Ngày 21/9, tại tỉnh Bình Dương, Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đã tổ chức hội nghị giao ban và tập huấn đầu tư nước ngoài khu vực phía Nam năm 2022.
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt gần 16,8 tỷ USD, trong đó khu vực phía Nam đạt trên 7 tỷ USD.
Tại khu vực phía Nam, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tiếp đến là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, … Tuy nhiên, Bình Dương là địa phương có một số dự án FDI lớn như dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) vốn đầu tư 1 tỷ USD; nhà máy sản xuất đồ trang sức của Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) đầu tư 100 triệu USD.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, do tình hình thế giới có nhiều biến động; chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau đại dịch Covid-19; Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “zero Covid” nên các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch dòng vốn từ Trung Quốc sang các thị trường khác. Đây là cơ hội cho Việt Nam nói chung và khu vực các tỉnh, thành phía Nam nói riêng. Dự báo xu hướng đầu tư này sẽ chuyển dịch mạnh từ nay đến năm 2023.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, dự kiến Việt Nam sẽ thu hút được các dự án điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo của Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ sở sản xuất mới. Bên cạnh đó là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong 2 - 3 năm tới, các tập đoàn công nghệ vẫn ưu tiên lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư hoặc mở rộng đầu tư. Dự kiến đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng trong năm 2022 và sẽ bứt phá trong các năm tới khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Để nắm bắt cơ hội, đón đầu xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng các tỉnh, thành phía Nam cần liên kết vùng hình thành các cơ chế đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư công nghệ.
Cụ thể, các tỉnh, thành phố phía Nam cần cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ các nhà đầu tư làm thủ tục nhanh gọn. Đồng thời, thành lập các tổ công tác chuyên trách để đàm phán, hỗ trợ các dự án lớn.
Các địa phương cũng phải chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, đặc biệt là đất “sạch” tại các khu công nghiệp với đầy đủ cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, các tỉnh, thành phía Nam cần chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề để đón đầu, đáp ứng được yêu cầu về năng lực cho những dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao.