Đó là chặng đường đã được vạch ra với mục tiêu rất rõ ràng: trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025 và là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Và xa hơn, là trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Hơn một lần, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh rằng, khát vọng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045 là một thực tế, không phải tinh thần viển vông.
Không viển vông khi nhìn vào những gì Việt Nam đã làm được trong gần 35 năm Đổi mới, đặc biệt trong Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm gần đây.
Thủ tướng nói, chỉ trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi Covid-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ Đại suy thoái 1929-1932, kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%.
Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế Việt Nam giờ đã đạt hơn 340 tỷ USD, đứng trong top nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á.
Không viển vông khi các điểm nghẽn của nền kinh tế, từ chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, nợ công, đến năng lực tài chính, dự trữ ngoại hối, quy mô thị trường chứng khoán… đã được cải thiện, cao hơn nhiều so với giai đoạn 5 năm trước, 2011-2015.
Không viển vông khi bên cạnh các thành tựu kinh tế, các chỉ số về văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững…, đặc biệt là Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, đạt 0,704 vào năm 2019, đưa Việt Nam vào nhóm phát triển con người cao. Mà con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình phát triển…
Hơn thế nữa, vai trò và vị thế của Việt Nam, nhất là sau khi thành công trong “cuộc chiến” chống lại Covid-19, đã không ngừng được củng cố và tăng cường. Chỉ trong năm 2020, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng, Chủ tịch luân phiên ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc…
Đâu phải ngẫu nhiên mà chỉ trong năm 2020, Việt Nam đã thông qua và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng như vậy, từ Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định Bảo hộ đầu tư với EU (EVFTA, EVIPA) đến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), rồi Hiệp định Thương mại tự do với Anh…
Không viển vông khi nhìn vào các cơ hội ở phía trước, nhất là khi năm 2021 là năm chúng ta bắt đầu thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, cũng như Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đây cũng là năm sẽ diễn ra hàng loạt sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc, như Đại hội Đảng lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội khóa mới, thành lập Chính phủ mới…, hứa hẹn mở ra chương mới trong sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Khi các quyết sách mới được ban hành, Việt Nam sẽ được đặt vào đường ray để tăng tốc.
Không viển vông khi chúng ta đang có một thập kỷ vàng trước mắt để bứt phá và vượt lên. Bởi đúng vào thời điểm Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến đổi toàn thế giới, đúng lúc dòng vốn đầu tư quốc tế đang chuyển dịch theo hướng có lợi nhất cho Việt Nam, đương khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra các không gian kinh tế mới…, thì Việt Nam cũng đồng thời có cơ cấu dân số vàng. Gọi thập kỷ vàng, cơ hội vàng là vì thế.
Hơn thế nữa, cơ hội vàng còn đến từ chính Covid-19, khái niệm mà chỉ 1 năm trước, chưa từng xuất hiện trong bộ não con người. Covid-19 làm phát lộ rõ hơn các mô thức kinh doanh mới, cấu trúc kinh tế, cấu trúc xã hội mới. Vì Covid-19, chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… đã được đẩy lên tầm cao hơn. Việt Nam vì thế có cơ hội để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và tận dụng mọi cơ hội để tiến cùng và vượt lên trên cuộc đua toàn cầu.
Không viển vông khi nhìn vào những gì mà Việt Nam đã làm được trong năm qua, nhất là trong cuộc chiến chống lại Covid-19, cũng như cuộc chiến chống suy giảm kinh tế. Trong nghịch cảnh, chúng ta đã biết biến thách thức thành cơ hội. Và hơn thế, một lần nữa, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của nước Việt được thắp sáng.
Nhờ tinh thần ấy, dù trong cuộc chiến chống ngoại xâm trước kia, hay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, chúng ta đã thành công. Trong phát triển kinh tế 5 năm qua, trong phòng chống Covid-19 cũng thế. Người đứng đầu Chính phủ đã gọi đó là sự hòa quyện của “Ý Đảng, lòng dân”.
Cả “Ý Đảng và lòng dân” cũng đã quyết, đã cùng nhân lên khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Tương lai đang mở lối cho những ai dám theo đuổi khát vọng lớn. Nhưng khát vọng cũng sẽ chỉ không còn là viển vông nữa một khi chúng ta cùng hành động. Bắt đầu hành động ngay từ hôm nay, ngày đầu tiên của năm mới 2021.