Địa ốc 7 ngày: Nóng tranh luận về “căn hộ 100 triệu đồng” tại TP.HCM

(ĐTCK) Bài toán xây căn hộ 100 triệu đồng tại TP.HCM; doanh nghiệp bất động sản khởi động sau Tết; bức xúc của cư dân Chung cư Home City Trung Kính là các thông tin địa ốc đáng chú ý tuần qua.
Địa ốc 7 ngày: Nóng tranh luận về “căn hộ 100 triệu đồng” tại TP.HCM

1. Bài toán xây căn hộ 100 triệu đồng tại TP.HCM

Báo cáo về việc học hỏi mô hình nhà xã hội giá 100 triệu đồng/căn ở Bình Dương của ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM tạo nên cuộc tranh luận nóng tuần qua.

Địa ốc 7 ngày: Nóng tranh luận về “căn hộ 100 triệu đồng” tại TP.HCM ảnh 1

Dự án nhà ở xã hội ở Bình Dương, các căn hộ có diện tích từ 30 đến 60 m2, với giá từ 100 triệu đồng. 

Theo ông Tuấn, lý do Bình Dương xây được căn hộ trên bởi xây dựng ở đây không tốn chi phí giải tỏa mặt bằng, đầu tư hạ tầng. Ngoài ra, chi phí hạ tầng không tính vào giá nhà nên mới có giá 100 triệu đồng/căn.

Ông Tuấn cho rằng, ở TPHCM có thể xây nhà ở xã hội 100 triệu đồng/căn nhưng rất ít. Nếu được thì chỉ ở 2 khu vực đủ các điều kiện là KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và Linh Trung (quận Thủ Đức). Do đó, vị Giám đốc Sở đánh giá, TP.HCM làm nhà ở giá rẻ khoảng 300 – 500 triệu hay dưới 1 tỷ là hợp lý hơn.

Bình luận về dự án này, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành tin tưởng về tính khả thi  nhưng để thực hiện, cần có 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất liên quan đến cơ quan quản lý Nhà nước, tạm gọi là giải pháp chính sách. Thứ hai phụ thuộc vào hành động của doanh nghiệp, còn gọi là giải pháp quản trị công nghệ.

Cụ thể, địa phương cần thành lập Ban Phát triển nhà giá rẻ, hỗ trợ trực tiếp các thủ tục liên quan đến quá trình chuẩn bị đất và xây dựng; cần miễn hoặc giảm một phần tiền sử dụng đất; hỗ trợ chi phí thi công hạ tầng; hỗ trợ lãi suất...

Trong khi đó, doanh nghiệp cần tổ chức được quỹ đất lớn từ vài chục ha trở lên để phát triển riêng một khu nhà giá rẻ quy mô lớn; linh hoạt trong bố trí sản phẩm, xin phép xây dựng căn hộ 30m (gồm 20m2 sàn và 10m2 lửng) nhưng chỉ bàn giao trước 20m2 sàn, 10m2 tầng lửng dự phòng để người mua tự làm bằng vật liệu nhẹ: gỗ, nhựa hoặc nhôm…

Đánh giá những thách thức của dự án này, ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty An Cư Lạc Nghiệp cho rằng, TP HCM sẽ gặp không ít khó khăn bởi 3 thách thức liên quan đến tầm nhìn vĩ mô TP HCM sẽ phải đối mặt khi làm căn hộ nhỏ và rẻ nhất Việt Nam đó là Quỹ đất rẻ gần nơi làm việc không còn nhiều, áp lực phá vỡ quy hoạch và sự quá tải của Hạ tầng giao thông - xã hội TP HCM.

2. Doanh nghiệp bất động sản khởi động sau Tết

Khác với nhiều năm trước, ngay sau Tết Nguyên đán 2017, các doanh nghiệp bất động sản rầm rộ ra quân triển khai hàng loạt dự án mới, cùng với đó là các sàn giao dịch đợi đúng thời điểm đầu năm để tung khuyến mại hút khách hàng.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của cả nước (2/2/2017 tức mùng 6 Tết âm lịch), Tổng công ty Viglacera – CTCP đã chính thức làm lễ động thổ khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong – tỉnh Bắc Ninh.

Cũng trong ngày đầu đi làm, Tập đoàn Vingroup công bố chương trình “Quà tặng chào Xuân 2017” với nhiều ưu đãi đáng chú ý dành cho khách hàng đăng ký đặt mua căn hộ S1 và S2 tại dự án Vinhomes Skylake kể từ ngày 10/2/2017.

Cũng tại dự án của Vingroup, công trường dự án Vinhomes Green Bay lúc nào cũng đông công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ.

Địa ốc 7 ngày: Nóng tranh luận về “căn hộ 100 triệu đồng” tại TP.HCM ảnh 2 

Còn tại các sàn giao dịch bất động sản, với tâm thế tranh thủ chốt hợp đồng lấy lộc sớm, nhiều sàn “ra quân” ngay từ mùng 6 Tết. Một số công ty còn dự trù nhiều hoạt động khuyến mãi ngay trong ngày khai Xuân, vừa tranh thủ thời gian chăm sóc khách hàng lại tạo nên guồng quay sôi động cho thị trường bất động sản sau kỳ nghỉ lễ dài 7 ngày.

Một môi giới bất động sản cho biết: "Sau Tết thường là thời điểm tiền bạc rủng rỉnh, tranh thủ đầu năm rảnh rỗi nhiều khách hàng đã chủ động gọi điện nhờ môi giới tư vấn hoặc hẹn đi xem dự án. Cũng có những khách hàng đã xem kỹ dự án từ trước Tết đợi sau Tết được ngày đặt cọc vừa để lấy may vừa được nhận lì xì của cả sàn bất động sản lẫn của chủ đầu tư"

Ông Nguyễn Văn Đính - Thư ký hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc các công ty môi giới bất động sản “ra quân” đầu năm do nguồn cung gia tăng khiến tính cạnh tranh giữa các dự án cũng đầy quyết liệt. Cùng đó, bản thân các nhân viên môi giới cũng phải cạnh tranh với nhau để khẳng định vị trí của mình tại các dự án.

3. Cư dân Home City Trung Kính bức xúc với chủ đầu tư

Bên cạnh những hành động gây bức xúc cho cư dân của Công ty Văn Phú (chủ đầu tư) trước đó như tự ý ra văn bản áp đặt phí đặt cọc thu phí sửa chữa, lắp đặt nội thất... khi chưa có sự đồng ý của cư dân; chỉ định đơn vị quản lý tòa nhà nhưng không thông báo thu phí gửi xe ôtô, phí lắp đạt truyền hình cáp quá cao so với mặt bằng…, mới đây, cư dân Home City Trung Kính (Hà Nội) tiếp tục tố giác thêm sai phạm của chủ đầu tư này.

Địa ốc 7 ngày: Nóng tranh luận về “căn hộ 100 triệu đồng” tại TP.HCM ảnh 3 

Cụ thể, theo phản ánh của cư dân, trong Hợp đồng mua bán căn hộ và tất cả các văn bản liên quan đến dự án Home City, chủ đầu tư đều lấy địa chỉ là 177 Trung Kính, tổ 51, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội làm địa chỉ chính thức. Tuy nhiên, kể từ khi bàn giao nhà cho cư dân, chủ đầu tư đã cho bảo vệ chặn lối đi này, yêu cầu tất cả cư dân phải đi lối ra đường Nguyễn Chánh.

Điều này theo phản ánh của người dân là vi phạm hợp đồng mua bán tạo cho người mua nhà có cảm giác bị lừa.

Mặt khác, lối vào dự án từ đường Nguyễn Chánh nhỏ và uốn cong, nhưng chủ đầu tư cho kẻ vạch kinh doanh dịch vụ trông giữ xe ô tô, làm che khuất tầm nhìn, lấn chiếm lối đi chung, gây cản trở việc lưu thông của các phương tiện ra vào tòa nhà và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, Dự án Home City được chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Văn Phú - Trung Kính giới thiệu chào mời với nhiều tiện nghi, dịch vụ cao cấp ở 177 Trung Kính.

Ngay cả các cơ quan ban như UBND TP.Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc… khi ban hành các văn bản, giấy tờ liên quan đến dự án này cũng đều lấy địa chỉ trên. Trong hợp đồng mua bán căn hộ của người dân khi giao dịch cũng ghi rõ địa chỉ này.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, khi khách hàng dọn về ở, thì địa chỉ trên lại bị chủ đầu tư bịt lại, gây bức xúc cho khách hàng và tạo cảm giác cho khách hàng như chủ đầu tư "treo đầu dê, bán thịt chó".

Chuyển động địa ốc

Capitaland Việt Nam và Công ty Toong ký kết thoả thuận trở thành đối tác chiến lược. Theo đó, Capitaland Việt Nam và Công ty Toong  phát triển một không gian làm việc chung rộng hơn 1.000 m2, tại Trung tâm thương mại The Oxygen, thuộc Dự án The Vista (TP. Hồ Chí Minh).

Ngoài ra, CapitaLand Việt Nam và Toong vừa đi đến một thoả thuận chung mang tính chiến lược và dài hạn hơn nhằm khuyến khích sự phát triển các không gian làm việc chung và trung tâm khởi tạo tại các dự án bất động sản do Tập đoàn này phát triển tại Việt Nam.

Tập đoàn Trung Nguyên khởi công Dự án Đô thị sinh thái, văn hóa, cà phê Suối Xanh tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Địa ốc 7 ngày: Nóng tranh luận về “căn hộ 100 triệu đồng” tại TP.HCM ảnh 5

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, quy mô 45,5 ha, sẽ đem đến cho cư dân không gian sống, làm việc, học tập, nghỉ ngơi hài hòa với thiên nhiên, giàu bản sắc; các khu chức năng, các dịch vụ cao cấp, chất lượng sẽ đáp ứng nhu cầu về vật chất, thể chất và tinh thần của cư dân.

Dự án có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kiến trúc hàng đầu thế giới và Việt Nam như: Department Of Architecture, Mass Design Group, Tập đoàn Ikea (đối tác độc quyền thiết kế và cung ứng nội thất cho dự án), A21 Studio, Savills.

Nguyễn Quốc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục