên thấp nhất có 40 đơn vị.
Chốt tuần, TCT giảm từ 64.000 đồng xuống 60.500 đồng/cổ phiếu, tương đương -5,46%.
MBS khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG đối với TPB
Chúng tôi khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG đối với cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong với giá mục tiêu 12 tháng ở mức 26.930 đồng, dựa trên phương pháp P/B và RI.
Chúng tôi nhận định ngân hàng có nhiều định hướng tăng trưởng huy động, thu nhập ngoài lãi và kiểm soát nợ xấu nhưng chưa thấy được nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, cải thiện NIM.
Do giai đoạn tăng trưởng của ngân hàng khá ngắn, từ 2016 trở lại đây, các động lực tăng trưởng của ngân hàng vẫn cần tiếp tục cập nhật để đánh giá thực tế tiềm lực tăng trưởng.
Trong tuần này, cổ phiếu TPB có 4 phiên liên tiếp giảm từ đầu tuần (-1,8%; -3,3%; -2,5%; -0,6%), và phiên cuối tuần tăng mạnh (5,5%).
Thanh khoản khớp lệnh phiên thấp nhất hơn 73.000 đơn vị, phiên cao nhất có gần 780.000 đơn vị.
Chốt tuần, TPB giảm từ 27.500 đồng xuống 26.700 đồng, tương đương -2,9%.