MBS: khuyến nghị MUA cổ phiếu VNR
MBS cho rằng: “Với định giá cổ phiếu hấp dẫn và các nhân tố tăng trưởng từ việc bán vốn của SCIC, thanh khoản cải thiện dựa trên nền tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bảo hiểm trong những năm gần đây cũng như xu hướng tăng trưởng của lãi suất khiến cho hoạt động đầu tư được cải thiện, chúng tôi khuyến MUA đối với cổ phiếu VNR cho mục đích đầu tư trung hạn, với mức định giá hợp lý là 27.000 đồng/cổ phiếu (tăng giá 50%)”.
Đúng như nhận định của MBS, trong tuần qua, VNR sau khi đứng giá phiên đầu tuần và giảm nhẹ phiên thứ Ba, đã có chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp cuối tuần. Chốt tuần, VNR tăng 7,65%, đứng ở mức 21.100 đồng, có lúc mã này đã lên mức giá cao nhất tuần là 22.200 đồng trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, mức giá đóng cửa tuần vẫn còn cách giá mục tiêu theo khuyến nghị của MBS tới 28%. Lý do VNR có thể là thông tin Chính phủ bàn về phương án thoái vốn của SCIC tại 10 doanh nghiệp, trong đó có VNR.
VCBS: Khuyến nghị MUA cổ phiếu TCM
“Chúng tôi dự báo doanh thu 2016 của TCM sẽ ở mức 3.095 tỷ đồng (tăng 10,85% so với năm trước và hoàn thành 94,82% kế hoạch năm); lợi nhuận sau thuế ở mức 124 tỷ đồng (giảm 19,48% so với năm trước và hoàn thành 77,27% kế hoạch năm). Theo đó, EPS forward ước đạt 1.811 đồng/CP (tính theo Thông tư 200), tương ứng P/E ở mức 10,87 lần. Đây là mức P/E khá hấp dẫn so với trung bình ngành là 11,87 lần và đối với một cổ phiếu đầu ngành như TCM. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu TCM từ nay đến cuối năm”.
Trong tuần, TCM có 2 phiên tăng đầu tuần và chịu áp lực chốt lời sớm, nên điều chỉnh trong 3 phiên cuối tuần. Tính chung trong tuần, TCM giảm nhẹ 0,5%, từ 19.300 đồng, xuống 19.200 đồng. Như vậy, dù theo VCBS, TCM đang khá hấp dẫn, nhưng có thể nhà đầu tư không nghĩ như vậy.
VCBS: Khuyến nghị mua vào HPG
”Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2016 của HPG với doanh thu 31.396 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước và hoàn thành 112% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 5.358 tỷ đồng, tăng trưởng 52,9% và hoàn thành 167% kế hoạch, tương ứng với EPS forward đạt 7.272 đồng/cổ phiếu. Theo đó, HPG đang được giao dịch với P/E đạt 6,5 lần, khá hấp dẫn với một công ty đầu ngành thép với nền tảng cơ bản vững vàng. Thêm vào đó, đầu tháng 9, HPG sẽ thực hiện trả cổ tức 15% tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu (chốt quyền vào 25/8/2016). Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu HPG, với giá mục tiêu đạt 58.780 đồng/cổ phiếu”.
Dù có chút không may mắn với TCM, nhưng với HPG, VCBS hoàn toàn có lý khi cổ phiếu này có chuỗi tăng ấn tương 4 phiên liên tiếp trước khi chịu áp lực chốt lời trong phiên cuối tuần, chốt ở mức 48.200 đồng. Tính chung trong tuần, HPG tăng 5,24%. Tuy nhiên, so với giá mục tiêu mà VCBS đưa ra, giá hiện tại của HPG vẫn còn thấp hơn 22%. Với biên độ tăng như tuần qua và nếu đúng như nhận định của VBCS, vẫn còn cơ hội cho các nhà đầu tư đến sau.
BSC khuyến nghị cân nhắc mua, VCBS khuyến nghị nắm giữ VIC
Theo BSC: “Lợi nhuận sau thuế 6 tháng VIC ghi nhận 2.925,5 tỷ đồng, tăng 322% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 1.522 tỷ đồng, EPS đạt 763 đồng. Xu hướng Giảm trung hạn được xác nhận khi nền tảng giá đã rớt khỏi đường trung bình 50 phiên MA (50). Dù vậy, lực của đợt giảm không quá mạnh khi giá vẫn đang nằm sát đường MA50, đồng thời chỉ báo xu hướng ngắn hạn MACD chuẩn bị cho tín hiệu đảo chiều. Nhà đầu tư cân nhắc mua vào khi VIC break trở lại được MA (50), tương ứng vùng giá 50 - 51. Ngược lại, trong trường hợp VIC kiểm định không thành công kháng cự MA(50), nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát thêm”.
Trong khi đó, theo VCBS: “Với EPS forward 2016 là 1.161 đồng/CP, tương ứng P/E forward là 42,2 lần, cao hơn nhiều so với mức trung bình ngành và mức PE toàn thị trường. Tuy nhiên, theo phương pháp NAV, giá trị hợp lý ước tính của VIC đạt khoảng 55.000 đồng/CP (tăng 25% so với định giá năm 2015), trong khi VIC hiện có vị trí đầu ngành tại nhiều mảng kinh doanh kèm với triển vọng tăng trưởng ổn định, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu VIC”.
Trong tuần, VIC biến động khá hẹp với biên độ dao động dưới 3% trong phiên, có phiên chỉ dao động 1%. Về mức giá đóng cửa, trong tuần qua, VIC có 3 phiên đứng ở điểm xuất phát và 2 phiên giảm hôm thứ Ba và cuối tuần. Chốt tuần, VIC giảm 2,65%, đứng ở mức 47.700 đồng. So với mức giá mục tiêu mà VCBS đưa ra, mức giá này thấp hơn 15%.
VCBS: khuyến nghị nắm giữ BMP
Dựa vào kết quả thực hiện 7 tháng đầu năm 2016, và các năm gần đây chúng tôi cho rằng BMP có thể hoàn thành tốt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế đã đặt ra, EPS tương ứng 13.000 đồng/cổ phiếu. Vì vậy chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với BMP.
Cũng giống VNR, BMP cũng nằm trong danh sách thoái vốn mà SCIC đưa ra trước đó. Do đó, sau khi giảm nhẹ phiên đầu tuần, BMP đã có 3 phiên tăng điểm ấn tượng liên tiếp trước khi bị áp lực chốt lời và điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần. Tính chung trong tuần, BMP tăng 3,97%. Như vậy nếu nắm giữ BMP như khuyến nghị VCBS, nhà đầu tư đã có lãi. Còn nếu nhà đầu tư nào mua cuối tuần trước và may mắn chốt lời được ở mức giá cao nhất 163.000 đồng trong phiên thứ Năm, đã có mức lãi gần 8%.
VCBS: khuyến nghị mua vào TNG
Giá cổ phiếu TNG đã giảm rất mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, gần 13,87% và mức P/E hiện tại của TNG là khá thấp so với trung bình ngành là 7,43 lần. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu TNG khi thị trường điều chỉnh về giá hợp lý
VCBS: khuyến nghị nắm giữ VCB
Kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng và tính mùa vụ khi hoạt động cho vay càng sôi động về cuối năm củng cố quan điểm của chúng tôi từ đầu năm là VCB sẽ vượt xa kế hoạch trong năm nay. Lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 9.248 tỷ đồng, tăng 35,45% so với năm trước, vượt 23,3% kế hoạch đề ra.
Với giá cổ phiếu hiện tại 54.500 đồng/cổ phiếu, VCB đang được giao dịch với P/B dự phóng đạt 2,8 lần, cao hơn 2,5 lần trung bình ngành. Chúng tôi cho rằng mức giá hiện tại đã phản ánh tương đối kết quả kinh doanh VCB trong năm nay, và giữ khuyến nghị NẮM GIỮ.
Trong tuần qua, VCB lình xình theo chiều hướng giảm dần trước khi hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, đứng ở mức 53.500 đồng. So với giá đóng cửa cuối tuần trước cũng là mức giá khi VCBS đưa ra khuyến nghị nắm giữ, VCB giảm 1,83%.
BSC: khuyến nghị mua HSG và NKG cho mục tiêu trung và dài hạn
Định hướng của HSG là cân đối giữa thị trường nội địa và xuất khẩu với tỷ trọng 60 – 40, hiện tại số lượng đơn hàng xuất khẩu đã kín đến tháng 12/2016, trong đó khoảng 60% xuất khẩu đi Mỹ biên lợi nhuận gộp thông thường ở mức trên 20%. Phương thức thanh toán tương đối an toàn, thanh toán trả trước hoặc qua L/C, khoảng 1 - 2 tuần xuất hàng sẽ thu được dòng tiền.
Chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị Mua trung và dài hạn cổ phiếu HSG với giá mục tiêu 48.540 đồng như trong Báo cáo Triển vọng Ngành quý III/2016.
Với NKG, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị Mua trung và dài hạn cổ phiếu NKG, giá mục tiêu 38.979 đồng/cp. Lợi nhuận sau thuế ước 2016 = 583 tỷ đồng, EPS 2016 = 7.955 đồng (tính theo số lượng cp 73,241,233). Ngày 12/08/2016, cổ phiếu NKG được giao dịch với giá 30.200 đồng, PE FW = 3,8x.
Cũng giống HPG, HSG cũng có 4 phiên tăng nhẹ liên tiếp đầu tuần. Tuy nhiên, phiên điều chỉnh mạnh cuối tuần đã lấy hết những gì đã có được trong 4 phiên trước đó. Chốt tuần, HSG đứng ở mức 40.800 đồng, giảm nhẹ 0,2% so với cuối tuần trước. So với giá mục tiêu mà VCBS đưa ra, mức giá hiện tại của HSG vẫn thấp hơn gần 19%.
NKG cũng có diễn biến giống HSG khi có 4 phiên tăng đầu tuần và điều chỉnh phiên cuối tuần. Tuy nhiên, may mắn hơn HSG, NKG vẫn giữ được mức tăng gần 5% trong tuần, chốt ở mức 31.700 đồng. Mức giá này vẫn thấp hơn giá mục tiêu mà VCBS đưa ra 23%.
KIS: khuyến nghị mua vào PVS
PVS đã phá vỡ thành công vùng kháng cự trung hạn 18,5-19 và hướng đến vùng giá mục tiêu 25-25,5. Bên cạnh đó, giá trị ADX tuy còn ở mức thấp nhưng khoảng cách giữa 2 đường +DI và – DI tăng mạnh, kết hợp với RSI hướng lên cho tín hiệu về điểm khới đầu của một xu hướng tăng mới.
Ngoài ra, 2 đường EMA(10) và EMA(20) cùng với chỉ báo Chaikin đi lên, hỗ trợ giá. Vì vậy, khuyến nghị mua cổ phiếu PVS với mức giá mục tiêu 25-25.500 đồng/CP, giá cắt lỗ 19.000 đồng/CP.
Trong tuần qua, diễn biến của PVS phục thuộc khá lớn vào động thái của nhà đầu tư nước ngoài. Với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, PVS tuần này tăng nhẹ 1,4%, đứng ở mức 21.200 đồng, vẫn thấp hơn mức giá mục tiêu mà KIS đưa ra khoảng 20%.
BVSC: khuyến nghị mua vào SJD
Với kết quả định giá 36.653 đồng/cổ phần, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu SJD.
Trong tuần qua, SJD chủ yếu giằng co nhẹ quanh ngưỡng 28.000 đồng. Dường như đây đang là ngưỡng cản mạnh của cổ phiếu này khi chốt tuần, SJD vẫn chưa thể bứt qua, chốt ở mức 27.800 đồng, tăng nhẹ 0,36% so với phiên cuối tuần trước. Cổ phiếu này cũng chủ yếu lình xình quanh mức 27.500 đồng kể từ đầu tháng 7 tới này. Nếu không có yếu tố bất ngờ và đột biến, để lên được mức giá 36.600 đồng như định giá của BVSC quả là khó với SJD.