Địa ốc 7 ngày: Đất Sài Gòn hết sốt

(ĐTCK) Đất nền Sài Gòn hết "sốt"; chuyển động mới tại 2 dự án khủng "đắp chiếu" nhiều năm; Đà Nẵng buộc tháo dỡ một công trình không phép xây theo kiến trúc người Hoa là các thông tin địa ốc đáng chú ý tuần qua.
Địa ốc 7 ngày: Đất Sài Gòn hết sốt

1. Hết "sốt", đất nền Sài Gòn dần giảm giá

Leo thang thời gian dài và tăng nóng những tháng đầu năm, giá đất tại các huyện vùng ven và quận ngoại thành TP HCM bất ngờ điều chỉnh nhẹ và đi ngang, giao dịch chậm lại.

Khảo sát của VnExpress, một tuần qua, sau khi TP HCM xem xét sửa đổi Quyết định 33 về việc tách thửa, thị trường đất nền đã nhanh chóng chuyển từ trạng thái nóng sốt sang đi ngang và hạ nhiệt.

Động thái tiếp theo, hôm 20/5, lãnh đạo Thành phố công bố thông tin 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè chưa đủ điều kiện lên quận và khẳng định các "siêu dự án" tại Củ Chi mới tồn tại dưới dạng ý tưởng đề xuất của doanh nghiệp. Các thông tin dồn dập này đã làm hãm đà tăng giá đất, thậm chí, một số nơi ghi nhận giảm nhẹ, giao dịch đình trệ.

Địa ốc 7 ngày: Đất Sài Gòn hết sốt ảnh 1 

Cụ thể, đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn từ đỉnh một triệu đồng mỗi m2 đã bắt đầu giảm 200.000-300.000 đồng mỗi m2, tỷ lệ giảm trên 20%. Đất nền thổ cư trên địa bàn 2 huyện vùng ven này cũng đi ngang, một số vị trí mặt tiền hoặc gần trục đường lớn ghi nhận giảm giá trên 10%.

Đáng chú ý là trong 2 ngày qua, trên các cổng thông tin giao dịch trực tuyến, sản phẩm đất nền tại Hóc Môn được chào hàng giá khá rẻ so với đầu năm, chấp nhận thương lượng, ngã giá thêm.

Trong khi đó, đất nền huyện Nhà Bè có mặt bằng giá cao hơn các huyện còn lại nhờ vị trí nằm trong lõi khu Nam TP HCM và liền kề quận 7 cũng có sự điều chỉnh giá ở biên độ hẹp. Đến ngày 25/5, các bên chào bán bắt đầu điều chỉnh xuống còn 26-32 triệu đồng mỗi m2, vị chi mức giảm 1-3 triệu đồng mỗi m2. Biên độ giảm phổ biến 5-10%.

Một cò đất chuyên địa bàn huyện Nhà Bè tên Tùng tiết lộ, hơn một tuần qua, lượng khách liên hệ xem đất giảm mạnh. Nếu trước đây một ngày có khoảng trên dưới 10 nhà đầu tư quan tâm thì hiện chỉ 1-2 người.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu xác nhận, giữa cuối tháng 5/2017, thị trường đất nền vùng ven đã có chuyển biến đi ngang, một số nơi bắt đầu xuất hiện dấu hiệu giảm giá.

Lãnh đạo hiệp hội cho rằng trong thời gian qua, cò đất, đầu nậu đầu tư đất đã lợi dụng các thông tin hạ tầng, quy hoạch siêu dự án và xét lên quận cho 3 huyện vùng ven để thu gom đất, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, kích giá đất một số nơi tăng ảo.

Theo ông Châu, phản ứng đi ngang và điều chỉnh nhẹ của thị trường là tín hiệu tích cực cho thấy sự giám sát, quan tâm của lãnh đạo thành phố về chính sách tách thửa và công bố thông tin vùng ven có tác động kịp thời.

2. Buộc tháo dỡ công trình không phép xây theo kiến trúc cổ người Hoa

Địa ốc 7 ngày: Đất Sài Gòn hết sốt ảnh 2

Ngày 26/5, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết UBND phường Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã yêu cầu Công ty TNHH liên hợp Thế Duy phải tự tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trật tự đô thị tại đường Phạm Hùng (P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ) do tự ý cải tạo khi chưa có giấy phép xây dựng và đến nay vẫn chưa xuất trình được giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Theo đó, công ty Thế Duy cam kết đến ngày 22/6 sẽ tháo dỡ xong toàn bộ các hạng mục vi phạm của công trình này.

Cũng theo thông tin được phản ánh, Công ty TNHH liên hợp Thế Duy thuê lại đất từ Công ty Việt May để làm dự án “Cửa hàng đặc sản hương vị Việt” ở đường Phạm Hùng. Bên trong kho hàng của công ty có công trình đang xây.

Cụ thể, có 6 nhà xây kiên cố theo kiến trúc nhà cổ người Hoa sắp hoàn thiện, đang quét sơn tường và lắp máy điều hòa, xung quanh hai bên còn một số nền sắp xây dựng.

Tại công trình rộng khoảng 1.000m2 có khoảng 20 công nhân người Việt đang làm việc và một nhóm 5 người Trung Quốc cùng một hướng dẫn viên người Việt.

Phát hiện công trình chưa có giấy phép xây dựng, ngày 9/3 UBND phường Hòa Xuân đã ra quyết định đình chỉ thi công. Nhóm người Trung Quốc đã được lực lượng chức năng mời về trụ sở Công an quận Cẩm Lệ kiểm tra giấy tờ và lý do xuất hiện tại khu vực.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư cũng không xuất trình được giấy phép xây dựng. Sau khi có quyết định đình chỉ, phía công ty Thế Duy làm thủ tục để hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép nhưng hồ sơ bị hoàn trả.

3. Saigon One Tower hồi sinh, Tim square Hà Nội đổi chủ

Dự án cao ốc Saigon M&C (hay còn có tên Saigon One Tower) nằm giữa trung tâm Quận 1, đang xây dựng dở dang thì “đắp chiếu” nhiều năm.Hiện nay, có thông tin rằng đã được chuyển nhượng sang chủ mới và sẽ tái khởi động trở lại.

Địa ốc 7 ngày: Đất Sài Gòn hết sốt ảnh 3 

Theo thông tin vừa được Tập đoàn kiến trúc RSP (Singapore) công bố, cho thấy công ty này đang thực hiện dự án hoàn thiện công trình tòa cao ốc có vị trí chiến lược ở giao lộ đường Hàm Nghi và Võ Văn Kiệt của chủ đầu tư là CTCP phát triển Bất động sản Alpha King (Alpha King Real Estate Development JSC). Qua tìm hiểu của Trí Thức Trẻ, dự án này chính là Saigon One Tower.

Theo RSP, dự án này sẽ khởi động xây dựng lại, và dự kiến hoàn thành vào năm 2018 với điểm nhấn là một quán bar ngoài trời lớn nhất Việt Nam. Là một tổ hợp chung cư, văn phòng và thương mại cao cấp.

Tại Hà Nội, một dự án “khủng” khác là Times Square Hà Nội cũng xuất hiện những thông tin mới sau nhiều năm bị  lãng quên.

Theo công bố của VinaLand (VNL) thuộc VinaCapital, quỹ này vừa thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Thăng Long Property cho Công ty Elite Capital Resources Limited.

Được biết, Thăng Long Property là Chủ đầu tư Dự án Times Square Hà Nội. Đây là một liên doanh gữa VinaCapital và Thăng Long GTC được lập ra để đầu tư vào dự án Times Square Hanoi, số vốn điều lệ 15 triệu USD.

Trước đó, tại một báo cáo quý 1/2017 của VinaLand, cho biết Times Square là một dự án có vị trí đắc địa, được xem là trung tâm (CBD) thứ hai ở Thủ đô Hà Nội, quỹ này đã mua lại trong quý 1 năm 2007.

Tháng 12/2008, VinaCapial đã tiến hành lễ động thổ xây dựng Times Square Hanoi một cách rất long trọng. Khi đó, Chủ đầu tư công bố tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 50 triệu USD quy mô gồm cụm tháp văn phòng hạng A 20.000m2, khách sạn 5 sao 300 phòng, và khu trung tâm bán lẻ cao cấp., và dự tính sẽ hoàn thành công trình vào 2011.

Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án “nằm đắp chiếu” tại vị trí đẹp là lô đất có diện tích khoảng 4ha nằm trên mặt tiền đường Phạm Hùng, đối diện với Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Chuyển động địa ốc

Ngày 24/5, Nhất Nam Land mở bán giai đoạn 2 dự án New Điện Dương City. Theo đại diện đơn vị phân phối Nhất Nam Land, dự án New Điện Dương City tọa lạc tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam sở hữu vị trí đắc địa, tiện ích hiện đại, hạ tầng đồng bộ, pháp lý đầy đủ.

Địa ốc 7 ngày: Đất Sài Gòn hết sốt ảnh 4 

Giai đoạn 2 của dự án sẽ mang đến nhiều sản phẩm có vị trí đẹp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong giai đoạn 1, dự án thu hút nhiều nhà đầu tư, 100% sản phẩm thanh khoản thành công với hơn 200 sản phẩm đất nền chỉ sau 40 ngày mở bán.

Ngày 28/5, CTCP địa ốc Alibaba tổ chức mở bán dự án khu đô thị Alibaba Long Phước 4, nằm trong chuỗi dự án "Alibaba Long Phước - tiếp bước thành công" của doanh nghiệp.

Khu đô thị Alibaba Long Phước 4 sở hữu vị trí vàng khi tọa lạc ngay mặt tiền đường Hương Lộ 12 (thuộc xã Long Phước, Long Thành, Đồng Nai) và gần cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải.  Alibaba Long Phước 4 là điểm kết nối giao thương giữa TP HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

A.Q tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục