Điểm mặt ông lớn ‘chây ỳ’ hồ sơ sổ đỏ chung cư

(ĐTCK) Lần đầu tiên, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc chậm hoàn thiện hồ sơ để cơ quan chức năng cấp sổ đỏ cho khách hàng mua chung cư bị nêu tên, trong đó một số ‘đại gia’ cũng được cho là gây khó khăn cho khách hàng trong việc cấp sổ đỏ.
Dự án Chung cư cao tầng New Sky Line  của HUD
Dự án Chung cư cao tầng New Sky Line của HUD

Đại gia chây ỳ

Liên tục trong 2 năm trở lại đây, UBND TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố thường xuyên phải nhắc các doanh nghiệp trong việc đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ sổ đỏ cho người mua nhà. Thế nhưng, tình trạng nợ sổ đỏ vẫn tiếp diễn mà chưa được cải thiện.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố tên tuổi trên 70 doanh nghiệp có dự án nợ sổ đỏ của khách mua nhà. Trong số những chủ đầu tư được công bố, có cả những doanh nghiệp nhà nước, cả những doanh nghiệp lớn, mà từ trước đến nay vẫn được tiếng ‘đặt quyền lợi khách hàng lên trên mục tiêu kinh doanh’. Đáng nói là, sau sự nhắc nhở này, mọi việc có vẻ như vẫn y nguyên!

Những doanh nghiệp chậm hoàn thiện hồ sơ cấp sổ đỏ cho khách hàng có thể kể đến như: Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD (thuộc Bộ Xây dựng). Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, HUD có hàng loạt dự án đô thị đưa vào sử dụng nhiều năm, nhưng khách hàng vẫn chưa có sổ đỏ. Các dự án mà chủ đầu tư này đang nợ sổ đỏ là: Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (có quy mô 55 héc-ta tại các xã Thanh Lâm, Đại Thịnh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) ; Dự án khu nhà ở D22 Bộ Tư lệnh Biên phòng (phường Mai Dịch, Cầu Giấy); Dự án Khu nhà ở Cổ Nhuế (xã Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm). Trong khi đó, CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD6, thành viên của HUD cũng nợ sổ đỏ tại dự án CT1 Khu nhà ở Bắc Linh Đàm…

Một đại gia khác cũng có dự án đang “nợ” sổ đỏ của khách hàng là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico). Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, Handico đang nợ hàng loạt sổ đỏ của khách hàng tại Dự án Khu nhà ở để bán Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội). Trong khi đó, các công ty con của Handico cũng có tên trong danh sách chậm sổ đỏ cho khách hàng, như: Công ty Đầu tư và Phát triển nhà số 12 (Handico 12) tại Dự án Thạch Bàn Garden City (dự án này có diện tích gần 32 héc-ta); Công ty Kinh doanh và Xây dựng nhà tại Dự án Tòa nhà đa năng 131 - Thái Hà (quận Đống Đa); CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển Đô thị Hồng Hà tại Dự án Đầu tư Xây dựng khu nhà vườn và chung cư cao tầng Cổ Bi (huyện Gia Lâm); Công ty Kinh doanh và Dịch vụ nhà tại Nhà B15 Khu đô thị Đại Kim - Định Công; CTCP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 nợ sổ đỏ nhà CT1, CT2, CT3A, CT3B thuộc Dự án Khu nhà ở Mễ Trì Hạ (quận Nam Từ Liêm)…

Trong danh sách doanh nghiệp chậm làm sổ đỏ cho khách hàng bị điểm danh còn có một tên tuổi lớn khác là Vinaconex và “anh em con cháu” của đại gia này. Cụ thể, tại Dự án Khu đô thị mới Splendora, Vinaconex vẫn nợ 600 sổ đỏ của khách hàng, dù chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho khách hàng từ 1 năm nay. Vinaconex Xuân Mai cũng nợ sổ đỏ tại Dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (quận Hà Đông). Trong khi Vinaconex 21 nợ sổ đỏ tại dự án khu nhà ở và văn phòng cho thuê tại Ba La (Hà Đông).

Không chỉ các dự án đã đưa vào sử dụng từ lâu mới bị điểm danh nợ sổ đỏ, mà hàng loạt dự án đang triển khai, nhưng chậm tiến độ hàng năm trời cũng “mặc định” bị “điểm danh” trong danh sách chây ỳ.

Cụ thể, Dự án Chung cư cao tầng New Sky Line (Văn Quán, quận Hà Đông) của HUD đã chậm bàn giao hàng năm nay và hiện mới xây xong phần thô. Dự án Hei Tower của Tổng công ty Điện lực Hà Nội tại số 1 Ngụy Như Kon Tum hiện cũng mới trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao nhà; Dự án Nam An Khánh của CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) đang triển khai. Trong khi Chung cư Golden West tại quận Thanh Xuân của Tổng công ty Cơ khí xây dựng đã bị “đắp chiếu” thời gian dài, mới tái khởi động và xây dựng đến tầng 3, cũng được nhắc nhở chuyện sổ đỏ…

Dự án Bắc An Khánh - Splendora 
của Vinaconex

Sẽ “cấm cửa” doanh nghiệp nợ sổ đỏ khách hàng?

Theo số liệu mới nhất mới được Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội công bố, năm 2014, Hà Nội dự kiến cấp 40.000 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại các dự án phát triển nhà ở. Thế nhưng, tính đến ngày 20/6/2014, đơn vị này mới tiếp nhận và thẩm định 14.139 hồ sơ, chỉ đạt 35,3% kế hoạch năm 2014. Việc cấp sổ đỏ không đạt kế hoạch cũng xảy ra liên tục trong những năm trước đó.

Lý giải việc chậm sổ đỏ cho khách hàng, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguyên nhân chính là các chủ đầu tư chưa có tinh thần trách nhiệm trong việc làm hồ sơ cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Thậm chí, có những dự án chậm cấp sổ đỏ chính do các chủ đầu tư đã gây khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ, xuất hóa đơn và xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính của khách hàng, cũng như việc chậm cung cấp hồ sơ pháp lý để khách hàng hoàn tất thủ tục làm sổ đỏ. Đặc biệt, có dự án chậm tiến độ, thay đổi chủ đầu tư, hoặc chủ đầu tư tự ý điều chỉnh quy hoạch, thay đổi quy mô công trình cũng khiến việc cấp sổ đỏ cho khách mua nhà gặp khó khăn.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, hiện việc cấp sổ đỏ vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào chủ đầu tư.

Theo ông Nghĩa, mặc dù pháp luật quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm nộp hồ sơ làm sổ đỏ cho khách hàng, nhưng nếu doanh nghiệp không nộp hồ sơ thì cũng chưa có đủ chế tài để xử lý. Ngay việc người dân muốn tự mình làm sổ đỏ, nhưng chủ đầu tư không cho rút hồ sơ thì cũng chịu!

Đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc Sở quyết định công bố thông tin doanh nghiệp chây ỳ sổ đỏ nhằm tạo sức ép công luận để các chủ đầu tư này phải đẩy nhanh tiến độ.

Vị này cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, sau khi công khai và nhắc nhở việc chây ỳ sổ đỏ, mà doanh nghiệp không khắc phục, cơ quan chức năng sẽ xem xét không tiếp tục cấp phép dự án cho các doanh nghiệp này...

Không chỉ gây khó dễ trong việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà, dù theo quy định, việc này đương nhiên thuộc nghĩa vụ của các chủ đầu tư, một số doanh nghiệp địa ốc còn toan tính ‘móc túi’ khách hàng bằng cách tự đặt ra những loại ‘phí làm sổ’ hết sức vô lý. Báo Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục đề tài này trong những số báo sau.

Nguyên Minh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục