Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV trong phiên họp sáng nay, 20/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình đã nhắc tới nhiều tên bộ, ngành trong phần chưa trả lời đúng hạn.
Bộ Y tế có tổng số 227 kiến nghị, trả lời chậm thời hạn cả 227 kiến nghị. Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổng số 181 kiến nghị, đã trả lời 167, trong đó trả lời chậm so với thời hạn 141; còn 14 kiến nghị chưa trả lời.
Nhưng điều đáng lưu ý là công tác phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, không kịp thời; một số văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng gây khó khăn khi triển khai thực hiện. Một số khiếu nại chưa được giải quyết do còn có sự vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Nội dung khiếu nại của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội (229 kiến nghị); y tế (227 kiến nghị); Tài nguyên và Môi trường (210 kiến nghị); Nội vụ (198 kiến nghị); Nông nghiệp, nông thôn (194 kiến nghị); Giáo dục, đào tạo (181 kiến nghị); Giao thông, vận tải (179 kiến nghị)…Đến nay, có 2.596/2.640 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 98,3%.
Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí thẩm định các đồ án quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thu, nộp, quản lý và sử dụng loại phí này.
Ông Dương Thanh Bình báo cáo, qua giám sát cho thấy, để giải quyết kiến nghị này của cử tri cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng.
Mặc dù từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài chính đã 5 lần có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị xây dựng đề án thu phí thẩm định các đồ án quy hoạch gửi Bộ Tài chính ban hành văn bản quy định thu phí theo quy định của Luật Phí và Lệ phí. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng vẫn chưa đề xuất phương án thu phí thẩm định các đồ án quy hoạch nên kiến nghị của cử tri vẫn chưa được giải quyết.
Trong phần kiến nghị của Ủy ban Dân nguyện, Bộ Xây dựng tiếp tục được nhắc tên trong việc đề xuất phương án thu phí thẩm định các đồ án quy hoạch gửi Bộ Tài chính để ban hành.
Một số văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng gây khó khăn khi triển khai thực hiện. Trường hợp được báo cáo trước Quốc hội là cử tri tỉnh Bến Tre đề nghị làm rõ khái niệm về “Khu dân cư” tại Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió (Thông tư số 02) để có cơ sở áp dụng.
Qua giám sát cho thấy, tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02 quy định: “Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m”. Tuy nhiên, trong Thông tư này chưa giải thích khái niệm “Khu dân cư”, bên cạnh đó pháp luật cũng chưa có quy định thống nhất thế nào là “Khu dân cư” nên các địa phương gặp khó khăn khi triển khai thực hiện.
Kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, quy định rõ về “Khu dân cư” để các địa phương có cơ sở áp dụng thống nhất về khoảng cách an toàn giữa “Khu dân cư” và công trình điện gió.
Kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên liên quan đến Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (Thông tư số 55) cũng được nhắc tới. Vì chưa quy định cụ thể số ngày công của từng chức danh, của từng nội dung công việc và đề nghị quy định rõ để triển khai thực hiện.
Qua giám sát cho thấy, mặc dù Thông tư số 55 là thông tư hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng lại chưa quy định cụ thể về số ngày công của từng chức danh, từng nội dung công việc khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Vì vậy việc triển khai thực hiện Thông tư số 55 về vấn đề này còn gặp khó khăn như cử tri đã phản ánh.
Ủy ban dân nguyện kiến nghị Bộ KH&CN phối hợp với Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, có quy định phù hợp về việc tính số ngày công khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để áp dụng thống nhất, tránh xảy ra tình trạng lợi dụng để dự toán và quyết toán kinh phí không đúng gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cũng được nhắc đến trong hướng dẫn quy định mức thu, quản lý, sử dụng phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ, theo khiếu nại của cử trị tỉnh Cao Bằng.
Ủy ban dân nguyện báo cáo, Qua giám sát cho thấy, tại khoản 4 Điều 45 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản (Nghị định số 158) đã giao: “Bộ Tài chính quy định mức thu, quản lý, sử dụng phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4, Luật Phí và Lệ phí thì các cơ quan có thẩm quyền được quy định các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí nhưng trong Danh mục này không có tên phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ và trong Luật Khoáng sản cũng không quy định về loại phí này. Đồng thời, Luật Phí và Lệ phí đã nghiêm cấm việc cơ quan nhà nước tự đặt và thu các loại phí, lệ phí; thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật. Vì vậy, không có cơ sở để giao Bộ Tài chính ban hành quy định phí thẩm định đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Quy định nêu trên tại Nghị định số 158 là không phù hợp với quy định của Luật Phí và Lệ phí.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ khoản 4 Điều 45 Nghị định số 158; đồng thời, nghiên cứu xác định rõ sự cần thiết phải có kinh phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ, trên cơ sở đó đề xuất phương án trình Chính phủ xem xét.
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.640 kiến nghị của cử tri.
Trong đó, có 62 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,4%);
2.524 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành (chiếm 95,6%);
32 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chiếm 1,2%);
22 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,8%).
Các kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.