Dịch vụ đòi nợ thuê: Không nên cấm, mà cần thắt chặt điều kiện kinh doanh

Hoạt động đòi nợ thuê đã biến tướng, hoạt động phi pháp, gây bất an trong xã hội. Có nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ hay không là nội dung sẽ được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến khi thảo luận Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) vào hôm nay (20/11). Theo ông Phạm Trọng Nhân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, không nên cấm, mà cần thắt chặt điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Ông Phạm Trọng Nhân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông Phạm Trọng Nhân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc có nên cấm hoạt động đòi nợ thuê hay không, thưa ông?

Trước khi Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) được trình Quốc hội, Ban Soạn thảo, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm để xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, giới luật sư. Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến vào nội dung này khi thảo luận về dự thảo này tại tổ vào cuối tuần trước.

Các ý kiến tham gia rất khác nhau, nhưng tựu trung, có 2 quan điểm. Quan điểm đồng ý với đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ cho rằng, hoạt động đòi nợ thuê đã và đang bị biến tướng, hoạt động phi pháp. Những người đi đòi nợ thuê tự biến thành xã hội đen, băng nhóm tội phạm gây mất an ninh trật tự, đẩy biết bao gia đình vào cảnh khốn cùng, khuynh gia bại sản, thậm chí có người đã phải tìm đến cái chết để tự giải thoát.

Quan điểm ngược lại cho rằng, không nên cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì trong cơ chế thị trường, hoạt động vay mượn, đầu tư, hợp tác, góp vốn kinh doanh dẫn đến nợ nần là rất bình thường.

Nhu cầu đòi nợ vì thế rất lớn, nhưng do chủ nợ không có thời gian, kinh nghiệm và cũng không am hiểu luật pháp về lĩnh vực này, nên cần phải có tổ chức trung gian đứng ra xử lý. Vì vậy, không nên cấm hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh nhạy cảm này.

Thế còn quan điểm của cá nhân ông?

Theo tôi, không nên cấm hoạt động này. Trên thực tế, có rất nhiều tổ chức, cá nhân buộc phải vay nợ và không trả được nợ đúng hạn do gặp rủi ro, nhưng cũng có không ít tổ chức, cá nhân vay nợ mà không muốn trả, nên cần phải có tổ chức trung gian đứng ra dàn xếp giữa chủ nợ và khách nợ.

Vấn đề là phải quản chặt, trước mắt là nâng điều kiện với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, ngoài các quy định cấm đòi nợ bằng hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ…

Những hành vi cấm trên đã được ban hành từ năm 2007 và suốt 12 năm qua, hoạt động đòi nợ thuê đã vượt quá tầm kiểm soát, tổ chức đòi nợ thuê đã biến thành băng nhóm tội phạm rất khó xử lý, vì hoạt động tín dụng đen vẫn tiếp tục phát triển, biến tướng?

Có rất nhiều người không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng và khi cần gấp một khoản tiền, họ vẫn phải tìm đến tổ chức, cá nhân để vay. Hoạt động cho vay này pháp luật không cấm, nhưng cho vay với lãi suất quá quy định thì vi phạm luật hình sự về tội cho vay nặng lãi và sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Tương tự, việc đòi nợ thuê pháp luật không cấm, nhưng khi đi đòi nợ thuê mà sử dụng các biện pháp đòi nợ như dùng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của khách nợ là vi phạm pháp luật sẽ bị nghiêm trị theo Bộ luật Hình sự.

Tôi dám chắc không thể cấm được hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì thị trường có nhu cầu và cũng rất dễ lách. Ví dụ, chủ nợ đứng ra bán món nợ cho tổ chức, cá nhân nào đấy và tổ chức, cá nhân này thực hiện các biện pháp thu hồi số nợ đã mua. Rõ ràng, về bản chất, đây là hoạt động đòi nợ thuê, nhưng không vi phạm “vùng cấm”, vì luật pháp không cấm hoạt động mua bán nợ.

Thậm chí, nếu cấm còn có tác dụng ngược. Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo đúng pháp luật bị cấm sẽ tạo điều kiện cho hoạt động đòi nợ phi pháp, xã hội đen, “đầu gấu” phát triển vì có cầu tất có cung. Muốn giảm thiểu hoạt động đòi nợ thuê phi pháp thì phải đẩy mạnh ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, vì tín dụng đen sinh ra đòi nợ thuê phi pháp.

Nhưng nghe từ “dịch vụ đòi nợ”, “đòi nợ thuê” rất phản cảm, vì hoạt động này đồng nghĩa với tội phạm, người đi đòi nợ thuê đồng nghĩa với “dân anh chị” xăm trổ đầy mình?

Chính vì vậy, có ý kiến đề xuất thay vì gọi là “dịch vụ đòi nợ” thì đổi thành “dịch vụ xử lý tài chính”, “dịch vụ xử lý nợ”, đồng thời ban hành các điều kiện khắt khe với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, người trực tiếp xử lý nợ tương tự như dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, làm thủ tục về thuế, đại lý hải quan, công chứng…

Cụ thể, chỉ những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh dịch vụ xử lý nợ; đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới được phép hoạt động đòi nợ.

Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xử lý nợ cũng phải đáp ứng nhiều điều kiện về trình độ, kinh nghiệm, năng lực hành vi dân sự, có hộ khẩu thường trú ít nhất 5 năm tại quận, huyện, thị xã nơi đăng ký địa điểm hoạt động và chưa từng vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự trong khoảng thời gian nhất định.

Doanh nghiệp hoặc người lao động trong doanh nghiệp có bất cứ hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý nợ đều bị nghiêm trị theo từng tội danh đã được định sẵn trong Bộ luật Hình sự. Thậm chí, khách nợ được quyền từ chối làm việc khi người đi xử lý nợ không xuất trình được giấy tờ hợp pháp, không mặc quần áo đồng phục, không đeo thẻ nhân viên (do doanh nghiệp xử lý nợ cấp)…

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục