Sáng ngày 10/6, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tiến hành Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020 thông qua các chỉ tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, trước tình hình đại dịch ảnh hưởng làm thay đổi hoàn toàn điều kiện kinh doanh, PNJ đã điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh 2020.
Lợi nhuận giảm 30% so với 2019
Trình bày tại Đại hội, lãnh đạo PNJ kế hoạch năm 2020 với doanh thu thuần đạt 14.485,5 tỷ đồng, giảm 15% so với 2019, lãi gộp và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.895,6 tỷ đồng và 1.047 tỷ đồng, giảm 16% và 30% so với 2019. Mở mới 31 cửa hàng, mạng lưới bán lẻ của PNJ, qua đó nâng con số cửa hàng, mạng lưới bán lẻ của Công ty lên 377 khi năm 2020 kết thúc.
Theo HĐQT PNJ, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc và làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Thái độ, hành vi và nhu cầu người tiêu dùng hoàn toàn chuyển hướng, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu, bên cạnh đó là lựa chọn vàng miếng hoặc trang sức có hàm lượng vàng cao nhằm tích trữ tài sản thay vì nhu cầu thẩm mỹ.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, PNJ đã chủ động chuẩn bị các kịch bản ứng phó tương ứng với từng giai đoạn: dịch bệnh – suy thoái – phục hồi. Nhiều hạng mục được triển khai quyết liệt, vừa bảo vệ tốt nhất sức khỏe cán bộ nhân viên, khách hàng, góp phần cùng cả nước chặn đứng đà lây lan, vừa đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu khách hàng, đặc biệt là hoàn thiện và bảo đảm sự hoạt động thông suốt của kênh bán hàng online.
Khi dịch bệnh đạt đỉnh điểm, toàn bộ cán bộ nhân viên PNJ đã tận dụng thời kỳ giãn cách xã hội để tăng cường hoạt động đào tạo, gia tăng năng lực thực thi, đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo, lên kế hoạch cho các chương trình, dự án mới, đặc biệt là công nghệ.
Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ cho rằng, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến thị trường nữ trang, cầu về nữ trang vàng của khách hàng giảm. Trong khi, chưa biết khi nào đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cũng cho hay, chưa năm nào giao chỉ tiêu lợi nhuận cho Ban điều hành mà có khó khăn như năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch.
Lợi nhuận sau thuế 5 tháng đầu năm 2020 đạt 343 tỷ đồng
Với những nỗ lực đó, kết thúc quý I/2020, PNJ đạt 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 408 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cả 2 chỉ số đều tăng 5% so với cùng kỳ.
Nhưng sang tháng 4/2020, trong báo cáo mới công bố, PNJ chỉ đạt doanh thu thuần 501 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế đến 89 tỷ đồng, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Công ty phải đóng cửa nhiều cửa hàng trong thời gian giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, lũy kế 5 tháng đầu năm, ước doanh thu thuần đạt 6.522 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế ước đạt 343 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch. Các chương trình trọng điểm như mùa Thần Tài, Valentine và 8/3 đều đạt được nhiều thành công.
Bà Dung cho biết, nếu đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 832 tỷ đồng, Công ty sẽ thưởng 1%/lợi nhuận sau thuế cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt. Đồng thời, Công ty phát hành cổ phiếu theo chương trình chọn lựa cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ 1%/số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Cụ thể, PNJ dự kiến phát hành hơn 2,3 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 1,03% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, với tổng mệnh giá phát hành hơn 23 tỷ đồng. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng từ 2,253 tỷ đồng lên 2,276 tỷ đồng.
Mở thêm nhà máy mới
Theo ãnh đạo PNJ, ngay sau đại hội, Công ty sẽ đồng loạt khai trương 9 cửa hàng mới, nâng tổng số lượng cửa hàng trên toàn hệ thống lên gần 360. Song song, hệ thống PNJWatch đến thời điểm hiện tại là 44 cửa hàng và mạng lưới này sẽ tăng lên 54 cửa hàng khi tháng 6 kết thúc.
Cùng với sự phát triển hệ thống e-commerce, PNJ dần hoàn thiện mạng lưới bán hàng đa kênh, năng lực bán lẻ được tăng cường, nhanh chóng tranh thủ những thị phần vẫn còn đang bỏ trống sau đại dịch.
Đáng chú ý hơn, trong năm nay PNJ sẽ đầu tư thêm nhà máy thứ 2 tại Long An với vốn đầu tư trong giai đoạn 1 là 15 tỷ đồng để có thể mở rộng làm những mặt hàng như: xi mạ, phân kim mà lâu nay PNJ chưa đẩy mạnh, nhưng nhu cầu khách hàng luôn có.
Việc mở nhà máy thứ 2 cũng như nâng cấp nhà máy thứ nhất sẽ thay thế được hàng nhập khẩu, nhằm giảm thuế nhập khẩu cho Công ty trên dưới 100 tỷ đồng/năm.
Bước đầu nhà máy thứ 2 của PNJ tại Long An sản xuất khoảng 500.000 sản phẩm, nhưng mở rộng các dòng sản phẩm tăng xi mạ.
Trả lời cổ đông về việc dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tồn kho của PNJ tăng, kéo theo chi phí... lãnh đạo PNJ cho biết, trong năm nay, Công ty sẽ giảm hàng tồn kho, nhưng cũng phải tăng thanh khoản trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa chấm dứt. Nguồn dự trữ có thể lên đến 4.500 tỷ đồng.
Con gái bà Cao Ngọc Dung trúng cử thành viên HĐQT
Cũng tại ĐHCĐ năm nay, bà Trần Phương Ngọc Thảo, con gái bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT C PNJ trúng cử vào thành viên HĐQT Công ty.
Bà Thảo hiện đang là Giám đốc trung tâm chuyển đổi số hóa của PNJ và đang nắm giữ hơn 5,7 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương 2,5% vốn của doanh nghiệp trang sức lớn nhất Việt Nam.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo sinh năm 1984 có bằng cử nhân quản lý kinh tế năm 2004 tại Đại học Oxford, tốt nghiệp chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh ở London Busines School. Năm 2010, bà Thảo lấy bằng tiến sĩ kinh tế học ở Đại học Harvard.
Bà Thảo từng giảng dạy ở Đại học Kinh tế TP.HCM, làm quản lý ở Ngân hàng Đông Á và ANZ.
Trước khi bà Thảo ứng cử, HĐQT PNJ chỉ còn 6 người. Ông Robert Alan Willet - Thành viên HĐQT độc lập vừa nộp đơn từ nhiệm sau 2 năm gắn bó nhưng không tiết lộ lý do. Cuối tháng 2, 2 thành viên khác cũng từ nhiệm là bà Phạm Vũ Thanh Giang và bà Phạm Thị Mỹ Hạnh.
Ngoài bà Thảo, tại ĐHĐCĐ PNJ còn có Tổng giám đốc Talentnet Tiêu Yến Trinh và Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam Nguyễn Tuấn Hải trúng cử vào HĐQT PNJ.