Chu kỳ phục hồi giá dầu và các căng thẳng địa chính trị liên quan đã tiếp thêm động lực cho giá dầu thô thế giới duy trì đà tăng, hiện dao động trên 70 USD/thùng so với mức giá dưới 40 USD/thùng giữa năm 2017.
Không chỉ cổ phiếu dầu khí niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX, mà trên sàn UPCoM, nhiều cổ phiếu ngành này cũng được giao dịch sôi động.
Sau khi hoàn tất chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, cả ba cổ phiếu dầu khí gồm BSR của Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn, OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam và POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam chính thức được giao dịch trên UPCoM từ tháng 3/2018.
Trong tháng 3, thanh khoản trên sàn UPCoM ghi nhận giá trị cao nhất, trung bình đạt hơn 690 tỷ đồng/phiên. Trong đó, 3 cổ phiếu dầu khí mới chào sàn có khối lượng giao dịch trung bình mỗi mã đạt trên 1 triệu đơn vị/phiên (POW đạt hơn 1,4 triệu đơn vị/phiên). 3 cổ phiếu này có giá trị vốn hóa tại thời điểm 31/3/2018 đạt hơn 18.288 tỷ đồng, chiếm 2,5% giá trị vốn hóa toàn sàn.
Tuy nhiên, cả cổ phiếu BSR, OIL và POW đều có diễn biến giảm giá. Theo một số chuyên viên phân tích, diễn biến giảm giá này có thể là do chưa có dấu hiệu các doanh nghiệp sẽ sớm tìm được đối tác chiến lược, trong khi đây là yếu tố được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. Mức giảm giá vừa qua dường như đã chiết khấu đủ thông tin trên. Giá cổ phiếu nhiều khả năng sẽ hồi phục nếu có thông tin hỗ trợ, nhất là hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Thực tế, cổ phiếu OIL và POW gần đây có diễn biến hồi phục sau khi Tổng công ty công bố kết quả kinh doanh những tháng đầu năm 2018. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 của POW cho thấy, doanh thu đạt 8,356 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 675 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
4 tháng đầu năm 2018, OIL ước đạt doanh thu hợp nhất 16.500 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 215 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch năm.
Trong khi đó, BSR - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khiến giới đầu tư không khỏi băn khoăn khi đặt kế hoạch lãi ròng năm 2018 là 3.796 tỷ đồng, giảm hơn 54% so với năm 2017. Dù vậy, với việc đầu tư dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hiện cơ bản hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế tổng thể và lựa chọn nhà cung cấp bản quyền công nghệ cho các phân xưởng mới, kỳ vọng dự án này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2021, đóng góp lớn vào doanh thu, lợi nhuận của Công ty.
Một cổ phiếu dầu khí khác có diễn biến giá đáng chú ý là PVO của Công ty cổ phần Dầu nhờn PV Oil (OIL là cổ đông lớn nhất, sở hữu 62,67% vốn điều lệ). Từ mức giá 4.800 đồng/cổ phiếu đầu năm 2018, PVO đã tăng lên 19.800 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng hơn 3 lần, sau đó điều chỉnh xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, hiện dao động quanh 8.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2017, PVO đạt doanh thu 243 tỷ đồng, tương đương năm 2016; lợi nhuận sau thuế hơn 2,5 tỷ đồng, trong khi năm 2016 lãi hơn 17,5 tỷ đồng.
Dù hoạt động sa sút nhưng Hội đồng quản trị PVO vẫn thống nhất chia cổ tức tỷ lệ 2%, tương đương hơn 1,7 tỷ đồng.
Quý I/2018, PVO đạt doanh thu 66,8 tỷ đồng, tăng 4,5%; lãi ròng 0,9 tỷ đồng, gấp 3 cùng kỳ năm ngoái. Quý I so với kế hoạch cả năm, Công ty hoàn thành 27,4% chỉ tiêu doanh thu và 34,3% chỉ tiêu lợi nhuận.
Ngoài nhóm cổ phiếu dầu khí, không ít cổ phiếu các ngành khác đã và đang giao dịch sôi động trên UPCoM, nhất là ACV, HVN…, gắn với câu chuyện thoái vốn nhà nước hay có kế hoạch chuyển sang sàn niêm yết.
Theo lộ trình đề ra, sau khi cổ phần hóa và IPO, tới đây là hoàn thành tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, “bộ ba” cổ phiếu trong ngành dầu khí nêu trên sẽ tiến lên sân chơi cao hơn là sàn niêm yết.