Ông đánh giá thế nào về mức độ cạnh tranh hiện nay trên thị trường dược phẩm Việt Nam?
Thị trường Việt Nam nói chung và ngành dược phẩm tại Việt Nam nói riêng ngày càng mở cửa, đồng nghĩa với việc các công ty dược phẩm nước ngoài thâm nhập vào nhiều hơn với nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, cạnh tranh ngày càng gay gắt, từ khoa học - công nghệ, chiến lược tiếp thị, cho đến chủng loại sản phẩm và giá cả.
Không riêng gì DHG, mà toàn ngành dược Việt Nam đều chịu tác động này, cả trong hệ thống bệnh viện và ngoài nhà thuốc.
DHG có chiến lược gì để giữ vững vị thế nằm trong nhóm các doanh nghiệp dược dẫn đầu hiện nay?
Ưu thế của DHG là hệ thống phân phối sâu rộng trên khắp cả nước. Hệ thống này ngày càng chuyên nghiệp với công nghệ quản lý bài bản, từ quy trình, đến phương tiện và công cụ bán hàng. Không chỉ phân phối những sản phẩm do mình sản xuất, DHG còn phân phối cả sản phẩm của các tập đoàn dược phẩm nổi tiếng thế giới như MSD, Mega…
Thế mạnh thứ hai của DHG là năng lực sản xuất, với việc Nhà máy Non- Betalactam hoàn thành và đi vào sản xuất trong năm nay (công suất thiết kế tăng gấp đôi) và tiếp tục hoàn thành Nhà máy Betalactam.
Máy sản xuất viên nén của DHG
Trước mắt, 2 nhà máy này sẽ sản xuất, cung ứng sản phẩm cho hoạt động kinh doanh hiện tại của DHG, sau đó là sản xuất gia công, nhượng quyền, liên doanh với các tập đoàn quốc tế muốn vào Việt Nam. DHG đã tìm kiếm đối tác trong 2 năm qua và đã có tín hiệu rất khả quan, có tính khả thi cao.
Tại sao hiện nay DHG vẫn ưu tiên đầu tư và phát triển thị trường nội địa, thưa ông?
Đầu tiên phải kể đến chiến lược trọng tâm của DHG là tiếp tục phát triển thị trường nội địa, vì DHG cũng chỉ mới nắm được khoảng 15% thị phần. Hơn nữa, tại Việt Nam, DHG đang có lợi thế “sân nhà” về hệ thống phân phối, mối quan hệ khách hàng.
Việc tiếp tục tối ưu hóa công suất nhà máy thông qua hợp tác quốc tế cũng sẽ giúp gia tăng và nâng cao hình ảnh của DHG trên thị trường nội địa. Tiếp đến là DHG sẽ đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế thông qua những quốc gia mà DHG đã giao dịch lâu nay.
Phòng Kiểm nghiệm dược phẩm của DHG được công nhận phù hợp với các yêu cầu của ISO/IEC:17025
Thời gian tới, DHG sẽ đầu tư chiều sâu cho hoạt động bán hàng và tiếp thị ở những quốc gia có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam như Campuchia, Myanmar…
Ông đánh giá thế nào về thị trường Myanmar và chiến lược đầu tư sắp tới tại đây?
Thị trường Myanmar cũng không quá mới với DHG. Trước đó, vào năm 2007, DHG đã tìm được khách hàng và đã giao dịch cho tới ngày hôm nay. Hiện DHG đã xuất khẩu được 17 loại dược phẩm tới thị trường này và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Đây là một thị trường rất tiềm năng, sẽ phát triển rất nhanh chóng. Trước mắt, thông qua cuộc khảo sát thị trường dược phẩm tại Myanmar vừa qua, DHG sẽ cùng đối tác Myanmar phát triển các chương trình tiếp thị sản phẩm đến người tiêu dùng, đến các bác sĩ, dược sĩ, giống như cách làm tại thị trường Việt Nam.
Đồng thời, chúng tôi sẽ mời họ thăm nhà máy của DHG, chứng kiến quy trình sản xuất và công nghệ hiện đại để tạo thêm niềm tin về sản phẩm của Việt Nam nói chung và DHG nói riêng.
Có thể hiểu, DHG sẽ từng bước xây dựng hệ thống phân phối, chọn đưa các loại dược phẩm phù hợp và đủ khả năng cạnh tranh vào thị trường Myanmar. Sau khi đã am hiểu thị trường, có bệ đỡ vững chắc từ hệ thống phân phối rộng, vốn là thế mạnh của DHG tại Việt Nam, thì việc xây dựng nhà máy sản xuất hoặc liên doanh sản xuất tại Myanmar sẽ mở ra cơ hội mới, thành công mới.
Trong quý III/2014, DHG đầu tư hơn 6 tỷ đồng cho hệ thống máy bán hàng cầm tay (máy PDA) và hơn 52 tỷ đồng cho việc phát triển hệ thống kho trung chuyển trung tâm vùng ở Hà Nội, Nha Trang và Đà Nẵng nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng, tiến tới hình thành mô hình phân phối hiện đại. |