Đi sau các nước 1 năm, 4G của Việt Nam chuẩn bị cho cuộc đua vào tháng 9/2016

Dự kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép triển khai 4G cho 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone vào tháng 9/2016     
Đi sau các nước 1 năm, 4G của Việt Nam chuẩn bị cho cuộc đua vào tháng 9/2016

Nhà mạng xin cấp phép 4G sớm!

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone cho biết, đến thời điểm này, các nhà mạng thử nghiệm 4G thành công, nộp báo cáo kết quả thử nghiệm và đang hoàn tất thủ tục xin cấp phép công nghệ này. Một số nhà mạng đã có kế hoạch nhập khẩu thiết bị 4G để triển khai công nghệ mới và đang chờ Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép và sẽ triển khai xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ ngay sau đó.

Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về vấn đề triển khai 4G, yêu cầu trong năm 2016 sẽ phải cấp phép cung cấp dịch vụ 4G. Tháng 7/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho các doanh nghiệp thử nghiệm 4G trên băng tần 1800 MHz và theo giấy phép, ngày 23/10/2016 sẽ kết thúc thử nghiệm dịch vụ này.

Dự kiến, cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện. Việc thẩm định và cấp phép sẽ hoàn thành sau 15 ngày nhận được hồ sơ của nhà mạng.

Theo ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel, doanh nghiệp này đã sản xuất được thiết bị 4G và nhiều thiết bị đã được triển khai tại Việt Nam. Viettel cũng hoàn thành thử nghiệm thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ 4G tại Vũng Tàu, phối hợp với Cục Viễn thông thực hiện đo kiểm chất lượng dịch vụ 4G để kết thúc việc thử nghiệm. Vì vậy, Viettel đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cấp phép 4G sớm vào đầu tháng 9/2016.

Triển khai 4G đã đúng thời điểm?

Theo chuyên gia viễn thông Lê Nam Thắng,  kinh nghiệm từ các dịch vụ khác cho thấy, nếu một dịch vụ nào có khoảng 10 - 15% dân số thế giới sử dụng sẽ trở thành xu hướng. Tính đến tháng 8/2015, có khoảng 800 triệu người dùng 4G trên toàn thế giới, chiếm khoảng 10% dân số. Như vậy, Việt Nam chậm khoảng 1 năm.

“Nếu tính về nhu cầu thị trường, đây là thời điểm cần thiết để triển khai 4G, bởi tại các đô thị, người dùng cần đến công nghệ tốt hơn. Bên cạnh đó, giá thiết bị, giá cước 4G cũng đang đi xuống, nên theo tôi, đây là thời điểm rất tốt để triển khai 4G. Chúng ta không nên chậm trễ thêm nữa”, ông Thắng nêu quan điểm.

Tính đến tháng 8/2015, có khoảng 800 triệu người dùng 4G trên toàn thế giới, chiếm khoảng 10% dân số. Như vậy, Việt Nam chậm khoảng 1 năm.

Còn theo ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á, đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam triển khai 4G. Việt Nam có lợi thế có thể đi ngay lên công nghệ hiện đại nhất hiện nay là 4G Advance, để mang đến chất lượng vượt trội và thực hiện nhiệm vụ chiến lược đưa Internet băng rộng đến 95% dân số vào năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam nên sớm cấp thêm băng tần đã được duyệt cho 4G với các băng tần 2.6 GHz và  2.3 GHz để các nhà mạng có thể đưa ngay dịch vụ 4G Advance đến với người dùng.

Muốn phổ cập 4G rộng hơn, Việt Nam có thể cấp phép băng tần thấp cho 4G như băng tần 700 MH sau khi số hóa truyền hình. Như vậy, có thể không triển khai 4G sớm, nhưng Việt Nam  có thể phổ cập nhanh 4G đến người dùng.

Ngoài ra, theo ông Mantosh Malhotra, chi phí để nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G rẻ hơn so với 3G do giá thành sản xuất, cùng một lượng dữ liệu trên 4G rẻ hơn, điều này sẽ khuyến khích việc sử dụng 4G nhanh. Bên cạnh đó, thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G hiện có mức giá dưới 100 USD, thậm chí chỉ từ 60 – 70 USD là mức giá phù hợp giúp cho người dùng sẵn sàng sử dụng dịch vụ 4G.

Cần quy hoạch băng tần hợp lý

Ông Lê Nam Thắng nhận định, Viettel, VinaPhone, MobiFone được cấp băng tần 1800 MHz và đang thử nghiệm 4G trên băng tần này. Rất có thể các nhà mạng sẽ được sử dụng những băng tần đã được cấp phép để triển khai cho công nghệ 4G.  

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, việc phân chia băng tần cần đảm bảo đủ để doanh nghiệp triển khai hiệu quả nhưng không quá thừa, để tránh việc triển khai kéo dài, lãng phí, gây tích tụ tài nguyên lớn vào một vài doanh nghiệp dẫn đến giảm mức độ cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, phải kết hợp băng tần cao và băng tần thấp để giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp và tăng hiệu quả sử dụng. Cụ thể, băng tần cao sẽ có mật độ dân cư đông, yêu cầu dung lượng lớn, còn băng tần thấp sẽ được triển khai tại khu vực nông thôn, miền núi, nơi có mật độ dân cư thấp, nhu cầu sử dụng dung lượng không nhiều nhưng vùng phủ sóng rộng.

Về việc cấp phép dịch vụ 4G, báo cáo cho biết, nếu có quá nhiều giấy phép cho các doanh nghiệp sẽ dẫn đến cạnh tranh quá mức, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng nếu cấp quá ít giấy phép, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ rất thấp, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng.

Các chuyên gia viễn thông cũng khuyến cáo rằng, nên cấp phép cho 3 - 5 nhà khai thác di động, trong đó có từ 2 - 3 doanh nghiệp mạnh. Tuy nhiên, cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường và phải tạo điều kiện tham gia cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có năng lực mà không nhất thiết phải là các doanh nghiệp nhà nước.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục