Điểm tựa thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong muôn trùng “ma trận” thông tin bủa vây, việc chọn cho mình nguồn tin chính thống để theo dõi cũng là cách giúp nhà đầu tư “lọc” tin giả, thông tin thất thiệt phát tán hàng ngày.
Báo Đầu tư Chứng khoán là ấn phẩm báo chí đồng hành với nhà đầu tư từ những ngày đầu thành lập thị trường chứng khoán Báo Đầu tư Chứng khoán là ấn phẩm báo chí đồng hành với nhà đầu tư từ những ngày đầu thành lập thị trường chứng khoán

Kẻ đi săn hay “con mồi”?

Dù là người mới tham gia đầu tư, hay các cá nhân kỳ cựu trên thị trường tài chính, nhà đầu tư cá nhân vẫn luôn tự tin cho mình là kẻ đi săn những “phần thưởng” hậu hĩnh trên sàn, nhưng thực ra nhiều khi là “con mồi” của các tin đồn, tin giả, cũng như các hoạt động nhiễu loạn thị trường.

Xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu thông tin, phân tích hoạt động của doanh nghiệp, các biến động kinh tế trong và ngoài nước…, nhà đầu tư cá nhân thường xuyên tìm kiếm các nguồn tin có khả năng cập nhật liên tục, nhanh chóng. Theo đó, không ít nhà đầu tư bị thu hút bởi các hội nhóm đang mọc lên nhan nhản, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các thông tin thất thiệt về hoạt động doanh nghiệp, những “tờ giấy A4” không rõ nguồn gốc, những bức ảnh “hóng biến" thật thật giả giả sinh sôi và lan toả chóng mặt, khiến tâm lý nhà đầu tư bất an, niềm tin bị nhiễu loạn.

Chưa kể, không chỉ là đối tượng “thụ động” chịu ảnh hưởng bởi tin giả, tin đồn thất thiệt, nhà đầu tư cá nhân còn là con mồi mà các đối tượng lừa đảo chủ đích nhắm tới trên thị trường tài chính.

Ngày 28/8 vừa qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi có hiện tượng một số cá nhân tự nhận là nhân viên của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ gọi điện thoại để mời chào người dân đầu tư chứng khoán thông qua việc tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo… hoặc tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng (app) giao dịch.

“Nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khoán, thị trường chứng khoán và tìm hiểu thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán tại các kênh chính thống của cơ quan quản lý, đơn vị vận hành thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, Uỷ ban Chứng khoán nhấn mạnh.

Sự bùng nổ của công nghệ càng khiến nhà đầu tư trở nên “mong manh” hơn trước thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Ngày 20/8/2024, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) đã phát cảnh báo về việc các đối tượng lừa đảo đang ngày càng tinh vi khi gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một số tài khoản Zalo mạo danh, sử dụng công nghệ Deepfake AI giả mạo hình ảnh lãnh đạo cấp cao tại SSI để livestream tư vấn đầu tư…

Đối tượng còn lập tài khoản có tên Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán SSI trên nền tảng Zalo để đưa ra các nhận định, tư vấn. Từ nền tảng Zalo, đối tượng tiếp tục điều hướng vào nhóm kín trên nền tảng Telegram. Tại đây, chúng sử dụng công nghệ AI tạo hình ảnh, video giả mạo ông Nguyễn Duy Hưng để tiếp tục tư vấn đầu tư chứng khoán và dụ dỗ nhà đầu tư rơi vào cạm bẫy.

Thực tế, việc nâng cao ý thức cảnh giác có thể được cộng đồng nhà đầu tư cải thiện, nhưng vấn đề thiếu thông tin thì khó thay đổi. Nhà đầu tư cá nhân có ít công cụ để tự bảo vệ mình, nhất là khi đây là nhóm chiếm số đông nhưng luôn chịu cảnh bất đối xứng thông tin trên thị trường tài chính so với các thành viên thị trường khác như chuyên gia, công ty chứng khoán, đơn vị môi giới, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý…

Để có thể tiếp cận thông tin từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân gặp rất nhiều khó khăn do nguồn thông tin được công bố rất hạn chế, cho dù đối tượng là các công ty niêm yết trên HOSE - vốn phải chịu các tiêu chuẩn niêm yết khắt khe nhất tại thị trường Việt Nam. Không nhiều công ty niêm yết tổ chức các chương trình gặp mặt nhà đầu tư định kỳ để chia sẻ về tình hình hoạt động kinh doanh và nếu có thì nhà đầu tư cá nhân cũng không phải là đối tượng được mời. Bên cạnh đó, doanh nghiệp “trao” rất nhiều đặc quyền cho các đối tượng khác như nhà đầu tư tổ chức, bộ phận tự doanh và phân tích của công ty chứng khoán. Điều này tạo lợi thế thông tin trước số đông thị trường.

Trong bối cảnh này, nhà đầu tư cá nhân vốn đã chịu nhiều bất lợi về mức độ chuyên nghiệp và kiến thức nền tảng thì thông qua việc công bố thông tin một cách “chọn lọc”, các công ty đã gây bất lợi về khả năng tiếp cận thông tin và trực tiếp gây ra các hệ lụy xấu như hiện tượng giao dịch theo tin đồn (xuất phát từ lợi thế thông tin khác nhau), bị các đối tượng tung tin thất thiệt dẫn dắt, nhà đầu tư không đủ thông tin để điều chỉnh các hành vi và tâm lý đầu tư…

Một trong những ví dụ cho thấy thiệt hại lớn của nhà đầu tư cá nhân cũng như tác động tiêu cực tới thị trường xuất phát từ các thông tin “mập mờ” là sau khi lãnh đạo Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam, vào tối ngày 5/4/2022, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội lan truyền hình ảnh bị cắt từ một bản tin có nội dung thanh tra 12 doanh nghiệp bất động sản… Dù bản tin trên thực tế được đăng vào tháng 1/2017 và việc thanh tra trên là hoạt động bình thường diễn ra hàng năm nhưng nhiều người lan truyền thông tin mập mờ, không nhắc đến việc đây là bản tin cũ.

Đồng thời, giai đoạn này cũng xuất hiện loạt tin đồn “bắt bớ” lãnh đạo doanh nghiệp, thông tin sai lệch về hoạt động của một số công ty, dẫn tới các phiên bán tháo hoảng loạn. Chỉ trong khoảng thời gian tin đồn bùng nổ (từ ngày 4/4 - 12/4/2024), vốn hóa sàn HOSE bị “bốc hơi” hơn 270.500 tỷ đồng. Riêng ba phiên (7, 8 và 12/4/2024), chỉ số VN-Index đã giảm gần 70 điểm.

Tìm nguồn cung cấp thông tin hiệu quả, tin cậy

Trong bối cảnh muôn trùng “cạm bẫy” thông tin bủa vây, việc nhà đầu tư chọn cho mình nguồn tin chính thống để theo dõi cũng là cách lọc đi những những “tin rác” phát tán trên mạng Internet hàng ngày.

Ở chiều ngược lại, nhiều tờ báo kinh tế chính thống cũng tập trung theo đuổi mục tiêu cung cấp thông tin nhanh chóng, xác thực… với các nội dung mà nhà đầu tư quan tâm như tình hình thị trường, các biến động mới nhất trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cách thức quản trị doanh nghiệp… Tuy nhiên, hành trình này cũng cần sự đồng hành của các doanh nghiệp. Thực tế, không ít trường hợp khi được báo chí tiếp cận, các doanh nghiệp cũng không “mở lòng”, có thái độ e ngại và chưa sẵn sàng chia sẻ thông tin.

Ngay tại đại hội đồng cổ đông thường niên - dịp hiếm hoi nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận nguồn thông tin trực tiếp từ doanh nghiệp, khi nhà báo đặt câu hỏi với lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị “từ chối khéo”. Tại không ít đại hội, lãnh đạo công ty cho biết sẽ trả lời các câu hỏi sau bằng văn bản, nhưng thực tế sau đó, phóng viên không nhận được câu trả lời.

Dẫu vậy, các nhà báo, cơ quan báo chí vẫn có thế mạnh nhất định trong việc tiếp cận các nguồn tin chính thống và luôn nỗ lực truyền tải nội dung chính xác, nhanh chóng tới độc giả nói chung, cộng đồng nhà đầu tư nói riêng.

Không chỉ riêng trong mùa đại hội cổ đông, công việc đưa tin và giám sát được báo chí thực hiện hàng ngày, hàng giờ. Nhờ vậy, giữa dòng chảy thông tin đầy xáo trộn trên thị trường chứng khoán, báo chí trở thành một mỏ neo vững chắc cho những quyết định của các thành viên thị trường và càng có ý nghĩa đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân.

Tư Thuần

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục