Điểm sáng cổ phiếu điện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật Điện lực sửa đổi được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều “nút thắt” về cơ chế với ngành điện, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển.
Luật Điện lực mới được nhìn nhận sẽ tháo gỡ vướng mắc về cơ chế giá bán điện năng lượng tái tạo. Luật Điện lực mới được nhìn nhận sẽ tháo gỡ vướng mắc về cơ chế giá bán điện năng lượng tái tạo.

Mở ra nhiều cơ hội mới

Chiều ngày 30/11/2024, Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới. Công ty Chứng khoán Vietcap đánh giá, việc thông qua Luật Điện lực sửa đổi là một bước tiến tích cực cho ngành điện Việt Nam.

Bằng cách luật hóa và thiết lập khung pháp lý, luật này nhằm tự do hóa và tăng tính minh bạch trong ngành điện, qua đó đẩy nhanh tốc độ đầu tư cho hạ tầng năng lượng.

PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, Luật Điện lực sửa đổi không chỉ tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho phát triển thị trường điện, mà còn góp phần nâng cao tính bền vững trong phát triển năng lượng của Việt Nam.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) chỉ ra, điểm mới nổi bật của Luật Điện lực 2024 là quy định giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết giá của Nhà nước, phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Bên cạnh đó, chính sách giá điện hai thành phần tiến tới xoá bỏ bù chéo giá điện sẽ giúp cơ chế giá điện được điều tiết tốt hơn, cải thiện tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ đó trả được nợ cho các nhà máy điện.

Theo MBS, Nhà nước sẽ ưu tiên phát triển điện khí LNG, cam kết tỷ lệ sản lượng huy động tối thiểu và tính giá điện theo giá nhiên liệu, điều này sẽ tác động tích cực đến hoạt động của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower, mã POW) khi hai nhà máy điện của PVPower là Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 sử dụng nguồn LNG nhập khẩu.

Các nhà máy này hiện mới có cam kết huy động Qc ở mức 35%, dẫn đến các năm đầu có thể báo lỗ và cần có cam kết dài hạn. Ngoài ra, hai doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối khí LNG là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas - mã GAS) và Công ty cổ phần CNG Việt Nam (mã CNG) cũng được hưởng lợi.

Đặc biệt, MBS kỳ vọng Luật Điện lực 2024 sẽ thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa khách hàng lớn và doanh nghiệp sản xuất điện đã được ban hành từ tháng 7/2024, từ đó tác động tích cực đến các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2 - mã TV2), Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG) và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (mã TTA).

Luật Điện lực cũng bổ sung quy định thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đến UBND cấp tỉnh. Cụ thể, với dự án đường dây truyền tải điện đi qua 2 tỉnh trở lên, có điện áp 220 kV trở xuống, phân cấp quyết định chủ trương đầu tư đến UBND tỉnh. Điều này sẽ tác động tích cực đến các đơn vị thi công, tư vấn như PECC2, Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (mã PC1) nhờ khối lượng công việc có thể gia tăng.

Cuối cùng, đối với nhóm năng lượng tái tạo, nhiều doanh nghiệp vẫn đang vướng mắc cơ chế giá bán và phải bán với mức giá tạm tính rất thấp, nên kỳ vọng Luật sẽ giúp các doanh nghiệp này chốt được mức giá tốt, thúc đẩy mảng năng lượng tái tạo và một số doanh nghiệp hưởng lợi như Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE), Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG), PECC2, PC1.

Ngoài ra, Luật Điện lực cũng giúp hoạt động sở hữu cổ phần, vốn góp, chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong dự án điện gió ngoài khơi được diễn ra thông suốt, nhanh gọn hơn.

Điểm sáng cổ phiếu điện

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi Luật Điện lực sửa đổi được thông qua (2/12), mặt bằng chung nhóm cổ phiếu điện phản ứng khá hời hợt khi nhiều mã giảm điểm như PGV (-0,26%), TV2 (-0,31%), HDG (-0,35%), REE (-0,6%), GEG (-0,9%), TTA (-0,93%)… Chỉ có một vài cổ phiếu giữ được ở mốc tham chiếu như POW, PC1. Điều này được giới phân tích lý giải rằng, cổ phiếu điện đã có nhịp tăng khá tốt trước đó, phản ánh kỳ vọng vào những tác động tích cực từ Luật Điện lực mới.

Một nhà đầu tư có thâm niên tham gia thị trường cho rằng, Luật Điện lực mang tính tổng thể, phải đợi văn bản hướng dẫn Luật được ban hành, mới xét được tính khả thi và đánh giá doanh nghiệp nào hưởng lợi. Do đó, nhà đầu tư này lựa chọn phương án quan sát thêm câu chuyện ngành điện theo đường dài để đánh giá.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Môi giới 01 - Sở giao dịch 1 MBS cho rằng, thực tế, nhiều doanh nghiệp có thể không cần chờ đến khi có văn bản hướng dẫn Luật mới triển khai các kế hoạch đầu tư, kinh doanh.

Chẳng hạn, cuối tháng 11/2024, PECC2 ký kết thỏa thuận hợp tác theo cơ chế DPPA với H&M Việt Nam. Dù cơ chế DPPA còn khá mới mẻ tại Việt Nam và có thể gặp phải các thách thức liên quan đến hạ tầng truyền tải, định giá và chi tiết thỏa thuận, nhưng điều này mở ra một hướng phát triển mới, giảm bớt sự phụ thuộc vào cơ chế giá điện và quy trình huy động từ EVN. Cũng có nghĩa, Luật đã trở thành động lực cho một số doanh nghiệp có thể bắt tay hành động từ bây giờ.

Tuy nhiên, nếu xét về định giá, ông Dũng nhận thấy trên thị trường có nhiều nhóm cổ phiếu hấp dẫn hơn so với nhóm điện. Định giá nhóm điện hiện chỉ ở mức tương đối hợp lý, nếu xét theo triển vọng năm 2025.

Trong khi thời điểm tốt để đầu tư sẽ phụ thuộc vào vùng giá cổ phiếu điện và phương pháp đầu tư (tăng trưởng, giá trị, hoặc tích sản).

Thời điểm này, theo ông Dũng, đầu tư cổ phiếu điện có thể phù hợp hơn với phương pháp tích sản, tức khi cổ phiếu đạt đến vùng hợp lý thì có thể mua dần. Trong đó, ông Dũng đánh giá các doanh nghiệp càng sở hữu nhiều yếu tố hưởng lợi thì càng có cơ sở tăng giá, điển hình là REE và HDG là hai cổ phiếu có thể cân nhắc nhờ 4 yếu tố chính:

Thứ nhất là sự thay đổi lãnh đạo cấp cao sẽ tạo động lực thúc đẩy cho các doanh nghiệp. Mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, sau nhiều nắm giữ vị trí cao nhất của REE đã lùi xuống đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc. Trong khi đó, ông Alain Xavier Cany, đại diện uỷ quyền của cổ đông lớn Platinum Victory Pte Ltd được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị REE. Còn HDG cũng có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo khi ông Lê Xuân Long được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thay cho ông Nguyễn Trọng Thông.

Thứ hai, các doanh nghiệp này có tỷ trọng thuỷ điện lớn sẽ hưởng lợi khi thời tiết chuyển sang pha La Nina - với đặc trưng mưa nhiều.

Thứ ba, với việc gỡ vướng các rào cản liên quan đến năng lượng tái tạo thì hai doanh nghiệp này đều hưởng lợi với các dự án của mình. Trong đó, REE đang triển khai dự án điện gió Duyên Hải (dự kiến vận hành thương mại vào năm 2026 và đang chờ cơ chế), hay Hà Đô cũng có nhiều dự án điện gió như 7A mở rộng, Phước Hữu...

Thứ tư là động lực từ mảng bất động sản, cả hai doanh nghiệp này đã có dự án sẵn sàng bán hàng trong năm 2025.

“Khi lựa chọn cổ phiếu, tôi không muốn doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào một động lực cụ thể, mà sẽ ưu tiên các cổ phiếu đa năng, đa ngành, hoạt động nhiều mảng để có sự bù đắp nhau”, ông Dũng nói.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục