Điểm mặt những ngân hàng chưa lên sàn chứng khoán khi hạn chót cận kề

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Với các quy định bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm sau, buộc ngân hàng phải hoàn tất thủ tục niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) năm nay và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tháng 12 đã đi qua một nửa.

Điểm mặt những ngân hàng chưa lên sàn chứng khoán khi hạn chót cận kề

Nhiều ngân hàng chưa lên sàn

Kể từ 1/1/2021 khi Luật chứng khoán có hiệu lực, phải sau 2 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống UPCoM, công ty đại chúng mới được nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chính thức. Vì vậy, các ngân hàng đang chạy đua để kịp lên sàn HOSE.

Đồng thời, theo Quyết định số 242 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28/2/2019 phê duyệt Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, đến hết năm 2020, tất cả các NHTM sẽ phải đưa cổ phiếu lên niêm yết sàn chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Thế nhưng, tính đến nay, thị trường tài chính còn một số ngân hàng như VietA Bank, BaoViet Bank, ABBank, PGBank chưa có thông tin cụ thể về việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Trước đó, VietA Bank từng cho biết, sẽ sớm đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, song đến nay Ngân hàng vẫn chưa có thông tin cụ thể nào cho kế hoạch này.

Vào cuối tháng 6/2020, VietABank tăng vốn điều lệ, thay đổi cổ đông lớn. Theo đó, VietABank đã phát hành thành công thêm 97 triệu cổ phiếu (phân phối 18,2 triệu cổ phiếu cho người lao động và 79,2 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư) trong tổng số 150,5 triệu cổ phiếu đã đăng ký chào bán. Và Văn phòng Thành ủy TP.HCM không còn là cổ đông lớn của nhà băng này.

Như vậy, VietABank đã phân phối thành công 65% tổng số chào bán. Ngân hàng thu về gần 974 tỷ đồng. Vốn điều lệ của ngân hàng tăng từ 3.500 tỷ đồng lên gần 4.474 tỷ đồng.

Trước đó, VietABank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ lên mức 5.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên thông qua.

Như vậy, tới thời điểm sau khi phát hành, cổ đông lớn của ngân hàng có sự thay đổi. Trong đó, CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương nắm giữ hơn 54,3 triệu cổ phiếu (tương đương 12,14% vốn); Công ty cổ phần Rạng Đông sở hữu 46,7 triệu cổ phiếu (tương đương 10,45% vốn) và ông Phương Hữu Việt – Chủ tịch HĐQT VietABank sở hữu 22,6 triệu cổ phiếu (tương đương 5,06% vốn). Đồng thời, ông Phương Hữu Việt cũng đang sở hữu 49% tại công ty Việt Phương.

Thị trường tài chính còn một số ngân hàng như VietA Bank, BaoViet Bank, ABBank, PGBank chưa có thông tin cụ thể về việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Tại ABBANK, ĐHCĐ thường niên năm 2020 tổ chức ngày 21/6 cũng đã nhất trí niêm yết cổ phiếu trong năm 2020, nếu không kịp sẽ đưa cổ phiếu giao dịch tại UPCoM.

Mới đây, ABBANK đã thông báo cho các cổ đông về việc chốt danh sách để thực hiện các thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), chuẩn bị cho việc đăng ký giao dịch/niêm yết cổ phiếu trên sàn.

Theo đó, ngày chốt danh sách cổ đông là ngày 30/10/2020. Tuy nhiên, đến nay ABBANK chưa tiết lộ rõ sẽ đăng ký giao dịch/niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch nào cũng như chưa có động thái mới.

Còn tại BaoVietBank, đến nay chưa có kế hoạch nào cho việc niêm yết cổ phiếu hay đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trong khi, hiện chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa các nhà băng phải thực hiện quy định đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Tại OCB, sau nhiều năm trì hoãn việc niêm yết do điều kiện thị trường chưa thuận lợi và chờ chốt xong room ngoại, tăng vốn lên gần 11.000 tỷ đồng.

Đến nay, mọi thứ đã hoàn tất, OCB quyết định niêm yết cổ phiếu trên HOSE và đã được HOSE chấp thuận hồ sơ niêm yết. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, Ngân hàng sẽ lên sàn trong tháng 12 này, ngay sau khi nhận quyết định niêm yết từ HOSE.

PGBank chốt danh sách cổ đông trong ngày 26/10 vừa qua để chuẩn bị cho việc đăng ký giao dịch cổ phiếu của Ngân hàng trên hệ thống UPCoM dù đang trong giai đoạn chờ sáp nhập vào HDBank. Nhưng đến nay, PGBank vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc giao dịch trên UPCoM.

Trước đó không lâu, Saigonbank, Nam A Bank đã đăng ký giao dịch trên UPCoM; VIB, LienvietpostBank chuyển từ sàn HNX sang niêm yết sàn HOSE đầu tháng 11/2020.

Đồng thời, để niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trước khi Luật chứng khóa có hiệu lực đầu năm tới, Nam A Bank đã nộp hồ sơ niêm yết sàn HOSE chỉ sau 2 tháng lên giao dịch trên UPCoM và đã được HOSE nhận hồ sơ niêm yết.

Mới đây, HOSE liên tục chấp thuận hồ sơ niêm yết cho hàng loạt ngân hàng như: SeABank, MSB dự kiến sẽ được niêm yết trong tháng 12/2020.

Riêng với cổ phiếu MSB đã chính thức được chấp thuận niêm yết trên HOSE, số lượng niêm yết là 1.175 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, ACB, VIB, LienvietpotsBank chuyển từ sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) và UPCoM sang niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong tháng 11 và đầu tháng 12/2020.

Ngoài ACB, SHB cũng đang quá trình chuẩn bị thủ tục để chuyển niêm yết từ sàn HNX sang niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong thời gian tới.

Tình hình kinh doanh ra sao?

Như vậy, nếu không tính các ngân hàng đã niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và thực hiện chuyển sàn niêm yết, MSB là ngân hàng đầu tiên có cổ phiếu được chấp thuận niêm yết trên sàn HOSE năm nay.

Theo số liệu 11 tháng đầu năm 2020 của hoạt động ngân hàng riêng lẻ, tổng tài sản của MSB đạt trên 166.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2019.

Lợi nhuận trước thuế vượt mục tiêu kế hoạch năm hơn 36%, đạt hơn 2.302 tỷ đồng, tăng 116% so với 11/2019. Không chỉ hướng tới tăng trưởng, mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo các chỉ tiêu hoạt động đúng quy chuẩn là ưu tiên hàng đầu của MSB.

Cụ thể, hệ số an toàn vốn CAR theo tiêu chuẩn Basel 2 đạt 10,8%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ghi nhận mức 28,8%, tỷ lệ nợ xấu NPL tính theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN là 1,92% tại ngày 30/11/2020

Cuối tháng 11/2020, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu quỹ ra công chúng cho MSB với tổng giá trị chào bán theo mệnh giá tương đương 825.228.110.000 đồng.

Số cổ phiếu này sẽ được chào bán cho cổ đông hiện hữu sau trong vòng 90 ngày kể từ ngày có chấp thuận chào bán và sau khi cổ phiếu ngân hàng được giao dịch trên HOSE.

Dự kiến, sau khi phát hành, MSB chỉ còn nắm giữ 18 triệu cổ phiếu quỹ, lượng cổ phiếu này cũng đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận dùng để bán/thưởng cho Cán bộ nhân viên ngân hàng.

Tại ABBANK, năm 2020 đặt mục tiêu nhuận trước thuế là 1.358 tỷ đồng và kết thúc 9 tháng đầu năm nay đã đạt 924 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của ABBANK được kiểm soát ở mức 2,26% tổng dư nợ, tăng 0,54% so với cuối năm 2019. Các chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của ABBANK vẫn được giữ ổn định với RoE đạt 15,2%; RoA đạt 1,3%.

Trong khi đó, năm 2020, VietA Bank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 85.079 tỷ đồng (tương đương tăng thêm 8.554 tỷ đồng, tương ứng khoảng 11%); lợi nhuận trước thuế đạt 405 tỷ đồng (tăng hơn 47% so với năm 2019)...

Báo cáo tài chính quý III/2020 của VietA Bank cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao gấp 4 lần cùng kỳ khiến lợi nhuận trước thuế ngân hàng sụt giảm 73%, chỉ còn 18 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần VietA Bank đạt 1.135 tỷ đồng, tăng 44%. Đây vẫn là thu nhập chính của ngân hàng khi đóng góp 87% tổng thu nhập. Dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietABank chiếm 684,9 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 9,7%, đạt 167,2 tỷ đồng.

Dù vậy, so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 405 tỷ đồng cả năm 2020 thì VietABank vẫn chỉ mới hoàn thành được 41% sau 9 tháng. Tổng tài sản có của ngân hàng cuối quý III ở mức 77.465 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với hồi đầu năm.

Trong đó, dư nợ cho vay tăng mạnh 12%, đạt 47.825 tỷ đồng. Ngân hàng không công bố thuyết minh chi tiết nên không có thông tin về nợ xấu. Về huy động vốn, tiền gửi của khách hàng cũng tăng tới 20%, đạt 56.934 tỷ đồng.

Còn tại BaoViet Bank, hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 nhưng theo số liệu báo cáo tài chính quý I/2020 cho thấy kết quả kinh doanh và chất lượng tín dụng không mấy sáng sủa.

Cụ thể, kết thúc 3 tháng đầu năm 2020, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BaoVietBank lên tới 118 tỷ đồng, gấp tới 42 lần so với mức gần 3 tỷ của cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận sau thuế quý I/2020 chỉ đạt 2,2 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ 2019.

Tại thời điểm 31/3/2020, tổng tài sản có của BaoVietBank giảm mạnh 12.115 tỷ đồng về còn 47.690 tỷ đồng, tương đương giảm 20% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng giảm 8% về còn 22.785 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cũng giảm 8,5% về mức 26.745 tỷ đồng.

Đáng nói, về chất lượng nợ cho vay, nợ xấu của BaoVietBank kỳ này chỉ ở mức 1.158 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu kỳ. Tuy nhiên, do cho vay khách hàng giảm nên tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên 5,08% so với mức 4,93% của đầu kỳ. Như vậy, BaoVietBank lọt vào top các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống (NHNN quy định không vượt quá 3%).

Còn về tình hình kinh doanh tại PGBank, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế Ngân hàng đạt 132 tỉỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2019 và thực hiện được 69,5% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục