1. Câu chuyện nóng nhất tuần qua và cũng thể hiện cái sự hết “túm” lại “tóe” của của các nhà làm chính sách, đó là đề xuất bỏ quy định bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi mua bán, cho thuê bất động sản phải thông qua sàn giao dịch trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Đầu tuần này, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Trình Đình Dũng đã báo cáo về hai dự thảo quan trọng liên quan đến lĩnh vực đất đai, làm dấy lên những tranh luận về việc bỏ hay không bỏ quy định bắt buộc phải giao dịch qua sàn.
Thực ra chuyện này không mới, bỏ giao dịch qua sàn đã nhiều lần được kiến nghị. Vấn đề là lần này đưa vào dự thảo luật mà thôi.Cái lý mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng đưa ra cho việc “lối cũ ta về” là do việc tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian làm tăng thêm thủ tục, tăng chi phí và góp phần đẩy giá, tạo giao dịch ảo.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại không đồng tình với việc phủ nhận sạch trơn vai trò của các sàn giao dịch như vậy, bởi “sàn giao dịch là biểu hiện bậc cao của thị trường”. Còn Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý không ngại ngần nói thẳng, “cần xem lại cách lập luận” của Bộ trưởng Xây dựng và “quy định thế này là bước đi thụt lùi so với hướng minh bạch hóa! (Lao động, 11/3).
Còn các sàn giao dịch thì “choáng’ với đề xuất của Bộ Xây dựng (Đầu tư Chứng khoán, 13/3), bởi sự thay đổi đến 180 độ của chính sách và hàng ngàn sàn giao dịch bất động sản sẽ nguy cơ phải đóng cửa, kéo theo cả loạt hệ quả như Nhà nước thất thu thuế, khó kiểm soát thị trường.
Quy định “không bắt buộc” kiểu nước đôi chẳng khác nào quy định được chọn một trong hai cách tính diện tích trong Thông tư “tai tiếng” mà Bộ Xây dựng vừa phải “sửa sai” mới đây. Đương nhiên, chủ đầu tư sẽ chọn cách làm có lợi nhất cho mình và nhà đầu tư rất có thể phải gánh phần rủi ro, thua thiệt.
Suy cho cùng, người viết ra quy định cũng là con người. Có đúng, có sai. Sai thì bỏ, đúng thì giữ lại, còn ai chịu ảnh hưởng thì ráng chịu!
2. Câu chuyện thứ hai là quy định mở thị trường cho người nước ngoài kinh doanh bất động sản, vốn đã nóng trên nhiều diễn đàn nhiều ngày trước, nhưng vẫn tiếp tục gây nóng trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10.3.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, không nên cho phép Việt kiều và người nước ngoài kinh doanh BĐS như các tổ chức, cá nhân ở trong nước, mà cần có lộ trình phù hợp để mở rộng theo hướng này.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn về việc kiểm soát được những tiêu cực sẽ phát sinh khi mở toang cánh cửa với thị trường cho Việt kiều, “Chưa kiểm soát được thì chưa nên cho phép mở rộng, bởi e ngại “ông Việt kiều cầm tiền của khách xong không biết đi đâu về đâu thì rất nguy”. (Thanh niên, 10/3)
Lo ngại thì đúng quá, chủ doanh nghiệp FDI đầu tư cả nhà máy với hàng trăm công nhân còn bỏ chạy, huống chi là "chỉ bản đồ thu tiền thật". Nhưng cuộc sống, làm cái gì cũng thuận thì quá là... thiên tài.
3. Câu chuyện thứ ba là nới điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ đồng. Thông tin khá bất ngờ, được đưa ra ngày cuối tuần (13/3) trên VN Economy.
Chuyện là Bộ Xây dựng vừa ký một thông tư liên tịch với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tư pháp với nội dung quan trọng là cho phép các đối tượng thu nhập thấp có thể dùng chính căn hộ mua tại dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội để thế chấp tại ngân hàng khi vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.
Vậy là qua thời cho người có nhu cầu mua nhà thu nhập thấp “leo cột mỡ”, chính sách cho vay lại mở toang.Không những thế, tờ báo này còn dẫn lời Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tới đây, người thu nhập thấp khi vay vốn mua nhà chỉ phải trình “một con dấu”, thay vì “hai con dấu” xác nhận của cơ quan đang làm việc và chính quyền địa phương như trước.
Với độ thông thoáng trong điều kiện vay, người thu nhập thấp có hy vọng được mua nhà, vấn đề là trông chờ nguồn cung, mà theo Bộ Xây dựng khẳng định thì nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn hiện nay lên tới trên 11 triệu m2.
Cũng tốt thôi, phải làm chứ chả nhẽ được duyệt tới 30.000 tỷ mà không giải ngân thì phí quá!
4. Bỏ qua những câu chuyện về chính sách, thì trong tuần này, thị trường địa ốc cũng đón nhận thông tin hàng loạt dự án ra hàng.
Tại phía Tây Hà Nội, Liên minh Bất động sản G5 kết hợp cùng chủ đầu tư Van Phu Invest chuẩn bị mở bán Dự án The Van Phu Victoria. Dự án nằm trong quần thể khu đô thị Văn Phú, phía đông nam giáp khu công viên cây xanh, siêu thị Mê Linh Plaza. Phía Đông Bắc gần khu trung tâm hành chính mới của quận Hà Đông. Mặt Tây là Dự án Deawoo - Cleve. Căn hộ có diện tích từ 56 - 132m2, có giá từ 1 tỷ đồng/căn, theo phương thức chìa khóa trao tay, đã hoàn thiện nội thất. Trong dịp mở bán, khách hàng được chủ đầu tư tặng 80% vé sử dụng bể bơi và phòng tập gym trong vòng 2 năm.
Tại Đà Nẵng, sau một thời gian dài phân khúc đất nền đi vào trầm lắng, ngày 15/3, CTCP Đất Xanh Miền Trung mở bán 100 nền đất thuộc Dự án Khu đô thị trường đại học Bộ Nội vụ. Dự án có quy mô 9,3 héc-ta, nằm trên tuyến đường huyết mạch nối TP. Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An, phía Bắc giáp khu đô thị số 9, phía Tây giáp Làng đại học quốc tế Đà Nẵng, phía Nam giáp khu dân cư, phía Đông giáp Khu đô thị An Phú Quý, cách bãi biển chỉ khoảng 1,5 km. Diện tích mỗi nền đất từ 95 - 120m2, với mức giá từ 255 triệu - 379 triệu đồng/nền. Khách hàng chỉ cần khoản vốn 120 triệu đồng là có thể sở hữu một nền đất, 50% giá trị nền đất còn lại được ngân hàng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi 8%/năm trong 10 năm, mỗi tháng chỉ cần góp hơn1,2 triệu đồng.
Tại thị trường bất động sản sôi động nhất là TP. HCM, Dự án Dream Home cũng được sàn địa ốc Danh Khôi và An Gia mở bán đợt cuối vào ngày 15/3. Dự án nằm ngay trung tâm hành chính quận Gò Vấp, nằm cạnh trường công lập cấp 1 và 2 của quận Gò Vấp. Dự án có tổng diện tích 52.000m2, bao gồm 500 căn hộ diện tích từ 64 – 92 m2, có từ hai phòng ngủ, hai nhà vệ sinh, hai mặt thoáng. Theo thông tin từ đơn vị phân phối, trong hai đợt mở bán trước đây, đã có 370 căn hộ tại Dự án được khách hàng đặt mua.