Hợp đồng tương lai nước cam và ca cao đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm, trong khi giá dầu thô dao động theo các ảnh hưởng từ xung đột ở Trung Đông. Giá vàng tiếp tục tăng, nhưng giá kim loại cơ bản như quặng sắt đã sụt giảm đáng kể.
Sabrin Chowdhury, Giám đốc kiêm Trưởng bộ phận phân tích hàng hóa tại BMI cho biết: "Cho đến nay, thị trường hàng hóa đã bị chi phối bởi tâm lý và thất thường".
Chỉ số hàng hóa của S&P GSCI đo lường hiệu suất chung của thị trường hàng hóa đã tăng tới 12% từ đầu năm đến tháng 4, sau đó giảm dần xuống mức tăng 2,18% tính từ đầu năm đến nay.
Theo dữ liệu lấy từ FactSet, các hàng hóa có mức tăng trưởng lớn nhất trong năm nay bao gồm ca cao, trứng, nước cam, cao su và cà phê. Những hàng hóa này đã tăng mạnh do thời tiết bất lợi ở các vùng sản xuất chính.
|
Mức tăng/giảm của các hàng hóa chính từ đầu năm tới nay |
Những hàng hóa tăng mạnh nhất
Ca cao
Ca cao dẫn đầu khi giá tăng 66% trong năm nay, với hợp đồng tương lai tăng vọt lên mức cao kỷ lục là 11.722 USD/tấn vào tháng 4 trong bối cảnh thiếu hụt đậu do gián đoạn nguồn cung do mưa lớn và dịch bệnh ở các nhà sản xuất chính là Bờ Biển Ngà và Ghana.
“Được thu hút bởi các cơ hội kiếm lời, các quỹ đầu cơ đã đổ xô vào thị trường khiến giá cả biến động mạnh hơn nữa”, Darren Stetzel, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách hàng hóa tại châu Á tại công ty môi giới StoneX cho biết.
Mặc dù giá đã giảm từ mức cao kỷ lục, giá ca cao vẫn cao hơn mức thông thường, với hợp đồng tháng 9 giao dịch gần đây nhất là 9.150 USD/tấn trên Sàn giao dịch liên lục địa Mỹ.
Ông Stetzel cho biết, thị trường ca cao sẽ ổn định khi điều kiện thời tiết ở Tây Phi cải thiện vào năm 2025, nhưng đà tăng giá sẽ chậm trở lại mức trước khi tăng đột biến trong năm nay.
Trứng
Theo dữ liệu của FactSet, sự bùng phát trở lại gần đây của dịch cúm gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên khắp Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã khiến giá trứng tăng vọt hơn 62%/tá kể từ đầu năm. Giá giao ngay của một tá trứng trắng lớn hiện ở mức 3,57 USD.
Từ đầu năm đến nay, có khoảng 18,5 triệu con gà mái đẻ trứng ở Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi cúm gia cầm. “Về mặt nhu cầu, người tiêu dùng cũng đang dựa nhiều hơn vào trứng như một nguồn protein giá cả phải chăng hơn”, Karyn Rispoli, biên tập viên quản lý tại nền tảng thông tin thị trường Expana cho biết.
“Giá trứng bán buôn dự kiến sẽ tăng cao hơn khi mùa thu và mùa lễ hội đến gần, đặc biệt là nếu tình trạng dịch cúm vẫn tiếp diễn”, Tim Luginsland, Giám đốc khu vực Viện Nông nghiệp Thực phẩm của Wells Fargo cho biết.
Nước cam
Giá nước cam tương lai tăng vọt lên mức kỷ lục vào tháng 5 và hiện đang dao động quanh mức cao kỷ lục trong lịch sử là 4,49 USD/pound trên sàn ICE. Sản lượng giảm ở Florida – khu vực sản xuất nước cam chính tại Mỹ – cùng với thời tiết bất lợi do biến đổi khí hậu ở các vùng sản xuất cam chính của Brazil đã đẩy ngành công nghiệp này vào tình trạng khủng hoảng.
Điều đó khó có thể thay đổi trong thời gian tới. Sản lượng nước cam toàn cầu dự kiến sẽ giảm do sản lượng tiếp tục giảm ở Brazil, nơi chiếm 70% sản lượng toàn cầu.
"Với sản lượng cam dự kiến cho mùa tới, kỳ vọng là giá nước cam sẽ vẫn ở mức cao trong ít nhất 12 tháng tới", David Branch, Giám đốc ngành Agri-Food Institute của Wells Fargo cho biết.
Cao su
Giá cao su đã tăng gần 30% kể từ đầu năm do sản lượng giảm ở các nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới là Thái Lan và Indonesia do các vấn đề liên quan đến thời tiết như lượng mưa hạn chế.
Hợp đồng tháng 9 cho hợp đồng tương lai cao su Ribbed Smoke Sheet (RSS3) hiện đang giao dịch ở mức 337 yên (2,29 USD)/kg trên Sàn giao dịch chứng khoán Osaka.
Cà phê
Hợp đồng tương lai cà phê giao dịch trên sàn ICE đã tăng 25% trong năm lên 2,45 USD/pound do điều kiện thời tiết bất lợi ở các vùng trồng cà phê ở đông nam Brazil.
Những thách thức về sản xuất do El Nino gây ra ở Đông Nam Á đã khiến mùa màng suy giảm ở các vùng sản xuất chính là Việt Nam và Indonesia.
Những hàng hóa chịu thiệt hại lớn nhất
Quặng sắt
Giá quặng sắt giảm mạnh nhất trong số các mặt hàng vì lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn trong tình trạng trì trệ, dẫn đến nhu cầu yếu. Giám đốc nghiên cứu hàng hóa năng lượng và khai khoáng của Commonwealth Bank of Australia, Vivek Dhar cho biết, biên lợi nhuận của nhà máy thép trong nước ngày càng xấu đi, đây là động lực quan trọng thúc đẩy giá quặng sắt cũng góp phần giữ giá ở mức thấp.
“Yếu tố chính kìm hãm mức tiêu thụ thép của Trung Quốc vẫn là lĩnh vực bất động sản (chiếm khoảng 30% mức tiêu thụ thép của Trung Quốc)… Với biên lợi nhuận của nhà máy thép hiện ở mức cản trở mạnh mẽ sản xuất, thị trường có lý do để lo ngại rằng giá quặng sắt có thể duy trì dưới 100 USD/tấn trong thời gian tới”, nhà phân tích Vivek Dhar cho biết.
Ngũ cốc
Các loại ngũ cốc được tiêu thụ rộng rãi như lúa mì, ngô và đậu nành cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong năm được coi là bội thu trên khắp Bắc bán cầu.
Wells Fargo cho biết: "Ngành ngũ cốc toàn cầu hiện đang có lượng hàng tồn kho dư thừa lớn do liên tiếp có vụ mùa bội thu ở tất cả các vùng sản xuất ngũ cốc hàng đầu". Do đó, ngô và đậu nành đã tràn ngập thị trường xuất khẩu, đẩy giá xuống thấp hơn.
Lúa mì và ngô giao dịch trên Sàn giao dịch Chicago đã giảm gần 15% trong năm nay, trong khi đậu nành giảm gần 25%.
Vàng và những thông tin chú ý
Giá vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm nay, được thúc đẩy bởi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ cũng như sức hấp dẫn của vàng thỏi như một tài sản trú ẩn an toàn. Giá vàng tương lai gần đây đã đạt mức cao kỷ lục là 2.549,9 USD/ounce.
Sabrin Chowdhury, Giám đốc và người đứng đầu bộ phận phân tích hàng hóa tại BMI dự báo rằng, mặc dù có sự biến động trong năm nay, thị trường hàng hóa toàn cầu vẫn ở mức cao và dự kiến sẽ tiếp tục như vậy. “Chúng tôi kỳ vọng giá vàng sẽ được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng đô la Mỹ, đặc biệt là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay".
Nhà phân tích này cho biết thêm, nhu cầu yếu liên tục từ Trung Quốc sẽ hạn chế mức tăng trưởng giá trên hầu hết các hàng hóa, trong đó kim loại công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục giảm.
Ngoài ra, mô hình thời tiết toàn cầu dự kiến sẽ chuyển từ El Nino sang La Nina vào cuối năm nay, đây có thể là một sự kiện quan trọng đối với thị trường nông nghiệp toàn cầu. La Nina thường mang lại hiệu ứng làm mát cho nhiệt độ toàn cầu và xảy ra sau mỗi 3 - 5 năm.
"Điều này có nghĩa là điều kiện thời tiết mà chúng ta đã thấy trong năm qua sẽ hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta dự kiến sẽ thấy vào năm 2025", ông Darren Stetzel cho biết.