Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Tuần giao dịch khép lại với việc VN-Index tăng 18,05 điểm (+1,8%) lên 1.044,85 điểm; HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,2%) lên 122,77 điểm. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị mua/bán đã có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là đà tăng khá của nhiều bluechip như GAS, VJC, CTD, PNJ, PVS.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

MBS khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 70.000 đồng

Kế hoạch kinh doanh 2018 với doanh thu 21.900 tỷ đồng và LNTT 3.484 tỷ đồng, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Kết quả kinh doanh 2017 khả quan với 42.650 tỷ đồng doanh thu và 3.528 tỷ đồng LNST. Lợi nhuận tăng mạnh nhờ thoái vốn tại FRT và FTG.

TPBank niêm yết – Thông tin hỗ trợ triển vọng FPT ngắn hạn

Tiềm năng từ xuất khẩu phần mềm & thị trường viễn thông trong nước lớn.

Chúng tôi dự phóng năm 2018 FPT đạt doanh thu 21.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 2.187 tỷ đồng. EPS 2018 ước đạt 3.582 đồng.

Trong tuần này, cổ phiếu FPT phiên đầu tuần tăng nhẹ 1,4%, sau đó điều chỉnh 3 phiên liên tiếp (-1%; -1%; -0,2%), trước khi phục hồi 2,1% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh từ trên dưới 1 triệu đến 1,5 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, FPT tăng từ 58.800 đồng lên 59.500 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,2%.

BSC khuyến nghị theo dõi kỹ cổ phiếu MWG

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tích lũy ngắn hạn, tăng trung hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Tiếp cận mức 0 và hội tụ dương với nền giá

- Chỉ báo RSI: Đi vào vùng quá bán

Nhận định: MWG giảm khoảng -23% từ đỉnh và đang tích lũy ngang. MWG kết thúc chu kỳ tăng sớm hơn thị trường và đã tích lũy đi ngang trong khi phần lớn các cổ phiếu trên thị trường vẫn đang tìm đáy.

Chỉ số RSI đang hồi phục tốt về mức trung tính 50, cùng với biên độ giao dịch trong ngày đang hẹp dần cho thấy nền giá này đang rất được chấp nhận bởi nhà đầu tư trong ngắn hạn.

MWG đang là cổ phiếu tiềm năng cho chu kỳ mới của VN-Index

Nhận định: Theo dõi kỹ MWG khi giá cổ phiếu vẫn động trong biên độ hẹp nhỏ hơn 2% một ngày

Trong tuần này, cổ phiếu MWG có 3 phiên tăng (6,4%; 0,3%; 3%) xen lẫn 2 phiên giảm (-2,2%; -5,6%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 300.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, MWG tăng từ 101.500 đồng lên 103.000 đồng, tương đương +1,47%.

MBS :NT2 khá hấp dẫn với EV/EBITDA forward 7x và P/E forward 9x

Là một trong những nhà máy nhiệt điện khí hoạt động hiệu quả trên thị trường cùng vị trí chiến lược thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chúng tôi cho rằng NT2 là cơ hội đầu tư tốt với tỷ suất cổ tức hấp dẫn trong một ngành nghề kinh doanh ít rủi ro.

Nguồn cổ tức của công ty được hỗ trợ từ dòng tiền mạnh với kế hoạch giảm dần dư nợ trong các năm tới.

Năm 2018, chúng tôi dự phóng doanh thu và lơi nhuận ròng được cải thiện từ gia tăng sản lượng điện và giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính.

Tuy nhiên, về triển vọng dài hạn, dư địa tăng trưởng của NT2 bị giới hạn do công ty không phát triển dự án mới và chỉ tập trung tối ưu hóa hoạt động hiện hữu.

Tăng trưởng  lợi nhuận nội tại đến từ việc cải thiện hiệu suất hoạt động của nhà máy và giảm dần dư nợ vay USD & EUR theo lịch trả nợ đến 2021.

Trong tuần này, cổ phiếu NT2 có 4 phiên tăng liên tiếp từ đầu tuần (0,5%; 0,8%; 1%; 1,15), trước khi điều chỉnh giảm -0,3% trong phiên cuối tuần. thanh khoản phiên cao nhất có hơn 1 ,5 triệu đơn vị.

Chốt tuần, NT2 tăng từ 30.450 đồng lên 31.400 đồng/cổ phiếu, tương đương +3,11%.

MBS khuyến nghị khả quan cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 197.000 đồng

Kết quả kinh doanh quý I2018 của PNJ khả quan với tăng trưởng 32% doanh thu thuần và 35% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ, đạt tương ứng 4.139 tỷ đồng và 336 tỷ đồng.

Vốn điều lệ dự kiến tăng 1.670 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng & phát hành ESOP.

Chúng tôi khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 12 tháng là 197.000 đồng/cổ phiếu. Doanh thu và LNST ước tính đạt 13.739 tỷ đồng và 883 tỷ đồng.

Trong tuần này, PNJ có phiên tăng trần ấn tượng đầu tuần (7%) và tiếp tục tăng nhẹ 0,1% trong phiên tiếp theo trước khi giảm trong 2 phiên (-0,3%; -3%) và lại vọt lên 3,4% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 400.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, PNJ tăng từ 171.000 lên 183.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +7%.

ACBS: Đây là thời điểm tốt để mua vào cổ phiếu VJC

Dự phóng LNTT và LNR năm 2018 lần lượt là 6.339,8 tỷ đồng và 6.065,7 tỷ đồng (+19,7% n/n). Con số này cao hơn 31,1% so với dự phóng trước đây của chúng tôi và cao hơn 9,2% sp với mục tiêu cả năm của công ty.

Chúng tôi cho rằng đây vẫn là mức dự phóng thận trọng bởi trong 2 năm gần đây VJC đã vượt mục tiêu của mình là 12,9% trong năm 2016 và 40,6% trong năm 2017

Khuyến nghị: Phương pháp định giá DCF đối với cổ phiếu VJC là không đổi. Chúng tôi nâng mức giá mục tiêu tăng 52,9% lên 210.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tỷ suất LN là 26,0% (bao gồm 1,7% tỷ suất sinh lời cổ tức).

Giá cổ phiếu VJC tăng 55,4% từ đầu năm đến tháng 4/2018, sau đó giảm 24,2% do sức ép chốt lời từ các nhà đầu tư.

Cổ phiếu VJC hiện đang giao dịch tại mức 12,9x EPS 2018 là 13.439đ và 5,1x BVPS 2018 là 33.908đ.

Các chỉ số này tương ứng với mức chiết khấu lần lượt là 26,3% và 20,4% so với chỉ số TB trong khu vực là 17,5x và 6,4x. VJC có mức ROE, ROA cao hơn TB ngành và mức D/E hợp lý là 6,2%.

Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm tốt để mua vào cổ phiếu VJC. Chúng tôi nâng khuyến nghị từ Giữ sang MUA đối với cổ phiếu VJC.

Trong tuần này, cổ phiếu VJC có 3 phiên tăng liên tiếp kể từ đầu tuần (3,4%; 2,7%; 3,9%) và giảm trong 2 phiên còn lại (-1,1%; -1,1%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 340.000 đến hơn 860.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VJC tăng từ 176.060 đồng lên 189.900 đồng/cổ phiếu, tương đương +7,86%.

BSC khuyến nghị tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu PVS

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Điều chỉnh trung hạn

- Chỉ báo MACD: Giảm xuống ngưỡng của đợt điều chỉnh mạnh trước đó và đang có xu hướng hội tụ với đường tín hiệu từ dưới lên.

- Chỉ báo RSI: Tăng trong biên độ 30 – 60.

Nhận định: PVS đang trong xu hướng điều chỉnh trung hạn. Giá cổ phiếu PVS liên tục tăng trong 3 phiên giao dịch gần đây.

Đặc biệt tăng mạnh (8,7%) trong phiên giao dịch hôm nay, và tiếp cận ngưỡng kháng cự trên SMA20, tuy nhiên giá trị thanh khoản còn thấp, chưa cho thấy sự đồng thuận giữa giá và khối lượng.

Các chỉ báo kỹ thuật và mô hình nến cho thấy tín hiệu phục hồi của giá cổ phiếu ở mức giá hiện tại, tuy nhiên cần có phiên tăng giá mạnh vượt ngưỡng kháng cự SMA20 với giá trị thanh khoản lớn để xác nhận tín hiệu phục hồi của cổ phiếu

Khuyến nghị: Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu. Trong trường hợp vượt qua đường SMA20 với giá trị thanh khoản tốt, giá mục tiêu gần sẽ là 21.300.

Ngược lại, giá cổ phiếu sẽ tiếp tục điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ là 14.700 đồng.

Trong tuần này, cổ phiếu PVS có 2 phiên tăng (8,7%; 3,9%) và 3 phiên giảm (-3,7%; -0,5%; -0,5%). Thanh khoản khớp lệnh từ 2 triệu đến hơn 4 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, PVS tăng từ 17.200 đồng lên 18.500 đồng/cổ phiếu, tương đương +7,55%.

FPTS khuyến nghị khả quan trong ngắn hạn đối với cổ phiếu DP3

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị KHẢ QUAN trong ngắn hạn đối với cổ phiếu DP3 với các luận điểm như sau:

- Thương hiệu 50 năm cùng các sản phẩm thuốc chủ lực đã có chỗ đứng trên thị trường thuốc đông dược ở Việt Nam

- Chiến lược bắt kịp xu hướng chung của ngành là tập trung vào thị trường OTC. Với thế mạnh về phân phối, DP3 tiếp tục đẩy mạnh hoạt động marketing, mở rộng hệ thống mạng lưới bán hàng và hoạt động kinh doanh ra thị trường miền Nam và miền Trung.

- Cổ phiếu DP3 đang được giao dịch ở mức P/E trailing 10.7x, mức thấp so với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong ngành.

Trong tuần này, cổ phiếu DP3 chỉ có 2 phiên tăng 0,7% và 3,6% với thanh khoản thấp, chỉ hơn 2.000 đơn vị/phiên. Còn lại 3 phiên đứng tham chiếu do trắng thanh khoản.

Chốt tuần, DP3 tăng từ 67.000 đồng lên 69.900 đồng/cổ phiếu, tương đương +4,32%. 

VCSC khuyến nghị OUTPERPORM đối với cổ phiếu PC1

PC1 là doanh nghiệp xây lắp điện điện đầu ngành và được kỳ vọng tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong năm 2018.

Với mức giá đóng cửa 33.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 02/5/2018, mức P/E năm 2018 của PC1 là 7,68 lần. Đây là mức P/E thấp đối với một cổ phiếu đầu ngành và có mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Chúng tôi đánh giá mức P/E hợp lý của cổ phiếu PC1 là 9,5 lần, là mức P/E trung bình của ngành BĐS, ngành điện và ngành xây dựng (năm 2018, lợi nhuận gộp của ba mảng này xấp xỉ nhau và đóng góp 93% tổng lợi nhuận gộp).

Với mức P/E 9,5, mức giá mục tiêu của PC1 năm 2018 là 40.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn 26,63% so với mức giá hiện tại. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị OUTPERPORM đối với cổ phiếu PC1.

Trong tuần này, cổ phiếu PC1 có 2 phiên tăng (0,9%; 4,1%) cùng 3 phiên xen lẫn giảm (-0,3%; -2,2%; -0,6%). Thanh khoản khớp lệnh chỉ vài chục nghìn đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, PC1 tăng nhẹ từ 32.200 đồng lên 32.800 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,8%.

MBS khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu VSC

Mức thị giá của VSC đã giảm mạnh trong một năm qua và đã trở nên phù hợp đối với một doanh nghiệp đầu ngành vốn có khả năng tạo ra dòng tiền mạnh và ổn định, tuy nhiên đang gặp phải rủi ro cạnh tranh ngày càng gay gắt trong tương lai..

CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (VSC) là một trong những doanh nghiệp vận hành cảng biển lớn tại Việt Nam. VSC vận hành hai cảng biển tại thành phố Hải Phòng, tạo ra dòng tiền trên 400 tỷ đồng mỗi năm.

Kết quả kinh doanh của VSC trong quá khứ luôn duy trì được sự tăng trưởng; tuy nhiên kể từ năm 2018 sự tăng trưởng này đang chững lại trước nguy cơ cạnh tranh.

Về mặt tích cực, sản lượng mà cảng mới khai thác ngày càng tăng đạt mức toàn dụng công suất và cảng mới này được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong giai đoạn mới hoạt động.

Mặt khác, giá cước khai thác cảng của VSC sẽ gặp áp lực giảm giá mạnh do các đối thủ mới gia nhập hệ thống cảng Hải Phòng, làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chúng tôi đưa khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu VSC với mức chênh lệch giá dự kiến 10% so với thị giá hiện tại 33.900 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu VCS tăng 5% trong phiên đầu tuần, sau đó là 3 phiên giảm liên tiếp (-1,8%; -2,6%; -6,1%), và phục hồi nhẹ 1,3% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh từ 50.000 đến hơn 80.000 đơn vị/phiên. Riêng phiên cuối tuần có hơn 250.000 đơn vị.

Chốt tuần, VCS giảm từ 119.300 đồng xuống 114.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -4,44%.

ACBS khuyến nghị giữ cổ phiếu CTD

Trong quý I/2018, chúng tôi đánh giá cao việc quản lý công nợ của CTD do khoản Phải thu khách hàng giảm từ 6.100 tỷ đồng xuống 4.700 tỷ đồng và dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi không đổi ở mức 210 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có chút lo ngại về khoản phải thu của CTCP May Diêm Sài Gòn – chủ đầu tư dự án chung cư The Gold View - do khoản phải thu này chỉ giảm 16 tỷ đồng xuống còn 527 tỷ đồng tính đến 31/3/2018 tuy dự án này đã được bàn giao từ tháng 9 năm ngoái.

Do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh trong Q1/2018 và biên lợi nhuận gộp giảm hơn dự phóng trước đó nên chúng tôi điều chỉnh EPS dự phóng 2018 xuống 17.925 đồng (-13% n/n) và giá mục tiêu của chúng tôi là 141.131 đồng, sử dụng phương pháp CKDT. Cổ phiếu hiện đang giao dịch ở mức P/E dự phóng là 7,6 lần.

Trong tuần này, cổ phiếu CTD tăng 4 phiên (1,9%; 4,6%; 0,1%; 1,8%) và chỉ 1 phiên giảm -0,9% vào ngày 08/5. Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 100.000 đến 500.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, CTD tăng từ 134.500 đồng lên 144.700 đồng/cổ phiếu, tương đương +7,58%.

FPTS khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu BFC

Kế hoạch đầu tư năm 2018 của BFC:

- BFC thực hiện đầu tư chiều sâu dây chuyền NPK 250 nghìn tấn tại Nhà máy Bình Điền Long An với công nghệ tháp cao, nâng cao chất lượng sản phẩm NPK.

- Thoái vốn tại CTCP Du lịch Sài Gòn – Đông Hà do khoản đầu tư không hiệu quả, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Với mức giá hiện tại là 32.000 đồng, cổ phiếu BFC đang được giao dịch với EPS là 4.845 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E = 6,6x chúng tôi đưa ra khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu BFC, với những luận điểm sau:

Doanh nghiệp sản xuất phân bón hàng đầu với thương hiệu “Đầu trâu” - lâu năm và uy tín với người

Chiến lược mở rộng thị trường hiệu quả, BFC đã gia tăng thị phần từ 15% lên trên 17% tổng lượng tiêu

Với EPS năm 2017 là 4.845 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BFC đang khá hấp dẫn với P/E = 6.6x, thấp hơn mức trung bình ngành khoảng gần 8x.

Trong tuần này, BFC có 2 phiên giảm (-3,1%; -1,1%) xen lẫn 3 phiên tăng (1,6%; 0,8%; 0,3%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 4.600 đến 27.000 đơn vị.

Chốt tuần, BFC giảm từ 32.000 đồng xuống 31.500 đồng, tương đương -1,5%.

VCSC: Định giá cổ phiếu DGW hấp dẫn so với các cổ phiếu cùng ngành

Mảng phân phối sản phẩm công nghệ (ICT) tăng trưởng trở lại nhờ thỏa thuận hợp tác với Xiaomi.

Công ty đề ra mục tiêu doanh thu 2018 tăng 18,2% và lợi nhuận gộp tăng 12,9% đối với mảng này, cải thiện đáng kể so với mức -0,8% và 9,1% ghi nhận trong năm 2017.

Tham gia vào lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng là hướng đi đúng đắn khi mảng ICT đã bão hòa và dòng hàng mới có biên lợi nhuận gộp cao hơn nhiều so với các sản phẩm ICT truyền thống.

Chúng tôi kì vọng doanh thu và LNST 2018 tăng trưởng lần lượt 21,9% và 15% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng từ mảng ICT và đóng góp cả năm của mảng hàng tiêu dùng.

Rủi ro pha loãng: DGW có kế hoạch phát hành riêng lẻ và ESOP tổng cộng 7,2 triệu cổ phiếu, tương đương mức pha loãng 17,7%.

Định giá hấp dẫn so với các cổ phiếu cùng ngành trong khu vực với P/E 2018 điều chỉnh ở mức 12,3 lần trong khi trung vị các công ty cùng ngành là 14,1 lần.

Trong tuần này, DGW tăng 2 phiên liên tiếp từ đầu tuần (3%; 0,9%) và 2 phiên sau đó giảm (-1,8%; -1,6%), trước khi phục hồi nhẹ 0,4% phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh từ 230.000 đến hơn 540.000 đơn vị.

Chốt tuần, DGW tăng nhẹ từ 26.900 đồng lên 27.100 đồng/cổ phiếu, tương đương +0,74%.

MBS khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu GAS với giá mục tiêu 99.000 đồng

Chúng tôi khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG đối với cổ phiếu GAS với giá mục tiêu 99.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 5% so với thị giá hiện tại.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi cho rằng giá hiện tại của GAS đã phản ánh đầy đủ kỳ vọng của thị trường.

So với các công ty khác trong khu vực Châu Á, cổ phiếu GAS đang giao dịch ở mức EV/EBITDA forward 13x và P/E forward 21,1x, cao hơn tương ứng 7% và 2% so với mức bình quân các công ty cùng ngành.

Giá mục tiêu của chúng tôi được xác định dựa trên EV/EBITDA ở mức 12x và P/E ở mức 20,6 x cho năm 2018.

Trong tuần này, cổ phiếu GAS có 3 phiên tăng (5,6%; 4,4%; 5,8%) xen giữa là 2 phiên giảm (-0,5%; -2,3%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 800.000 đơn vị/phiên, riêng phiên đầu tuần có hơn 426.000 đơn vị.

Chốt tuần, GAS tăng từ 98.000 đồng lên 111.100 đồng/cổ phiếu, tương đương +13,36%.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục