Theo bản án phúc thẩm, từ năm 2010-2011, ngân hàng ký 2 hợp đồng tín dụng cho Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nguyên vay số tiền 9,4 tỷ đồng. Ngân hàng đã thu nợ với hợp đồng thứ nhất.
Còn hợp đồng thứ hai, ngân hàng mới giải ngân 2,4 tỷ đồng. Lãi suất vay 2%/tháng, mục đích đầu tư nhà máy nước đá.
Đảm bảo cho hợp đồng này, doanh nghiệp đã thế chấp 7 quyền sử dụng đất của bên thứ ba là vợ chồng bà Nguyễn Thị Đào.
Ở hợp đồng vay 2,4 tỷ đồng, hai bên xảy ra tranh chấp. Ngân hàng tính toán, đến năm 2018, doanh nghiệp còn nợ gốc và lãi chưa trả là 7,5 tỷ đồng. Ngân hàng khởi kiện và tòa án cấp sơ thẩm đã buộc doanh nghiệp phải trả tiền gốc, lãi nhưng không chấp nhận yêu cầu phát mại tài sản. Vì vậy, ngân hàng kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nguyên không đồng ý trả nợ ngân hàng vì cho rằng số tiền 2,4 tỷ đồng là vay hộ. Chủ doanh nghiệp này thừa nhận thỏa thuận với ngân hàng, Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nguyên mua nợ xấu cho ngân hàng từ tài sản là nhà máy nước đá của vợ chồng bà Nguyễn Thị Đào. Điều kiện kèm theo là Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nguyên sẽ được vay thêm tiền. Năm 2011, ngân hàng đã họp xét duyệt cho Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nguyên vay 12,5 tỷ đồng.
Quá trình xét xử phúc thẩm, ngân hàng chỉ xuất trình bản chính hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp. Các tài liệu liên quan đến hồ sơ vay vốn như giấy đề nghị vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh, kế hoạch kinh doanh và trả lãi… ngân hàng chỉ nộp được bản sao. Việc ngân hàng chỉ nộp được các bản sao tài liệu, không có bản chính để đối chiếu là không đảm bảo giá trị pháp lý của chứng cứ theo Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Với các tài liệu trên, tòa án thấy việc đầu tư nhà máy nước đá (đang sản xuất) của Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nguyên là không có thật và không có tính khả thi. Tại thời điểm vay vốn, chủ doanh nghiệp chưa sở hữu nhà máy nước đá. Chủ tài sản khẳng định nhà máy nước đá đã ngưng hoạt động vì lâm vào tình trạng tài chính khó khăn.
Đại diện ngân hàng khẳng định nhà máy nước đá vẫn tồn tại nhưng không cung cấp hồ sơ thẩm định tài sản, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sở hữu nhà… Một số cựu cán bộ tín dụng thừa nhận với khoản vay của vợ chồng bà Nguyễn Thị Đào không có biên bản thống nhất nợ, phương thức xử lý tài sản thế chấp, xóa thủ tục thế chấp. Khi đó, việc này còn đang trong quá trình thương lượng và sau này, vợ chồng bà Đào thay đổi ý kiến, không chuyển quyền sử dụng đất cho Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nguyên.
Sau khi làm rõ các tình tiết trên, tòa án nhận định, ngân hàng ký hợp đồng tín dụng với Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nguyên vi phạm điều vay vốn theo Quyết định số 1627/2001/NHNN. Đó là “không có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả…”.
Vì vậy, tòa án tuyên hợp đồng tín dụng vô hiệu. Do cả bên vay và ngân hàng đều có lỗi nên mỗi bên phải chịu một nửa thiệt hại là 2,1 tỷ đồng. Tổng số tiền khách hàng phải thanh toán nợ là 5,4 tỷ đồng.
Về hợp đồng thế chấp, do hồ sơ vay vốn không hợp pháp, không đúng thực tế khách quan. Tài sản mua bán là dự án nhà máy nước đá không thực hiện được nhưng hai bên vẫn cố ý ký hợp đồng. Ngân hàng giải ngân bằng tiền mặt khi tài sản chưa giải chấp, chưa có hợp đồng chuyển nhượng là không đúng quy trình thu hồi nợ, không đủ điều kiện hợp pháp chuyển nhượng tài sản, gây thất thoát vốn vay không đúng mục đích. Khách hàng cũng sử dụng tiền vay sai mục đích là chiếm dụng trái phép tài sản ngân hàng. Trường hợp này bên thế chấp tài sản bị lừa dối.
Vì vậy, hợp đồng thế chấp bị vô hiệu.
Trong đơn kháng cáo, ngân hàng cũng đề nghị tòa án xem xét nếu thấy dấu hiệu tội phạm hình sự thì chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra xử lý. Tòa án nhận định, trong phạm vi các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ, tòa án chỉ giải quyết vụ tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự. Các sai phạm của một số cá nhân chỉ là căn cứ để tòa án đánh giá tính hợp đồng của các hợp đồng và giải quyết tranh chấp. Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan điều tra và VKSND khởi tố vụ án hình sự.