“Điểm danh” cổ đông ngoại chi phối ngân hàng Việt

Bên cạnh cổ đông cá nhân và tổ chức trong nước, nhiều ngân hàng Việt có sự chi phối của cổ đông nước ngoài.

Cổ đông ngoại sở hữu tỷ lệ bao nhiêu?

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định, ngân hàng phải công bố các cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật ANVI), yêu cầu này là cần thiết để phòng ngừa chuyện đứng tên hộ, đầu tư núp bóng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thậm chí thao túng ngân hàng.

Theo yêu cầu trên, các ngân hàng đã công khai danh sách cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn. Điều này giúp thị trường có cơ hội tiếp cận đầy đủ cơ cấu sở hữu tại các nhà băng, kể cả với cổ đông chiến lược nước ngoài.

Bên cạnh các cổ đông tổ chức trong nước, Ngân hàng OCB công bố cổ đông nước ngoài Aozora Bank, Ltd nắm 15% vốn điều lệ; tiếp theo là Portal Global Limited và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) lần lượt sở hữu 3,03% và 2,42% vốn. Như vậy, tổng sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư ngoại đang chiếm 20,45% vốn của OCB.

Tại Ngân hàng MB, đến ngày 15/7, Pyn Elite Fund nắm giữ 1,63% vốn của ngân hàng này. Trong khi đó, dẫn đầu về sở hữu của nhóm cổ đông tổ chức tại VPBank là SMBC- cổ đông chiến lược nắm 15% vốn.

Được biết, VPBank đạt được thỏa thuận phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược SMBC vào cuối tháng 3/2023. Theo đó, Ngân hàng chào bán hơn 1,19 tỷ cổ phiếu cho SMBC, với tổng giá trị hơn 35.900 tỷ đồng. Ngoài ra, hai quỹ đầu tư nước ngoài là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments lần lượt nắm tương ứng 2,73% và 1,28% vốn của VPBank.

Ba tổ chức ngoại tại Ngân hàng ACB là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited, với tỷ lệ sở hữu là hơn 6% vốn điều lệ. Tại HDBank, Baillie Gifford Pacific Fund sở hữu 2,19% vốn; Sovico Holdings nắm tỷ lệ 14,27% vốn và là cổ đông duy nhất nắm trên 5% cổ phần của nhà băng này.

Theo TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital Việt Nam, rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia đầu tư vào ngân hàng Việt vẫn là mức sở hữu tối đa 30% cho nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng Việt Nam. Trong khi đó, hiện không phải ngân hàng nào cũng còn nguyên room, hầu hết nhà băng đã bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, cần xem xét nới room, nhằm thu hút vốn ngoại vào ngân hàng.

Hiện VIB có 18 cổ đông nắm hơn 72% vốn điều lệ. Trong đó, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài Commonwealth Bank là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 19,8% vốn.

Tại Ngân hàng ABBank, trong 3 cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược Maybank sở hữu 16,39% vốn điều lệ, là cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao nhất. Trước đó, ngày 22/5/2024, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã khớp lệnh bán hơn 84 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 8,2% tỷ lệ sở hữu tại ABBank theo lộ trình thống nhất trước đó.

Tại VietinBank, MUFG Bank nắm 19,73% vốn, Quỹ GIC giữ 1,67% vốn và cổ đông chiến lược Mizuho Bank nắm giữ 15% vốn. Vietcombank vừa rút nội dung “thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ” khỏi chương trình Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 vào ngày 19/8 tới.

Trước đó, Vietcombank kỳ vọng sẽ hoàn thành phương án tăng vốn 6,5% từ phát hành riêng lẻ trong năm 2025. Trong báo cáo phân tích cập nhật đầu tháng 7/2024, Công ty ACBS cho biết, Vietcombank đang trong quá trình chuẩn bị phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5% vốn cho cổ đông chiến lược Mizuho cũng như một số cổ đông khác.

Nhiều nhà băng chưa có cổ đông ngoại

Hiện nhiều ngân hàng Việt chưa có sự chi phối của cổ đông ngoại, mà phần lớn là cổ đông cá nhân và tổ chức trong nước.

Tại MSB, VNPT là cổ đông chiến lược sở hữu 6,05% vốn và theo lộ trình đã phê duyệt, đến hết năm 2025, sẽ thoái vốn tại MSB... Tương tự, LPBank công bố có một cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên là VNPost - nắm 167,2 triệu cổ phiếu LPB, tương ứng 6,54% vốn điều lệ của ngân hàng này.

MSB đã công bố danh sách 8 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Những cổ đông này sở hữu tổng cộng 32,17% vốn điều lệ của Ngân hàng. Trong đó, VNPT là cổ đông lớn nhất nắm tỷ lệ 6,05% vốn. Ngoài ra, dù không có tên trong báo cáo, nhưng Nhà nước cũng đang sở hữu 6,53% vốn điều lệ tại ngân hàng này.

KienlongBank cũng chưa có cổ đông nước ngoài. Theo công bố, 21 cổ đông, bao gồm 16 cổ đông cá nhân và 5 cổ đông tổ chức, đang nắm hơn 70% vốn điều lệ của KienlongBank. Trong số 16 cá nhân tổ chức, bà Trần Thị Thu Hằng nắm giữ 17,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 4,72% vốn.

Bên cạnh đó, một nhóm cổ đông là cá nhân, tổ chức có mối liên hệ với nhóm Đồng Tâm của ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty cổ phần Đồng Tâm, nguyên cố vấn của KienlongBank. Tổng số cổ phần mà nhóm này sở hữu chiếm trên 27% vốn điều lệ của Ngân hàng.

Theo danh sách mới cập nhật, 2 cổ đông là tổ chức nắm giữ cổ phần trên 1% tại Eximbank là Tập đoàn Gelex sở hữu 10% và Công ty cổ phần Chứng khoán VIX với 3,58%. Trước đó, đầu năm 2023, cổ đông chiến lược SMBC thoái 15% vốn tại Eximbank.

Tại BVBank, các cổ đông sở hữu cổ phần nhiều nhất là bà Nguyễn Thanh Phượng, Phó chủ tịch HĐQT nắm 4,56%; ông Ngô Quang Trung, thành viên HĐQT, kiêm CEO nắm hơn 3,12%; ông Lê Anh Tài, Chủ tịch HĐQT sở hữu 2,86%; ông Nguyễn Nhất Nam, thành viên HĐQT giữ gần 1%, người có liên quan nắm hơn 1%...

Tương tự, đến thời điểm này, Nam A Bank, Saigonbank chưa có cổ đông ngoại. Các nhà băng này cho biết, đang trong quá trình tìm kiếm các cổ đông chiến lược nước ngoài phù hợp với chiến lược tăng trưởng của ngân hàng.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục