Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Cùng thị trường liên tiếp đón nhận các phiên giảm điểm, các công ty chứng khoán đã có một tuần nhận định thất bại khi hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị mua đều điều chỉnh giảm sâu. Theo Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* BSC khuyến nghị cân nhắc dừng mua và cắt lỗ SJS

SJS đã giảm mạnh về ngưỡng hỗ trợ mạnh 23. Các chỉ báo xung lượng và chỉ báo xu hướng đều đang ở mức thấp cho thấy áp lực giảm sẽ không còn mạnh và nhịp phục hồi kĩ thuật sẽ sớm diễn ra. Hai ngưỡng hỗ trợ gần nhất của SJS là 23.2 và 22.1, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể bắt đáy khi SJS giảm về các vùng hỗ trợ trên. Cân nhắc dừng mua và cắt lỗ nếu SJS thủng ngưỡng hỗ trợ 22.1, chốt lời tại 25.

Đúng như nhận định của BSC, cổ phiếu SJS đã có một tuần giao dịch thiếu tích cực khi có tới 5 phiên liên tiếp giảm điểm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SJS giảm 1.500 đồng/Cp (-6,15%) từ mức 24.400 đồng/Cp xuống 22.900 đồng/Cp.

* VCBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu CTD

Với kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng năm 2016, chúng tôi dự báo doanh thu 2016 của Coteccons sẽ ở mức 19.410 tỷ, tăng 42% so với năm trước và vượt 17,6% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế ở mức 1.145 tỷ đồng, tăng trưởng 56,2% và vượt 43,1% kế hoạch năm. Theo đó EPS forward ước đạt 23.748 đồng/cổ phiếu, EPS pha loãng ước đạt 17.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E ở mức 10,8 lần. Do đó chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu CTD.

Mặc dù kết quả kinh doanh khá tích cực trong 9 tháng, cùng dự báo cả năm khả quan nhưng CTD đã lao dốc giảm điểm sau một tuần tăng mạnh bởi áp lực bán lớn. Cụ thể, với 1 phiên tăng duy nhất ngày đầu tuần và 4 phiên giảm liên tiếp sau đó, tổng cộng, giá cổ phiếu CTD giảm 6.500 đồng/Cp (-3.49%) từ mức 186.000 đồng/Cp xuống 179.500 đồng/Cp.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PVI, nắm giữ BMI

Với triển vọng kinh doanh khả quan, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2016 của PVI ước tính đạt mức 750 tỷ đồng, tương đương với EPS 2016 là 2.950 đồng/cổ phiếu (đã loại trừ 8% trích quỹ khen thưởng phúc lợi). Mức PE forward năm 2016 mức 11,5 lần và P/B forward là 0,9x lần, Bookvlue ở mức 30.500 đồng/cp. Bằng phương pháp định giá P/E và P/B, giá hợp lý đối với PVI trong năm 2016 là 30.000 đồng/cp. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu PVI ở vùng giá 24.000-26.000 đồng/cp, với mức sinh lời kỳ vọng 20%.

Bên cạnh đó, MBS dự phóng giá hợp lý trong năm 2016 của BMI ở mức 31.000 đồng/cổ phiếu và đưa ra khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu tại vùng giá hiện tại với mức sinh lời kỳ vọng 15%.

Không được như kỳ vọng của MBS đưa ra, trong tuần qua, PVI có diễn biến đi ngang với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm xen kẽ nhau và 1 phiên đứng giá duy nhất vào cuối tuần ngày 4/11. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVI tăng 100 đồng/Cp (+0,4%) từ mức 24.900 đồng/Cp lên 25.000 đồng/Cp. So với mức giá kỳ vọng mà MBS đưa ra, giá cổ phiếu PVI hiện tại còn thấp hơn 20%.

Tương tự, tuần qua, BMI có 1 phiên giảm, 3 phiên tăng và 1 phiên đứng giá vào giữa tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMI tăng nhẹ 400 đồng/Cp (+1,54%) từ mức 26.000 đồng/Cp lên 26.400 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu trong năm là 31.000 đồng/CP, giá cổ phiếu BMI hiện tại còn thấp hơn 17,42%.

* VCBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu NTP

Với EPS năm 2017 đạt 4.723 đồng/cổ phiếu và PE forward 2017 của NTP đạt 17, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cho cổ phiếu NTP.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu bluechip có diễn biến khá tiêu cực. Áp lực bán lớn mạnh và tập trung chủ yếu vào các trụ cột khiến các mã này suy giảm, đẩy thị trường đi xuống. Trong đó, cổ phiếu NTP cũng không nằm ngoài khả năng trên khi đón nhận 3 phiên giảm giữa tuần, 1 phiên tăng nhẹ vào đầu tuần và 1 phiên đứng giá vào cuối tuần. Tổng cộng, giá cổ phiếu NTP giảm 3.500 đồng/Cp (-4.35%) từ mức 80.500 đồng/Cp xuống 77.000 đồng/Cp.

* VCBS khuyến nghị mua trung và dài hạn cổ phiếu DBC

EPS forward 2017 của DBC sẽ ở mức 5.523 đồng/cp, tương đương với mức P/E là 6,88 lần. Đây là mức P/E này được đánh giá là khá hấp dẫn cho một doanh nghiệp đang tăng trưởng như DBC. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu DBC cho trung và dài hạn.

Trái với nhận định của VCBS, cổ phiếu DBC tuần qua vẫn trong xu hướng đi ngang với những phiên tăng giảm nhẹ. Cụ thể tuần qua, DBC có 2 phiên giảm, 1 phiên tăng duy nhất vào đầu tuần ngày 31/10 và 2 phiên đứng giá. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DBC tăng 100 đồng/Cp (+0,26%) từ mức 38.100 đồng/Cp lên 38.200 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị tích cực cổ phiếu IMP

Chúng tôi kỳ vọng hiệu quả sinh lời của IMP sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Triển vọng năm 2017 của doanh nghiệp khá tích cực với lợi nhuận sau thuế dự báo tăng trên 40% so với năm 2016. Động lực tăng trưởng các năm tiếp theo đến từ việc nâng công suất các nhà máy hiện có và đưa vào hoạt động 2 nhà máy đạt chuẩn EU-GMP khác vào khoảng giữa 2018.

Mặc dù được phân tích các yếu tố cơ bản tốt nhưng hòa cùng diễn biến thị trường, cổ phiếu IMP cũng có một tuần giao dịch không mấy khả quan. Với 1 phiên đứng giá vào đầu tuần, 2 phiên tăng và 2 phiên giảm xen ké sau đó, giá cổ phiếu IMP giảm 1.500 đồng/Cp (-2,42%) từ mức 62.000 đồng/Cp xuống 60.500 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị mua cổ phiếu SHI

Khuyến nghị mua cổ phiếu SHI với giá mục tiêu 10.000 đồng/Cp, giá cắt lỗ 8.000 đồng, thời gian đầu tư là 3 tháng.

Trái với khuyến nghị của KIS, tuần qua, SHI có tới 4 phiên giảm và 1 phiên tăng nhẹ ngày 1/11. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SHI giảm 610 đồng/Cp (-7,17%) từ mức 8.510 đồng/Cp xuống 7.900 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu, giá hiện nay của cổ phiếu SHI còn thấp hơn 26,58%.

* KIS khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu PVS

Chúng tôi định giá 28.3k cho cổ phiếu PVS vào cuối năm 2017, tương đương với P/E khoảng 10x. Tỷ suất lợi nhuận là 42.9%. Khuyến nghị TĂNG TỶ TRỌNG.

Tuần qua, thông tin giá dầu thô giảm mạnh, có thời điểm xuống dưới 40 USD/thùng đã tác động khá tiêu cực đến diễn biến chung của các cổ phiếu dầu khí. Tiêu biểu, PVS đã đón nhận tới 4 phiên giảm và duy nhất 1 phiên tăng ngày 3/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS giảm 1.900 đồng/Cp (-9,6%) từ mức 19.800 đồng/Cp xuống 17.900 đồng/Cp.

* VCBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu PPC

Chúng tôi cho rằng từ năm 2017, PPC có thể quay lại mức SL điện các năm trước là khoảng 5.500 triệu kWh. Việc PPC thực hiện nâng cấp nhà máy Phả Lại 1 cũng như thực hiện sửa chữa lớn hàng năm sẽ giúp công ty tiếp tục đạt được SL điện kế hoạch đề ra. Cùng với đó, hợp đồng mua bán điện với EVN sẽ là yếu tố tiên quyết giúp công ty tiếp tục có nguồn lợi nhuận ổn định từ hoạt động kinh doanh. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu PPC.

Trái với khuyến nghị của VCBS, tuần qua, PPC có tới 4 phiên giảm và duy nhất 1 phiên tăng vào cuối tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PPC giảm 350 đồng/Cp (-2,27%) từ mức 15.400 đồng/Cp xuống 15.050 đồng/Cp.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục