Phó thống đốc: Ưu tiên nới room vốn ngoại để xử lý ngân hàng yếu kém

0:00 / 0:00
0:00
Room vốn ngoại hiện nay đang là tối đa 30%, song Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà.

Tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra hôm nay (16/10), ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thời gian qua, trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng điều hành ổn định thị trường tiền tệ.

Thứ nhất, về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo thanh khoản, có ý nghĩa quan trọng cho môi trường tài chính, kinh tế và tất cả các chủ thể như người dân, doanh nghiệp...

Thứ hai, về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cố gắng điều hành ổn định, linh hoạt, trong đó góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Năm nay, NHNN là một trong số ít ngân hàng Trung ương có thể giảm lãi suất điều hành, qua đó, lãi suất của thị trường cũng giảm, thể hiện rõ qua mặt bằng lãi suất và thanh khoản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài trong tiếp cận vốn, tín dụng nếu cần thiết với chi phí thấp hơn.

Liên quan đến tỷ giá tiền tệ, điều các nhà đầu tư rất quan tâm, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng điều hành ổn định thị trường ngoại tệ trong lúc thuận lợi cũng như khó khăn; ổn định tỷ giá. Các tổ chức tín dụng luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua và bán ngoại tệ của các chủ thể kinh tế trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng can thiệp thị trường để đảm bảo khi thị trường thừa ngoại tệ thì Ngân hàng Nhà nước can thiệp để mua vào. Đặc biệt, năm 2022, khi thị trường rất khó khăn, Hoa Kỳ thắt chặt tiền tệ, rút tiền về thì hệ thống ngân hàng luôn đảm bảo cung ngoại tệ cho thị trường.

Năm nay, trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng điều hành ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và tỷ giá biến động khoảng 3,9% là mức hợp lý so với các nước xung quanh và khu vực.

Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay, quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước. Ngân hàng Nhà nước cũng đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc xử lý các ngân hàng yếu kém.

Phó thống đốc khẳng định, gần 40 năm qua, vốn FDI rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước thấy rằng chiến lược đồng hành và phát triển đầu tư nước ngoài bền vững, dài hạn rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cần xem xét cẩn trọng các dòng vốn "nóng", mang tính "đầu cơ", hay dòng vốn đơn thuần mang tính đầu cơ tài chính.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Lại Minh Thúy, Giám đốc Khối giải pháp tài chính và thương mại, Ngân hàng Citibank đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ và đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đứng trước những thách thức toàn cầu.

Liên quan tới lĩnh vực ngân hàng, bà Thúy cho rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần được tiếp cận dễ dàng và hiệu quả với các khoản vay ngân hàng tại Việt Nam để thúc đẩy sản xuất và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Vì vậy, đại diện Citibank mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét các ý kiến đóng góp của nhóm công tác ngân hàng để Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng tới đây vừa đảm bảo quản lý rủi ro tín dụng tập trung hiệu quả vừa thúc đẩy hoạt động đầu tư của khối đầu tư nước ngoài trong dài hạn tại Việt Nam.

Về thị trường vốn, việc nâng hạng tín nhiệm lên mức đầu tư và nâng cấp thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi (từ thị trường cận biên) sẽ mang lại nhiều nguồn vốn quốc tế đổ vào Việt Nam. Do đó, bà Thúy kỳ vọng, với quyết tâm và nỗ lực để nâng hạng thị trường, Chính phủ sẽ tích cực giải quyết những vấn đề tồn tại để Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Theo Citibank, Việt Nam được dự đoán là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2030. Trong tương lai, nguồn vốn đầu tư nước chảy vào Việt Nam sẽ mở rộng và đa dạng hơn, hướng tới thị trường trong nước nhiều hơn so với chủ yếu là hướng tới thị trường xuất khẩu như hiện nay.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục