Điểm sáng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam thông qua việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, đồng thời đưa ra các kiến nghị giúp đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn ODA và đầu tư công trong thời gian tới.
WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 và 2022. Ảnh: Shutterstock. WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 và 2022. Ảnh: Shutterstock.

Bà đánh giá như thế nào về kinh tế Việt Nam trong năm 2020?

Kinh tế Việt Nam phát triển rất tốt và thể hiện sự kiên cường trong tình hình thế giới còn gặp nhiều khó khăn nhờ vào hành động nhanh và quyết liệt của Chính phủ trong việc đối phó với sự bùng phát Covid-19 trong cộng đồng, cũng như việc thực thi các chính sách hỗ trợ đúng đắn.

Ngoài ra, Việt Nam điều hành chính sách linh hoạt trong tình hình mới. Theo đó, Chính phủ đã thực hiện các chính sách tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, sau đó thúc đẩy việc thực hiện các chương trình đầu tư công nhằm hỗ trợ kinh tế phát triển.

Bà Carolyn Turk.

Bà Carolyn Turk.

Các chính sách tiền tệ cũng hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế, bao gồm việc hạ thấp lãi suất điều hành và chỉ đạo các ngân hàng xử lý linh hoạt với nguồn vốn vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trên trường quốc tế, Việt Nam có bước phát triển ấn tượng trong thập kỷ vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn khủng khoảng do Covid-19 năm 2020, với thặng dư thương mại hàng hóa cao kỷ lục.

WB có dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức tăng năm 2020 là 2,8%, năm 2021 và 2022 là 6,5%. Năm 2020, Việt Nam là một trong rất ít nước trên thế giới đạt tăng trưởng dương (thực tế tăng 2,91%).

Các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm các địa điểm an toàn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, trong đó có Việt Nam. Đây là xu hướng đã khởi nguồn từ trước do gia tăng căng thẳng thương mại trên bình diện toàn cầu.

Nói về cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2021, bà chia sẻ điều gì?

Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến các chuỗi cung ứng có nguy cơ đứt gãy nên các công ty đa quốc gia có xu hướng đẩy nhanh việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Xu hướng này đã hình thành từ trước khi xảy ra đại dịch xuất phát từ sự gia tăng chi phí lao động tại Trung Quốc cũng như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Sự thể hiện tuyệt vời của Việt Nam trong kiểm soát Covid-19 chính là nguồn cảm hứng tốt nhất - các nhà máy duy trì hoạt động và cả nước tiếp tục công việc.

Trong khi đó, quá trình cải cách trong nước được đẩy nhanh, đặc biệt trong chuyển đổi số và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Xấp xỉ 60% doanh nghiệp phản ánh đã tiếp cận và gia tăng sử dụng các nền tảng số nhằm ứng phó với tác động của Covid-19.

Nhiều cơ hội mới được mở ra từ các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định giữa ASEAN và Hồng Kông và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Tuy nhiên, Việt Nam cần kiểm soát tốt các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến Covid-19. Đại dịch tiếp tục ảnh hưởng lên thị trường lao động và các hộ kinh doanh với mức độ khác nhau trên các lĩnh vực kinh tế, giới tính và địa lý.

Về rủi ro tài chính, các nhà quản lý tiền tệ cần có kế hoạch đối phó với nguy cơ gia tăng nợ xấu ngân hàng, đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Liên quan tới sự bền vững của hệ thống tài khóa, không gian tài khóa dần thu hẹp do việc gia tăng chi tiêu, trong khi nguồn thu giảm sút. Nếu như sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ kinh tế phát triển thông qua kích thích tổng cầu, nhằm đảm bảo sự bền vững tài chính trong dài hạn.

Việc thắt chặt tài khóa sớm có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế, các cơ quan quản lý nên đặt ra các mốc thời gian khác nhau nhằm đạt được mục tiêu ổn định tài khóa và cơ cấu nợ. Trên lĩnh vực chính sách, việc gia tăng tính hiệu quả và mục đích chi tiêu cũng như tăng cường quản lý nợ sẽ giúp đạt mục đích trong ngắn hạn, trong khi cải thiện nguồn thu sẽ giúp mở rộng không gian tài khóa trong trung hạn.

Năm 2020, giải ngân ODA và đầu tư công được thúc đẩy, nhưng tiến độ vẫn chậm. WB có khuyến nghị gì cho Việt Nam?

Với các dự án do WB tài trợ, có một vài lý do dẫn tới việc chậm tiến độ thực hiện, bao gồm các thách thức về thể chế và thực hiện trong các giai đoạn khác nhau của dự án.

Cụ thể, các thủ tục và quy trình rườm rà dẫn tới việc mất khoảng 10 tháng từ khi dự án được thông qua tới lúc đi vào thực hiện và gần 19 tháng từ khi thông qua tới đợt giải ngân vốn đầu tiên. Ngoài ra, có sự chậm trễ trong việc ký kết các thỏa thuận vay vốn giữa các địa phương và Bộ Tài chính, sự thiếu sẵn sàng trong thực hiện dự án, chẳng hạn sự do dự trong việc khởi đầu quá trình mua sắm trước khi có nguồn vốn.

WB đã làm việc với nhiều bộ, ngành nhằm thúc đẩy giải ngân các dự án. Theo đó, chúng tôi kiến nghị tăng cường quản lý các dự án ODA thông qua hợp lý hóa các quy trình nhằm đảm bảo sự nhất quán và rõ ràng trong vai trò cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan, tổ chức lại và giảm bớt quy trình thông qua dự án.

Xem xét việc phân cấp quản lý một số thủ tục/yêu cầu cho cấp cơ sở nhằm xúc tiến việc thực hiện dự án đúng hạn.

Tăng cường quá trình chuẩn bị nhằm đảm bảo việc phân bổ nguồn lực hiệu quả, thiết kế chi tiết cũng như văn bản đấu thầu trước khi được phê duyệt vay vốn, nêu bật các bên liên quan trong dự án có thể bắt đầu quá trình mua sắm trước khi có các cam kết về ngân sách.

Các cấp quản lý liên quan có chỉ đạo rõ ràng bao gồm cả mốc thời gian tới các cơ quan cho vay vốn, đảm bảo kết thúc việc ký kết các thỏa thuận vay vốn trước khi thực hiện dự án, nhằm đảm bảo các bên dự án được cung cấp ngân sách đúng thời hạn.

WB đánh giá cao các nỗ lực nhằm cải thiện việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả các dự án ODA. Qua đó, chúng tôi nhận thấy có nhiều cải thiện trong việc giải ngân các nguồn vốn này và hy vọng sẽ có những cải thiện tương tự trong các năm tới.

Trong vấn đề phát triển sau đại dịch Covid-19, theo bà, Việt Nam cần chú trọng điều gì?

Việt Nam cần tận củng cố vị trí quán quân trong lĩnh vực phát triển xanh. Các thảm họa thiên nhiên gần đây gây thiệt hại về người cho Việt Nam còn nhiều hơn tác động từ đại dịch.

Quan tâm đến vấn đề môi trường sẽ không chỉ đảm bảo Việt Nam có thể phát triển bền vững, mà còn giúp khôi phục không gian tài khóa, gia tăng việc làm và thúc đẩy các hoạt động kinh tế.

Các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường dấu ấn về môi trường bao gồm: ưu tiên đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch, hỗ đỡ có điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt các ngành sử dụng nhiều các-bon nhằm giảm mạnh việc phát thải khí thải; điều chỉnh cơ chế giá các nguồn tài nguyên gây ô nhiễm và không tái tạo nhằm khuyến khích hành động trách nhiệm, bao gồm xóa bỏ bao cấp và/hoặc áp thuế (chẳng hạn thuế các-bon); tăng cường trợ cấp, cho vay, ưu đãi thuế nhằm khuyến khích giao thông bền vững, kinh tế tuần hoàn và nghiên cứu các nguồn năng lượng sạch thông qua hệ thống tài chính, cụ thể là yêu cầu các ngân hàng giảm đầu tư vào các nguồn nguyên liệu hóa thạch, gia tăng đầu tư nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tăng khả năng chịu đựng của nền kinh tế.

Chính phủ Việt Nam cũng nên khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, các nguồn năng lượng tái tạo, tập trung vào điện mặt trời áp mái, các hệ thống dự trữ năng lượng trong nước.

Bà có nhận xét gì về lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam?

Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các cải cách về thủ tục hành chính trong năm 2020.

Trong năm, hàng trăm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đưa tổng số các điều kiện kinh doanh được xóa bỏ lên gần 4.000 (trong tổng số 6.000 điều kiện) kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ chính phủ mới năm 2016.

Cổng thông tin Dịch vụ Quốc gia trong khuôn khổ cải cách nhằm tiến tới xây dựng chính phủ số đã thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ hành chính online theo cơ chế một cửa tới doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong môi trường không tiếp xúc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Với hơn 1.000 dịch vụ hành chính số được cung cấp, Cổng thông tin tới nay đã tiếp nhận 92 triệu lượt truy cập và gần 1 triệu giao dịch.

Các số liệu trên thể hiện Chính phủ Việt Nam đã thực hiện khá thành công việc cải cách thủ tục hành chính trong năm qua, song thách thức là việc đảm bảo chất lượng dịch vụ công. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực cải cách mạnh hơn nữa từ phía Chính phủ, mà cả cơ chế phản ánh hiệu quả giúp chuyển tải các ý kiến và kiến nghị từ người dân và doanh nghiệp, đưa đến hành động kịp thời từ phía Chính phủ.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục