Điểm danh các bộ “nợ” nhiều kiến nghị của cử tri

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Lao động – thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế có tên trong danh sách này.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.

Sáng nay (11/10) mở đầu phiên họp thứ 27, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo nội dung này, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.474 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 89,5 %.

Trong đó, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.331/2.605 kiến nghị.

Nhìn chung, các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị cử tri đã góp phần tháo gỡ có hiệu quả nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.

Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri như trả lời của các bộ: Giao thông vận tải; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Kế hoạch và Đầu tư; Lao động – thương binh và xã hội (LĐTB&XH); Nội vụ; Quốc phòng; Công an; Giáo dục và đào tạo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc…

Tuy nhiên, một số Bộ, ngành trả lời kiến nghị cử tri không đúng thời hạn nên đại biểu Quốc hội chưa có thông tin để báo cáo trước cử tri.

Báo cáo nêu rõ, mặc dù từ nhiều kỳ họp trước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các Bộ, ngành tập trung giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật nhưng vẫn còn một số Bộ, ngành chưa quan tâm đầy đủ đến việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri.

Vì vậy, vẫn còn một số Bộ, ngành chưa trả lời, trả lời chưa đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị cử tri như: Bộ TN&MT có tổng số 180 kiến nghị: đã trả lời 117 kiến nghị (trong đó trả lời chậm thời hạn 117 kiến nghị); chưa trả lời 63 kiến nghị mặc dù đã quá thời hạn (29/9/2023).

Bộ Công thương có tổng số 109 kiến nghị: đã trả lời 109 kiến nghị, trong đó trả lời chậm thời hạn 71 kiến nghị.

Bộ LĐTB&XH có tổng số 263 kiến nghị: đã trả lời 263 kiến nghị, trong đó đã trả lời chậm thời hạn 117 kiến nghị.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổng số 184 kiến nghị; đã trả lời 136 kiến nghị, trong đó trả lời chậm thời hạn 64 kiến nghị; chưa trả lời 48 kiến nghị mặc dù đã quá thời hạn (29/9/2023).

Bộ Y tế có tổng số 224 kiến nghị, đã trả lời 224 kiến nghị, trong đó trả lời chậm thời hạn 79 kiến nghị.

Kết quả giám sát cũng cho thấy, quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người dân bị ảnh hưởng do Bộ, ngành chậm xây dựng, trình ban hành quy định về hỗ trợ.

Chẳng hạn, từ Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri nhiều địa phương: Thái Nguyên, Hòa Bình, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh... đã liên tục đề nghị Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân các xã ATK cách mạng.

Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/3/2020 về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân trong các xã ATK cách mạng (trừ các đối tượng đã được hưởng chính sách BHYT theo quy định hiện hành). Chính sách sẽ được áp dụng từ năm 2021.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, kiến nghị này của cử tri vẫn đang trong quá trình tiếp thu giải quyết. Trên thực tế, tùy điều kiện mà một số địa phương đã bố trí ngân sách và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT, trong đó có người dân sinh sống trên địa bàn các xã ATK, với mức từ 10 - 30%, có địa phương không thực hiện hỗ trợ. Đến năm 2023, vẫn còn 719.706/3.822.318 (chiếm 18,8%) người dân trên địa bàn xã ATK cách mạng thuộc 25 địa phương chưa tham gia BHYT.

Như vậy, trong 3 năm (2021, 2022, 2023), một bộ phận người dân ở các xã ATK cách mạng vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ chung trên toàn quốc về BHYT, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình ban hành chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân vùng ATK cách mạng, đồng thời rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm chính sách hỗ trợ của Nhà nước kịp thời đến với người thụ hưởng.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục