Điểm sáng tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt

(ĐTCK) Hiện Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
Ảnh Internet

Khoảng trống tiếp cận dịch vụ tài chính

Tại buổi Họp báo Banking Vietnam 2019, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN cho biết, trong những năm qua, đời sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, nhất là trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính vẫn còn nhiều khoảng trống, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng vẫn ở mức thấp.

Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, năm 2017, mới chỉ có 31% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, con số này thấp với những quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan hay Malaysia. Đặc biệt là tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ở vùng nông thôn có xu hướng giảm từ 26% năm 2014, còn 25% năm 2017.

Cũng theo bà Hiền, mặc dù các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng được cung cấp khá đầy đủ, đa dạng nhưng chỉ mới phổ biến ở thành thị; nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn khó tiếp cận đến dịch vụ tài chính - ngân hàng chính thức. Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ những khó khăn đối với việc tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng mà có thể kể đến trước hết là độ bao phủ của các điểm cung cấp dịch vụ còn mỏng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chi phí vật chất và phi vật chất là rào cản lớn đối với người nghèo, người thu nhập thấp với các dịch vụ tài chính chính thức.

“Bên cạnh đó, trình độ hiểu biết tài chính của người dân và doanh nghiệp còn ở mức hạn chế, trong khi thiếu vắng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính khiến cho niềm tin vào hệ thống ngân hàng - tài chính của người dân chưa cao. Hiện Chính phủ đang giao NHNN là đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện”, bà Hiền nói.

Ông Đoàn Thanh Hải, Cục phó Cục Công nghệ thông tin, NHNN nêu quan điểm, để triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện, ngành ngân hàng sẽ phải thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là “Chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin đa dạng hóa kênh cung ứng, sản phẩm, dịch vụ tài chính”. Thứ hai là “Chiến lược an ninh, an toàn thông tin đảm bảo cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện an toàn, bảo mật”. 

Thanh toán không dùng tiền mặt chuyển biến tích cực

Hỗ trợ đắc lực cho Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế chuyển biến theo chiều hướng tích cực:

Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc. Trong quý I/2019, hệ thống IBPS đã xử lý 37.325 nghìn giao dịch, tương ứng với giá trị 20.691 nghìn tỷ đồng (tăng 22,99% về số lượng và 17,84% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2018).

Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng.   

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Đến cuối tháng 3/2019, trên toàn quốc có 18.668 ATM và 261.705 POS; POS được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...

Ông Sơn cho biết, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng, trong quý I/2019 đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền giao dịch là 171 nghìn tỷ đồng (tăng 18,45% về số lượng và 18,82% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2017). Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn thanh toán thẻ.

Bên cạnh đó, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Trong quý I/2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018. Các ngân hàng đã đưa nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, đẩy mạnh các hình thức thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

“Thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công không ngừng được thúc đẩy và mở rộng. Tính đến nay, hệ thống IBPS đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh; đã có khoảng 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố”, ông Sơn nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục