Điểm danh những tài sản trăm tỷ ngân hàng rao bán trong tháng 8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng liên tục phát mãi tài sản thu hồi nợ xấu trong những tháng gần đây, song do tác động bởi đại dịch Covid-19 nên việc bán tài sản thu hồi nợ xấu không dễ thành công.
BIDV rao bán đấu giá tài sản nguyên lô gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM BIDV rao bán đấu giá tài sản nguyên lô gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM

Ồ ạt rao bán đất

VietinBank, Vietcombank, BIDV đồng loạt thông báo đấu giá nhiều tài sản đảm bảo để xử lý các khoản nợ từ vài chục tỷ đồng lên đến hàng trăm tỷ đồng trong ngày 20/8.

Trong đó, VietinBank thông báo đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Gnotech với giá khởi điểm gần 28 tỷ đồng để xử lý, thu hồi tổng dư nợ vay gốc và lãi tính đến ngày 31/7/2020 gần 141 tỷ đồng.

 Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này bao gồm 2 máy móc, thiết bị sản xuất mặt kính cường lực được đầu tư từ năm 2016, và toàn bộ nhà xưởng của Công ty TNHH Vinapoly nằm tại phường An Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Trước đó, ngày 14/8/2020, VietinBank thông báo xử lý khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Ngọc Lâm để thu hồi nợ vay tính đến ngày 31/7/2020 hơn 189 tỷ đồng cả dư nợ gốc và lãi. Tài sản thế chấp là toàn bộ nhà xưởng, thiết bị của nhà máy bia và mỳ gắn liền với đất thuế của UBND TP. Hà Nội.

Ngày 11/8/2020, VietinBank cũng thông báo bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất tại khu đô thị mới Phước Trạch – Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội Anh, tỉnh Quảng Nam với giá khởi điểm hơn 496 tỷ đồng. Tổng diện tích sử dụng đất gần 33.050 m2.

 Tính đến ngày 30/6/2020, cho vay khách hàng của VietinBank đạt gần 941,488 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm.

Nhưng tổng nợ xấu của Ngân hàng tăng đến 48%, chiếm hơn 15,973 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của VietinBank tăng từ 1,16% lên mức 1,7%.

BIDV rao bán nguyên lô tài sản có giá khởi điểm từ 221 tỷ đồng đến 388 tỷ đồng trong ngày 21/8 vừa qua.

Cụ thể, nhà băng này rao bán 25 tài sản tại Sa Đéc, Đồng Tháp với tổng giá khởi điểm gần 283 tỷ đồng.

25 tài sản bao gồm 21 quyền sử dụng đất ở, sản xuất kinh doanh, trồng cây lâu năm, hàng năm khác với tổng diện tích 24.329 m2 tại xã Tân Quy Tây. Cùng với đó là 3 nhà kho có tổng diện tích xây dựng gần 8.142 m2 và toàn bộ máy móc thiết bị dây chuyền xây xát, lau bóng gạo.

Tài sản được bán nguyên lô không tách rời. Tất cả máy móc thiết bị đều đã qua sử dụng, một số máy móc không còn hoạt động.

Trước đó, ngày 20/8/2020, BIDV rao bán đấu giá tài sản nguyên lô gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM (diện tích 2.675 m2) cùng với hệ thống máy móc thiết bị gồm 1 bộ máy biến thế, hệ thống đầu nối cho trạm biến áp, tổ hợp máy phát điện và toàn bộ nội thất, công cụ, trang thiết bị, máy móc thuộc toà nhà Crystal Palace.

Giá khởi điểm cho tài sản nguyên lô gần 378 tỷ đồng, chưa bao gồm VAT.

Trước đó, BIDV thông báo đấu giá khoản nợ của CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour ) với giá khởi điểm hơn 388 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là quyền sử dụng đất với diện tích gần 8.147 m2 tại phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đồng thời, khoản nợ gần 246 tỷ đồng bao gồm dư nợ gốc và lãi của CTCP Thương mại và Xây dựng Nam Sơn cũng được rao bán lần thứ hai với giá khởi điểm hơn 221 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2020, dư nợ cho vay khách hàng của BIDV ở mức hơn 1,1 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng nợ xấu của Ngân hàng lại tăng mạnh 17%, chiếm gần 22.770 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,75% lên mức 2%.

Vietcombank cũng có thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại địa chỉ 543 quốc lộ 62, khu phố 5, phường 2, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An có diện tích sử dụng hơn 143.178 m2 cùng với máy móc thiết bị của Công ty Ngọc Mekong trong ngày 20/8 vừa qua. Tổng giá khởi điểm hơn 78 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 18/8/2020, Vietcombank thông báo phát mại các tài sản gắn liền với đất của Công ty Bao bì Xi măng Tam Điệp với tổng diện tích là 19.800 m2 tại xã Quang Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Trong đó bao gồm nhà bảo vệ, nhà văn phòng, nhà xưởng chính, kho thành phẩm, nhà nghỉ công nhân, nhà ăn ca và toàn bộ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất vỏ bao xi măng. Tổng giá khởi điểm gần 22 tỷ đồng.

 Đồng thời, Vietcombank cũng rao bán tài sản đảm bảo là hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị của nhà máy VinaXuki Thanh Hóa lần thứ 4 với giá khởi điểm hơn 36 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng của Vietcombank tính đến ngày 30/6/2020 đạt hơn 770.744 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Tuy nhiên, tổng nợ xấu của Ngân hàng tăng đến 11%, chiếm hơn 6.433 tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Vietcombank tăng lên mức 0,83% so với mức 0,79% của hồi đầu năm.

Đáng chú ý hơn tại Sacombank tiếp tục rao bán nhiều tài sản là bất động sản là cơ sở sản xuất kinh doanh tại các quận của TP.HCM, nhiều vị trí mặt tiền ở các quận 3, 5, 11..., tổng giá trị tài sản rao bán lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

 Điển hình, Sacombank bán phát mãi quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù có diện tích hơn 20.800 m2 thuộc dự án Khu dân cư Bảo Hưng và hai quyền sử dụng đất có diện tích 12.669 m2 tại phường 6, quận 8, TP.HCM.

 Hai tài sản trên đều nằm trên trục đường Tạ Quang Bửu, có vị trí đối diện nhau và cách nhau 300 m. Giá dự kiến khởi điểm là 711 tỷ đồng.

 Đồng thời, Sacombank bán mảnh đất sản xuất kinh doanh tại 23 xóm Củi, phường 11, quận 8 có tổng diện tích hơn 2.100 m2; diện tích xây dựng 1.981 m2 có giá khởi điểm là 136,8 tỷ đồng.

 Tại quận Tân Phú, Sacombank đang rao bán bất động sản trị giá 355 tỷ đồng khởi điểm là đất cơ sở sản xuất kinh doanh có thời gian sử dụng lâu dài, tổng diện tích 6.327 m2. Địa chỉ tại 245/61B Hoà Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP. HCM.

Tại quận Bình Thạnh, Sacombank bán lô đất cơ sở sản xuất kinh doanh có diện tích 6.382 m2, thời gian sử dụng đất đến 2044...

Vẫn khó thu hồi nợ

Mặc dù đã ra sức bán tài sản thu hồi nợ xấu, song theo lãnh đạo các nhà băng, do ảnh hưởng của đại dịch tác động lên thị trường bất động sản nên việc phát mãi tài sản là bất động sản trở lên khó khăn. Vì vậy, quá trình thu hồi nợ cũng chậm trễ, không được như kỳ vọng.

Chẳng hạn tại Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, Sacombank đặt mục tiêu đến cuối năm đến 2022 cơ bản xử lý xong để tất toán trái phiếu VAMC, giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan như dịch bệnh Covid -19 kéo dài, thị trường bất động sản không thuận lợi thì để xử lý dứt điểm có thể kéo dài đến năm 2023.

Đại diện của một ngân hàng cho biết, quá trình phát mãi tài sản thu hồi nợ khó khăn, song do tác động của dịch bệnh khiến nợ xấu mới gia tăng. Báo cáo tài chính bán niên của nhiều ngân hàng cũng cho thấy điều này, khi nợ xấu nhóm 3-5 tăng mạnh so với đầu năm 2020. 

Nợ xấu nội bảng tại ngày 30/6 của Sacombank theo báo cáo tài chính bán niên là 6.682 tỷ đồng, tăng gần 950 tỷ so với đầu năm (tức tăng gần 17%). Trong đó, nợ nhóm 3 tăng mạnh 185% lên 851 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,15%. 

Tại Vietcombank, đến hết tháng 6/2020 tổng nợ xấu tăng 11% so với đầu năm nay, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 56%.

Tương tự, cùng thời điểm trên, tổng nợ xấu của BIDV tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11%, nợ nghi ngờ tăng 21% và nợ có khả năng mất vốn tăng 17%, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,75% lên 2%...

NHNN cho biết, tính đến thời điểm 31/5, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 16,3% so với cuối năm 2019. Trong kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỉ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm nay sẽ lên mức 2,41%.

Theo NHNN, những tháng đầu năm 2020, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nhưng hiện vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm phục hồi kinh tế toàn cầu. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng này. 

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục