Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ để lấy ý kiến.
Đáng chú ý, tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề xuất, người đi đòi nợ thuê phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Các đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cấp trang phục cho người lao động do doanh nghiệp tự thiết kế. Trên trang phục phải có tên doanh nghiệp, đồng thời các đơn vị phải công khai mẫu trang phục tại trụ sở chính và các chi nhánh. Khi nhân viên đòi nợ kết thúc hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp.
Bộ cũng đề xuất, nếu doanh nghiệp vi phạm liên quan đến trang phục, thẻ nhân viên, giấy giới thiệu cho nhân viên sẽ bị xử phạt theo quy định của Chính phủ về vi phạm liên quan đến trang phục của hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
Trước đó, tại dự thảo lấy ý kiến từ năm 2016, Bộ Tài chính cũng từng đưa ra đề xuất nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ.
Sau đó, tới năm 2017, điều kiện này được bỏ ra khỏi dự thảo lấy ý kiến sau khi tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Chính phủ khi cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cần thiết duy trì các quy định về điều kiện an ninh, trật tự.
Ngoài quy định về đồng phục, tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính cũng giữ nguyên đề xuất vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh cũng như chưa từng bị kết án.
Người giữ chức vụ quản lý, giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Quy định này trước đó cũng từng vấp phải sự phản đối từ phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). VCCI cho rằng: "không rõ tại sao doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định?
Nếu không có đủ nguồn vốn này thì các lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động? Không nhận thấy tác động đáng kể nào từ hoạt động kinh doanh này liên quan đến lợi ích công cộng".
VCCI cho rằng, xét bản chất, mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư.
Những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ (doanh nghiệp đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ) thì sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên, khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ (đó là chưa kể, khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỷ đồng).
VCCI cũng đề nghị bỏ các điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì không nhận thấy bất kỳ đặc thù nào về trình độ chuyên môn của hoạt động kinh doanh này so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác.
"Chú ý là nếu mục tiêu của quy định về điều kiện nhân lực của hoạt động kinh doanh này là nhằm hướng tới đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì đây không phải là mục tiêu phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại Luật đầu tư 2014", VCCI đánh giá.